Kết phiên 8/5, cổ phiếu PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) ghi nhận mức tăng mạnh mẽ lên mức 35.700 đồng/cp (+6,57%), thanh khoản đạt 143 tỷ đồng (tăng hơn gấp 2 lần so với phiên trước). Cùng ngày, doanh nghiệp công bố thông tin thay đổi người đại diện pháp luật Đào Nam Hải, do bị đình chỉ chức vụ chờ kết quả điều tra. 

khai truong chxd 78 tai ap hau hoa
Một cửa hàng xăng dầu của Petrolimex. Ảnh Petrolimex.

Trong thông tin mới nhất, Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định tạm đình chỉ chức vụ người đại diện phần vốn nhà nước tại Petrolimex đối với ông Đào Nam Hải, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn. Việc đình chỉ có hiệu lực kể từ ngày ký 6/5 và kéo dài cho đến khi có kết luận của cơ quan có thẩm quyền.

Cùng với đó, Bộ Tài chính tạm giao phần vốn nhà nước mà ông Đào Nam Hải đang đại diện (theo Quyết định số 45/QĐ-UBQLV ngày 28/1/2022 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp) cho ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex, người đang phụ trách chung nhóm người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngày 8/5, Petrolimex chính thức công bố thông tin về thay đổi người đại diện theo pháp luật.

Hiện chưa có thông tin chi tiết về nguyên nhân dẫn đến quyết định tạm đình chỉ của Bộ Tài chính.

Về kết quả kinh doanh, trong quý 1, Petrolimex chứng kiến doanh thu đi lùi 10%, về mức 67.861 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 7.245 ngàn tỷ đồng. Giá vốn giảm 9% dẫn đến lãi gộp còn 3712 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ. Doanh nghiệp lãi ròng 133 tỷ đồng quý 1, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước.

So với kế hoạch đặt ra tại Đại hội đồng cổ đông  năm 2025, Petrolimex thực hiện được 27,4% kế hoạch doanh thu và 11% kế hoạch lãi trước thuế.

Giải thích nguyên nhân sụt giảm doanh thu, Petrolimex cho biết hoạt kinh doanh xăng dầu gặp nhiều khó khăn từ diễn biến thị trường toàn cầu. Cụ thể, dầu thô WTI giảm từ mức 77,8 USD/thùng đầu quý xuống còn hơn 67 USD/thùng cuối quý, do tác động từ các yếu tố như chính sách thuế quan, quyết định sản lượng từ OPEC+, căng thẳng địa chính trị và tình hình kinh tế của các nền kinh tế lớn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến giá vốn hàng bán và dẫn đến việc tăng trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại thời điểm kết thúc quý theo đúng quy định hiện hành.

Tại thời điểm cuối quý 1, doanh nghiệp có gần 30,5 ngàn tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng. Trong khi nợ ngắn hạn chiếm hầu hết nợ phải trả, ở mức hơn 49,7 ngàn tỷ đồng, riêng nợ vay ngắn hạn hơn 20 ngàn tỷ đồng.

Nguyên Hương (t/h)