Xây dựng nông thôn mới: Đầu tư hàng ngàn tỷ đồng, số người thiếu đói vẫn tăng
- Nguyên Hương
- •
Tổng nguồn lực xã hội xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 đã chi khoảng 851 ngàn tỷ đồng, lớn hơn chi đầu tư phát triển cả nước trong cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả ban đầu còn quá khiêm tốn so với kỳ vọng và nguồn lực đã tiêu hao.
Chương trình xây dựng nông thôn mới là gì?
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới là một chương trình tổng thể về phát triển kinh tế – xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng trên phạm vi nông thôn toàn quốc. Chương trình bắt đầu từ năm 2010 theo Quyết định 800/QĐ-TTg ngày 4/6/2010 của Thủ tướng chính phủ.
Mục tiêu của chương trình là sau 5 năm triển khai, sẽ có khoảng 20% số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới. Theo tiêu chuẩn này, các xã nông thôn mới sẽ có quy hoạch phát triển; có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng kết nối giữa liên xã, các xóm, nội đồng, hệ thống thủy lợi đáp ứng tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp; được tiếp cận điện, nước sạch, các dịch vụ bưu chính, internet, được tham gia bảo hiểm y tế, được đào tạo nghề; có trường học các cấp, chợ, nhà văn hóa, trạm y tế, nghĩa trang; có thu nhập bình quân hơn 1,4 lần thu nhập bình quân của tỉnh; vệ sinh môi trường đảm bảo; an ninh trật tự tốt; có hợp tác xã, tổ chức đoàn thể chính trị các loại.
Cho tới nay, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 đã tiêu tốn khoảng 851.380 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước là 266.785 tỷ đồng (31,34%), vốn tín dụng là 434.950 tỷ đồng (51%), huy động từ doanh nghiệp là 42.198 tỷ đồng (4,9%), người dân và cộng đồng đóng góp là 107.447 tỷ đồng (12,62%).
Số vốn này lớn hơn cả số ngân sách nhà nước chi đầu tư phát triển cả nước trong 5 năm 2010-2015 (theo dự toán là 762.000 tỷ đồng). Tính đến thời điểm hiện tại, dư nợ tín dụng thương mại vẫn ở mức cao 419.376 tỷ đồng, nợ trái phiếu Chính phủ là 15.000 tỷ đồng.
Diện mạo khu vực nông thôn có đổi thay, nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu
Tính đến ngày 31/12/2015, cả nước có 1.526 xã (chiếm 17,1%) đạt chuẩn nông thôn mới, thấp hơn so với mục tiêu đề ra là 20%. Kết quả không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt: số xã đạt nông thôn mới ở Đông Nam Bộ là 46,4%, Đồng bằng Sông Hồng là 42,8%, miền núi phía Bắc chỉ đạt 8,2%, Tây Nguyên đạt 13,2%, Đồng bằng sông Cửu Long đạt 16,7%.
Qua chương trình, cả nước đã xây dựng 47.436 km đường giao thông các loại; cải tạo, sửa chữa 103.394 km đường, xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 26.997 cầu… Khoảng 55% số xã có điểm truy cập Internet công cộng, vùng phủ sóng 3G đạt trên 80% dân số, tỷ lệ xã có điện thoại công cộng là 97%. Hệ thống trường học các cấp được đầu tư góp phần nâng cao dân trí tại nhiều khu vực nông thôn.
Tại một số khu vực, thu nhập bình quân tăng cao. Tuy nhiên, mức tăng chưa đồng đều, phụ thuộc tương ứng mức đầu tư cho địa phương đó cao hay thấp.
Tuy nhiên, so với tổng lực đầu tư cho chương trình xây dựng nông thôn mới rất lớn thì thành quả thu được rất khiêm tốn và bấp bênh.
>> Nợ chồng chất từ các chương trình xây dựng nông thôn mới
Quy hoạch sao chép, thiếu khảo sát thực tế
150 triệu đồng là kinh phí được cấp cho từng xã để dựng quy hoạch phát triển. Quy hoạch ở đây bao gồm các quy hoạch sử dụng đất và hạ tầng thiết yếu cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ; quy hoạch phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội – môi trường, phát triển các khu dân cư mới và chỉnh trang các khu dân cư hiện có đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và tiến hành cắm mốc phân định ranh giới trên thực tế.
Có thể, do số kinh phí quá hạn hẹp, địa bàn rộng, đi lại khó khăn và trình độ cán bộ còn hạn chế, việc xây dựng quy hoạch còn mang tính hình thức, thiếu khảo sát thực tế. Có trường hợp, các địa phương sao chép quy hoạch của nhau. Hơn nữa, quy hoạch chủ yếu tập trung mảng xây dựng cơ sở hạ tầng, ít chú trọng tới quy hoạch sản xuất, quy hoạch liên kết vùng cũng như vấn đề bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Nếu cứ căn cứ theo quy hoạch kém chất lượng để tiếp tục phát triển thì việc xây dựng nông thôn mới sẽ càng ngày càng trở nên phức tạp và tốn kém.
>> Dự chi gần 200.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Số lượng nhân khẩu thiếu đói toàn quốc tăng
Theo Báo cáo tổng kết 5 năm xây dựng Nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 17,4% năm 2010 xuống còn khoảng 8,2% năm 2015 (bình quân giảm 1,84%/năm).
