Nhật Bản và Việt Nam hợp tác khôi phục kinh tế, phản đối chiến tranh ở Ukraine
- Tú Minh
- •
Tại cuộc họp giữa hai nước vào ngày 1/5, Thủ tướng (TT) Nhật Bản Fumio Kishida cho biết Nhật Bản-Việt Nam sẽ hợp tác khôi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19 (Viêm phổi Vũ Hán) và nỗ lực kêu gọi một lệnh ngừng bắn ở Ukraine.
Trong chuyến công du đến Việt Nam, TT Nhật Bản Fumio Kishida đã họp với người đồng cấp Phạm Minh Chính (TT Việt Nam) vào hôm 1/5 và thảo luận một số vấn đề kinh tế, an ninh giữa hai nước. Trong đó, TT Fumio Kishida phản đối việc Nga xâm lược Ukraine, ông nhấn mạnh việc nỗ lực thay đổi chủ quyền độc lập của bất kỳ quốc gia nào bằng vũ lực đều không được công nhận, Reuters đưa tin.
Bên cạnh đó, ông Fumio Kishida nói với các phóng viên tại Hà Nội: “Chúng tôi sẽ tăng cường quan hệ song phương để đưa nền kinh tế của cả hai quốc gia trở lại con đường phục hồi rõ ràng hơn sau đại dịch COVID-19 và kêu gọi chấm dứt chiến tranh”. Ông Kishida cho biết hai nước đồng ý về việc phản đối chiến tranh ở Ukraine và cần thiết thực hiện một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Về phía Việt Nam, ông Phạm Minh Chính cho biết sẽ đóng góp 500.000 USD (khoảng 11,5 tỷ đồng) viện trợ nhân đạo cho Ukraine thông qua các tổ chức quốc tế. Đồng thời, ông Chính cũng phản đối những nỗ lực nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực ở khu vực biển Đông.
Tờ The Japan Times (Nhật Bản) cho biết trước chuyến thăm của ông Kishida đến Việt Nam, nội dung quan trọng của buổi gặp là liệu hai bên có thể đồng ý làm việc cùng nhau về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hay không, trong bối cảnh chính quyền Nhật Bản đang tăng thêm các biện pháp trừng phạt đối với Moscow cùng với các nước G7 khác.
Trao đổi với báo chí sau cuộc họp, ông Kishida cho biết hai bên “phản đối mạnh mẽ các mối đe dọa sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt cũng như các cuộc tấn công vào dân thường”.
Theo Reuters, ông Kishida và ông Chính cho biết họ đã thảo luận về các tác động, phản ứng của khu vực đối với cuộc chiến Nga-Ukraine và các tranh chấp ở Biển Đông, nơi Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei đều có tuyên bố chủ quyền lãnh thổ.
Tại buổi họp, ông Chính cho biết hai bên đồng ý thúc đẩy hợp tác trong thương mại sau đại dịch COVID-19, tăng cường chuỗi cung ứng và chuyển đổi năng lượng.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy Nhật Bản là nhà cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất và quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ ba của Việt Nam. Bên cạnh đó, thương mại song phương giữa hai nước tăng 8,4% trong năm 2021, đạt 42,9 tỷ USD.
TT Nhật Bản cho biết Việt Nam dự kiến sẽ bắt đầu xuất khẩu trái nhãn sang thị trường Nhật vào tháng 9 năm nay, tiếp theo là các sản phẩm khác như: bưởi, bơ, chôm chôm,… Đồng thời, Việt Nam cũng sẽ mở cửa thị trường nhập khẩu mặt hàng trái nho Nhật Bản.
Sau buổi hội đàm, Thủ tướng hai nước đã chứng kiến Lễ trao đổi 22 văn kiện hợp tác giữa các Bộ, ngành và doanh nghiệp của Nhật Bản và Việt Nam.
Phản ứng trước đó về việc Nga xâm lược vào Ukraine, Hà Nội đã bỏ phiếu trắng trong việc lên án cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc vào tháng 3/2022. Ngoài ra, Việt Nam đã bỏ phiếu phản đối nghị quyết loại Nga ra khỏi Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc vào hôm 7/4. |
Tú Minh dịch, theo Reuters
Từ khóa TT Nhật Bản Fumio Kishida Thủ tướng Nhật Bản thăm Việt Nam Dòng sự kiện Nhật Bản thăm Việt Nam