Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết lịch sử lên án cuộc xâm lược của Nga
- Trí Đạt
- •
Ngày 2/3, Liên Hợp Quốc đã tổ chức một cuộc họp đặc biệt khẩn cấp hiếm hoi và thông qua nghị quyết lịch sử có tên “hành động gây hấn của Nga chống lại Ukraine” (Russia’s aggression against Ukraine) với tỷ lệ áp đảo 141 : 5, lên án cuộc xâm lược chết người của Nga vào Ukraine, đồng thời yêu cầu nước này rút quân ngay lập tức. Việt Nam và Trung Quốc đã bỏ phiếu trắng.
Ngày 2/3/2022, Liên Hợp Quốc đã triệu tập cuộc họp khẩn và thông qua nghị quyết lên án hành động xâm lược Ukraine của Nga. (Nguồn: Michael M. Santiago / Getty Images)
Nghị quyết không có thẩm quyền pháp lý, nhưng có thể được coi là biểu tượng của sự đoàn kết toàn cầu chống lại Nga, vì chỉ có 5 trong số 181 quốc gia có mặt đã bỏ phiếu chống. Có 141 quốc gia bao gồm Mỹ ủng hộ nghị quyết, trong khi 35 quốc gia bao gồm Trung Quốc, Cuba, Iran, Ấn Độ, Lào, Việt Nam bỏ phiếu trắng. 5 quốc gia gồm Nga, Belarus, Eritrea, Triều Tiên và Syria đã bỏ phiếu chống.
Trong khối Asean chỉ có Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng, còn Campuchia, Myanmar và các nước còn lại bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga. Những quốc gia bỏ phiếu trắng đổ lỗi cho phương Tây đã kích động các điều kiện dẫn đến xung đột nên đã chọn giữ thái độ trung lập về vấn đề này.
Tuy nhiên tại cuộc họp khẩn cấp LHQ, trong bài phát biểu của Đại sứ Đặng Hoàng Giang của Việt Nam đã ngầm có ý phê phán cuộc chiến xâm lược của Nga, gọi đây là hành động “không phù hợp” với những nguyên tắc của Liên Hợp Quốc, và “đe dọa nghiêm trọng hòa bình quốc tế”.
Đại sứ Đặng Hoàng Giang còn nói rằng: “Các cuộc chiến tranh và xung đột đến tận ngày nay thường bắt nguồn từ các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế”. Phát ngôn này được cho là ngầm chỉ đích danh Tổng thống Putin.
Trước cuộc bỏ phiếu, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Thomas Greenfield đã gọi cuộc họp khẩn cấp đầu tiên trong 40 năm qua của Liên Hợp Quốc là “thời khắc vô cùng đặc biệt”.
Bà Thomas Greenfield nêu vấn đề về hành động của ông Putin là tội ác chiến tranh vi phạm Công ước Geneva, nhấn mạnh rằng Liên Hợp Quốc được thành lập để “ngăn chặn chiến tranh”.
Theo trang web của Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc (UNHCR), chỉ trong một tuần, 836.000 người Ukraine đã bỏ trốn khỏi đất nước, trong khi có vô số công dân đã chọn cách ở lại sát cánh cùng quân đội Ukraine chống lại cuộc tấn công của Nga.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người đã chọn ở lại Ukraine bất chấp các đề xuất trợ giúp di tản của các đồng minh phương Tây, đã ca ngợi nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc và cho rằng kết quả cuộc bỏ phiếu “cho thấy một cách thuyết phục rằng liên minh chống Putin toàn cầu đã được thành lập và đang phát huy tác dụng”.
Theo Cơ quan Tình trạng Khẩn cấp Quốc gia Ukraine, khoảng 2.000 dân thường Ukraine và 5.000 binh sĩ Nga đã thiệt mạng kể từ khi chiến tranh bùng nổ. Chính phủ Nga lần đầu tiên thông báo vào hôm thứ Tư (ngày 2/3) rằng cho đến nay đã 498 lính Nga đã thiệt mạng và 1.597 người bị thương ở Ukraine.
Để đối phó với cuộc tấn công chết người của Nga, các quốc gia Mỹ, Canada, Nhật Bản, Úc, New Zealand và hàng chục quốc gia châu Âu khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với các ngân hàng, tập đoàn của Nga, đối với ông Putin, Chính phủ Nga và giới tinh hoa của Nga.
Trung Quốc (ĐCSTQ) phản đối trừng phạt Nga, tiếp tục thương mại Trung – Nga
Theo Fox News đưa tin, Trung Quốc (ĐCSTQ) ngày 2/3 cho biết họ sẽ không xem xét các biện pháp trừng phạt đối với hành vi xâm lược trái phép vào Ukraine của Nga, đồng thời cho biết sẽ tiếp tục “hợp tác thương mại bình thường” với Nga.
Trong cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, phát ngôn viên Uông Văn Bân đã biểu thị phản đối trừng phạt đơn phương, cho rằng trừng phạt không phải là biện pháp giải quyết vấn đề.
Cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc cũng cho biết hôm thứ Tư (ngày 2/3) rằng phía Trung Quốc sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga.
Tuần trước, hai ngân hàng quốc doanh lớn nhất Trung Quốc đã khiến cộng đồng quốc tế bất ngờ khi hạn chế cấp vốn cho doanh nghiệp mua hàng hóa Nga.
Những phát biểu mới nhất từ Bộ Ngoại giao hôm thứ Tư (ngày 2/3) cho thấy Bắc Kinh không muốn có lập trường cứng rắn hơn đối với đồng minh Nga. Trung Quốc cho đến nay vẫn từ chối trực tiếp lên án hành động xâm lược của Nga.
Hôm thứ Sáu tuần trước (ngày 25/2), một nghị quyết được đề xuất bởi các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án hành động xâm lược bất hợp pháp của Nga đã thất bại vì bị Nga phủ quyết, trong khi Trung Quốc bỏ phiếu trắng.
Từ khóa Nga xâm lược Ukraine Chiến tranh Nga - Ukraine Nga tấn công Ukraine Dòng sự kiện Liên Hợp Quốc