Nhiều công ty Đức đang rời khỏi Trung Quốc hoặc cân nhắc việc rời đi
- Bình Minh
- •
Một cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Đức tại Trung Quốc cho thấy, tỷ lệ các công ty Đức rời khỏi hoặc cân nhắc rời khỏi thị trường Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi, lên 9% trong 4 năm qua.
Theo Reuters, cuộc khảo sát nêu bật những thách thức mà các công ty Đức hoạt động tại Trung Quốc phải đối mặt, bao gồm sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty địa phương, khả năng tiếp cận thị trường không bình đẳng, những khó khăn kinh tế và rủi ro địa chính trị.
Ông Ulf Reinhardt, Chủ tịch khu vực Nam và Tây Nam Trung Quốc của Phòng Thương mại Đức tại nước này, cho biết, năm 2023 là một thử thách thực tế đối với các công ty Đức hoạt động tại Trung Quốc.
Trong số 566 công ty được khảo sát từ ngày 5/9- 6/10/2023, khoảng 2% cho biết, họ đang bán các hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, trong khi 7% cho biết họ đang cân nhắc làm như vậy. Trong khi, năm 2020, chỉ có 4% công ty Đức rời khỏi thị trường Trung Quốc, hoặc cân nhắc rời đi.
Ngoài ra, 44% công ty Đức đã thực hiện các biện pháp nhằm giải quyết rủi ro liên quan đến hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc, bao gồm thiết lập chuỗi cung ứng độc lập với Trung Quốc.
Cuộc khảo sát diễn ra 6 tháng sau khi chính phủ Đức công bố chiến lược đối với Trung Quốc, nhằm giảm thiểu rủi ro trong mối quan hệ kinh tế của nước này với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ. Cuộc khảo sát cũng xác nhận báo cáo của Reuters rằng các công ty Đức đang giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Các quốc gia khác ở phương Tây cũng đang thúc đẩy việc “giảm rủi ro”, vì lo ngại về lập trường ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đối với Đài Loan và Biển Đông, cũng như sự kiểm soát ngày càng tăng của nước này đối với nền kinh tế trong nước.
Trong một cuộc khảo sát hôm thứ Ba (23/1), khoảng 86% công ty Đức cho biết, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với xu hướng đi xuống. Nhưng hầu hết các công ty đều tin rằng đây chỉ là tạm thời và dự báo nền kinh tế sẽ phục hồi trong vòng 1 đến 3 năm tới.
Sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt gần 3 năm, nhằm ngăn chặn virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) lây lan, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đang chững lại, vượt quá dự đoán của nhiều người. Cuộc khủng hoảng nhà đất ngày càng sâu sắc, rủi ro giảm phát gia tăng và nhu cầu yếu kém đang cản trở triển vọng năm nay.
Ông Matt Dollard của công ty RSM US nói: “Căng thẳng địa chính trị khiến hoạt động đầu tư vào Trung Quốc trở nên có chút đáng lo ngại, chúng tôi thấy điều đó trong rất nhiều dữ liệu đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt là vào năm 2023, đúng là đã xuất hiện tình trạng rơi xuống vực thẳm.”
Ông Matt Dollard là trưởng nhóm tư vấn quản lý kiêm nhà phân tích cấp cao tại RSM US, một công ty tư vấn quản lý tập trung vào các công ty có thị trường tầm trung. Ông có hơn 20 năm kinh nghiệm phát triển hoạt động kinh doanh ở nước ngoài cho các công ty đa quốc gia.
Ông cho rằng căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và các nước phương Tây đã trở thành yếu tố áp đảo, khiến các công ty phương Tây quyết định rời khỏi Trung Quốc, và nhiều công ty hơn nữa sẽ cân nhắc rời khỏi Trung Quốc.
Bà Elisabeth Braw, người phụ trách chuyên mục của tạp chí Chính sách đối ngoại, kiêm cộng tác viên cao cấp của Mạng lưới Lãnh đạo Châu Âu, nói với VOA rằng Trung Quốc là một môi trường rất khó khăn và ngày càng khó khăn đối với các công ty phương Tây. Vấn đề là tính khó đoán của nó, khiến các công ty lo lắng rằng họ có thể trở thành mục tiêu bị trả thù từ Chính phủ Trung Quốc bất cứ lúc nào.
Bà nói: “Bất kỳ công ty phương Tây nào cũng có thể trở thành mục tiêu của nhiều cách đánh khác nhau của Chính phủ Trung Quốc. Điều này không chỉ liên quan đến Luật Phản gián (của Trung Quốc), mà họ còn có khả năng trở thành mục tiêu đại diện cho các công ty hoạt động ở Trung Quốc bất cứ khi nào Chính phủ Trung Quốc muốn trả đũa các chính phủ phương Tây.”
Từ khóa Doanh nghiệp Đức kinh tế Trung quốc rút khỏi Trung Quốc