Tuy nhiên, việc xóa nghèo này không bền vững. Vì sang năm 2016, khi bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai, thì tỷ lệ đói nghèo đã nhanh chóng quay trở lại. Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 10 tháng đầu năm 2016 do Tổng cục Thống kê thực hiện, tính chung cả nước có 253,5 ngàn lượt hộ thiếu đói, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với 1.050,4 ngàn lượt nhân khẩu thiếu đói, tăng 14,9%.
Như vậy, các hộ dân thuộc diện nghèo đói chưa thực sự thoát nghèo bền vững. Các chỉ tiêu để tính điểm tiêu chuẩn đều ở ranh giới rất mong manh.
>> 9 tháng đầu năm: Bội chi hơn 154 ngàn tỷ đồng, hơn 1 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói
Ô nhiễm môi trường, nhiều khu vực nông thôn còn chưa có nước sạch
Đến cuối năm 2015, vẫn còn khoảng nửa số dân khu vực nông thôn không sử dụng nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế; khoảng 35% dân số sử dụng nhà tiêu không đạt tiêu chuẩn; 7% trường học mầm non, phổ thông và 5% trạm y tế xã thậm chí còn không có công trình nước sạch vệ sinh.
Quy hoạch sản xuất, tái cơ cấu nông nghiệp tại các địa phương trong nhiều năm qua đã coi nhẹ vấn đề bảo vệ môi trường. Hoạt động nông nghiệp, làng nghề là tự phát, thực hiện xả thải tại chỗ và rất hiếm có hệ thống xử lý chất thải. Kết quả là môi trường đất, nước, không khí ở khu vực nông thôn ô nhiễm nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, nhiều địa phương lấp ao, sông ngòi, kênh rạch để tăng quỹ đất gây ra tình trạng ao tù, nước đọng, tình trạng ô nhiễm trầm trọng.
Qua vài năm, diện tích đất, mặt nước bị ô nhiễm không còn đem lại hiệu quả canh tác cao như trước. Đồng thời, sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn giảm sút dẫn đến chi phí khám chữa bệnh tăng cao, chất lượng cuộc sống suy giảm.
Đối với việc bảo vệ môi trường, chính quyền còn rất lúng túng, thụ động. Ý thức người dân về bảo vệ môi trường ở mức thấp, còn ỷ lại, trông chờ.
Chưa bao giờ tình trạng ô nhiễm ở khu vực nông thôn lại đáng báo động tới như vậy.
Yếu tố biến đổi khí hậu đã bị bỏ qua
Việc xây dựng nông thôn mới trong thời gian vừa qua đã không tính đến biến đổi khí hậu. Điều này khiến nhiều hạ tầng kỹ thuật vừa xây xong đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Tổng kết tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2016 cũng cho thấy sản lượng sản xuất nông nghiệp giảm 0.78%. Nguyên nhân chính do diện tích lúa gieo trồng giảm, năng suất giảm đáng kể. Tình trạng suy giảm nông nghiệp kéo dài trong nhiều tháng, chưa có dấu hiệu phục hồi. Đời sống người dân tại khu vực nông thôn liên tục khó khăn vật lộn trong thiên tai hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn và giá rét.
Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, tình hình rét đậm rét hại xảy ra liên tục trong những năm gần đây đã phá vỡ phương thức sinh hoạt sản xuất được hình thành qua nhiều thập niên của người dân nơi đây. Đường sá, cầu cống, nhà ở, chuồng trại đã không tính đến yếu tố này. Nhiều mái nhà của vùng nhiệt đới không chịu được sức nặng của băng tuyết dẫn đến tình trạng đổ sập. Hệ thống chuồng trại ngoài trời, không có hệ thống sưởi ấm, chắn gió khiến trâu bò, lợn gà,… chết hàng loạt. Nhiều giống vật nuôi của địa phương đang dần dần biến mất khỏi danh mục. Hệ thống điện lưới đổ, hỏng hàng loạt do sức nặng của băng tuyết.
Hiện tượng El Nino đã khiến nhiều khu vực phía Nam và Tây Nguyên hạn hán và xâm nhập mặn, ảnh hưởng tới đời sống người dân cũng như sản xuất nông nghiệp. Năm 2015, riêng khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, 40 ngàn ha lúa phải ngừng sản xuất, 122 ngàn ha cây trồng bị hạn hán, hàng chục ngàn hộ dân lâm vào tình cảnh thiếu nước nghiêm trọng.
Tỉnh Trà Vinh cho biết với tốc độ dâng của nước biển hiện nay, đến hết năm 2100, dự báo 40% diện tích tỉnh Trà Vinh bị ngập trong nước, như vậy hạ tầng xây lên cũng sẽ chìm trong nước nếu không có cách thức thích nghi biến đổi khí hậu.
Miền Trung hiện đang trải qua lũ lụt nghiêm trọng nhất. Hệ thống nhà chống lũ đã được Chính phủ phê duyệt triển khai trong mấy năm về trước cũng không thấy phát huy nhiều tác dụng. Nhà sập, đường xá hư hỏng, nhân dân thiếu đói là vấn đề Chính phủ đang phải giải quyết sau cơn lũ.
Con đường xây dựng nông thôn mới vừa đi qua đã cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm đắt giá. Phía trước là gánh nặng trả nợ và nhiều thách thức, nhiều diễn biến khó lường. Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đặt mục tiêu là gì và đi theo con đường nào rất cần sự nghiên cứu, suy xét kỹ lưỡng mới có thể triển khai mang lại kết quả tốt.
Nguyên Hương
Xem thêm:
Từ khóa biến đổi khí hậu xây dựng nông thôn mới lãng phí ngân sách Các vấn đề bất cập Ô nhiễm môi trường