Nhập khẩu thịt heo tăng mạnh gây sức ép lên sản xuất trong nước
- Phan Vũ
- •
Lượng thịt heo nhập khẩu về Việt Nam đang có xu hướng tăng. Với mức giá thấp hơn thịt sản xuất nội địa và tốc độ tăng trưởng như hiện tại, thịt heo nhập khẩu gây ra lo ngại cho các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước.
- TP.HCM: Dự kiến sẽ có sàn giao dịch thịt heo, lượng tiêu thụ 10.000 con/ngày
- Long An: Phát hiện và tiêu hủy hơn 1 tấn thịt nhiễm tả heo châu Phi
Nhập khẩu thịt heo tăng mạnh
Báo cáo mới đây của Cục Xuất nhập khẩu cho biết nhập khẩu thịt heo của Việt Nam có xu hướng tăng trong tháng 5 và 6. Tính chung trong quý II/2024, Việt Nam nhập khẩu 27.000 tấn thịt heo, trị giá hơn 60 triệu USD, tăng gấp đôi về cả lượng lẫn giá trị so với quý I. Tuy nhiên, con số này mới chỉ tương đương khoảng 2% tổng nguồn cung thịt heo của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam nhập khẩu 716.890 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,43 tỷ USD. Trong các chủng loại thịt nhập khẩu, thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh chiếm phần lớn. Riêng nhập khẩu thịt heo và phụ phẩm từ thịt heo chiếm 235.000 tấn, tăng 28% so với 2022.
Nửa đầu năm nay, Việt Nam đã chi 860,9 triệu USD để nhập khẩu thịt các loại, tăng mạnh 33,6% về lượng và tăng 24,6% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng nhập khẩu thịt lợn đạt hơn 128.700 tấn, giá trị hơn 203 triệu USD.
Nga, Brazil, Đức, Canada, Mỹ, Tây Ban Nha, Ba Lan… là nguồn cung thịt lợn chủ yếu cho Việt Nam.
Một số chuyên gia cảnh báo với tốc độ tăng trưởng nhập khẩu như hiện tại, sức ép đối với ngành chăn nuôi trong nước ngày một lớn. Chưa kể một lượng thịt nhập lậu không nhỏ chưa kiểm soát được. Điều này gây ra lo ngại về các sản phẩm nhập khẩu kém chất lượng ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và cạnh tranh không lành mạnh với sản phẩm trong nước.
Nguy cơ Việt Nam trở thành nước nhập khẩu thịt heo là hiện hữu nếu ngay từ bây giờ không có các biện pháp phù hợp giải quyết thực trạng này.
Bởi thuế nhập khẩu thịt heo sẽ giảm từ 15% xuống còn 0% vào năm 2027. Như thế, giá thịt heo nhập khẩu khi đó sẽ lại càng rẻ hơn.
Về phía doanh nghiệp, việc thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo được nhập khẩu ồ ạt cũng khiến doanh nghiệp lo lắng. Bởi thịt heo nhập khẩu có giá rất rẻ. Cụ thể, giá heo hơi tại Nga, Brazil, Canada chỉ ở mức 34.100 – 34.200 đồng/kg; tại Mỹ có giá 38.400 đồng/kg… Do đó, mức giá bình quân thịt heo nhập khẩu chỉ 52.000-55.000 đồng/kg, rẻ hơn cả giá thịt heo hơi sản xuất nội địa.
Vì vậy, để cạnh tranh được với thịt nhập khẩu, bài toán giảm chi phí sản xuất để giảm giá thành đang làm đau đầu các doanh nghiệp.
Thực tế, chi phí chăn nuôi ở Việt Nam vẫn cao hơn nhiều so với thế giới do nguyên liệu đầu vào để sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nhập khẩu.
Hiện ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 65% nguyên liệu đầu vào, sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được 35% nguyên liệu.
Ngoài ra, ngành chăn nuôi Việt Nam còn phụ thuộc vào nguồn con giống chất lượng nhập khẩu. Đó là nguồn giống cụ kỵ, ông bà của các tập đoàn giống heo đa quốc gia để sản xuất cấp giống bố mẹ để sản xuất. Hiện chưa có giống heo ngoại nào do Việt Nam chọn tạo cạnh tranh được với các giống nhập ngoại.
Nên có hàng rào kỹ thuật để bảo vệ sản xuất trong nước?
Trước sức ép ngày càng lớn của thịt nhập khẩu, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn, cũng như các chuyên gia cho rằng, Việt Nam nên có hàng rào kỹ thuật, chính sách thương mại để hạn chế nhập khẩu.
Theo đó, chỉ nên cho phép nhập khẩu chính phẩm, còn phụ phẩm thì không được phép nhập khẩu; chỉ được phép nhập khẩu sản phẩm có hạn sử dụng dài, không được nhập hàng có hạn sử dụng ngắn giá rẻ.
Đồng thời, phải có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng nhập và ngăn chặn nhập lậu.
Việt Nam thuộc top 10 quốc gia có mức tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), sản lượng thịt lợn của Việt Nam dự kiến đạt 4 triệu tấn vào năm 2025 và 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương ứng với mức tăng trưởng bình quân 3,1%/năm.
Từ khóa Cục Xuất nhập khẩu nhập khẩu thịt heo