Nợ công 2017 tiếp tục phình to, mỗi người phải ‘gánh’ 33 triệu đồng
- Chân Hồ
- •
Đến cuối năm 2017, mỗi người Việt Nam từ trẻ em mới sinh đến cụ già đều cõng trên lưng 33 triệu đồng nợ công. Đó là chưa tính đến số nợ “triệu tỷ đồng” của Doanh Nghiệp Nhà Nước mà có thể cuối cùng chính phủ cũng phải trả.
Báo cáo nợ công của Chính phủ hôm 31/10 cho thấy, nợ công Việt Nam năm 2017 có thể lên đến 3,1 triệu tỷ đồng (136,5 tỷ USD), bằng 62,6%GDP, và dự kiến có thể ở mức 63,9%GDP vào cuối năm 2018. Bình quân mỗi người Việt đang ‘gánh’ 33 triệu đồng tiền nợ công, cao gấp 1,4 – 3 lần quốc gia khác.
Mỗi ngày Việt Nam đang phải chi 770 tỷ đồng trả nợ cả gốc lẫn lãi
Theo thống kê trong 5 năm qua, cứ mỗi năm khối nợ công lại phình to thêm 300.000 tỷ đồng.
Dự kiến trong năm 2017, hơn 260.000 tỷ đồng (gần 12 tỷ USD) được dùng để chi trả nợ trong và ngoài nước. Tính bình quân, mỗi ngày ngân sách chi 770 tỷ đồng trả nợ cả gốc lẫn lãi.
Theo dự kiến kế hoạch năm 2018 Chính phủ báo cáo Quốc hội thì vay trả nợ của Chính phủ dự kiến nhu cầu vay bù đắp bội chi Ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, vay mới để trả nợ gốc là 146.770 tỷ đồng và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 40.000 tỷ đồng. Tổng cộng vay thêm 382.000 tỷ đồng (gần 17 tỷ USD), tăng 11,7% so với năm 2017.
Theo đó, dư nợ công dự kiến cuối năm 2018 ở mức khoảng 63,9%GDP, dư nợ chính phủ ở mức khoảng 52,5%GDP và dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,6%GDP, nằm trong giới hạn cho phép.
Nợ công trên thực tế có thể còn cao hơn
Tuy nhiên, nợ công trên thực tế của Việt Nam có thể còn cao hơn con số công bố, bởi theo Dự thảo Luật quản lý nợ công sửa đổi ngày 26/4/2017 định nghĩa “nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương”.
Với cách tính này, nợ công của Việt Nam chưa bao gồm nợ của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Tuy nhiên, khối DNNN – vốn là khối chiếm giữ khối tài sản quốc gia lớn, cát cứ các lĩnh vực kinh doanh quan trọng (điện, dầu khí, khoáng sản, tài chính, viễn thông…), lại làm ăn thua lỗ liên miên nên khoản nợ cũng rất lớn. Ví dụ như trường hợp của Vinashin, dù nợ của Vinashin không được tính vào nợ công, nhưng khi Tập đoàn này mất khả năng thanh toán trên thị trường quốc tế, Chính phủ Việt Nam đã không thể lờ đi trách nhiệm trả nợ của mình, bởi nếu không gánh trách nhiệm đó thì mức tín nhiệm của Trái phiếu chính phủ (TPCP) sẽ bị hạ xuống thấp, lãi suất TPCP buộc phải tăng lên mà vẫn không thể phát hành đủ để bù vào bội chi ngân sách hàng năm.
>> Tại sao nợ công của Việt Nam quá ‘xấu’ và ‘nguy hiểm’?
Theo báo cáo Tình hình tài chính của DNNN của Bộ Tài chính, tổng số nợ phải trả của các DNNN hiện hơn 1,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu tính thêm số nợ này nữa thì nợ công đã gần 93%GDP, vượt xa ngưỡng giới hạn cho phép 65%GDP mà Chính phủ đưa ra.
Cộng thêm số nợ của DNNN, số nợ mà mỗi người dân Việt phải mang không chỉ là 33 triệu nữa mà lên gần 50 triệu đồng/người.
Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) vừa công bố một nghiên cứu về DNNN Việt Nam, trong đó nhận định: “DNNN đang làm cho gánh nặng nợ quốc gia thêm lớn, vì khi Chính phủ bảo lãnh vay, doanh nghiệp không trả được nợ thì đương nhiên nợ đó sẽ biến thành nợ của Chính phủ”.
Thu nhập thuộc hạng trung bình nhưng người Việt đang phải trả thuế, phí cao gấp 3 lần quốc gia khác
Nguồn thu ngân sách của chính phủ đã tăng đều trong 15 năm qua , chỉ có hụt thu từ các DNNN do làm ăn thua lỗ. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này cũng không thể bù đắp mức chi tiêu của chính phủ.
Theo Tổ chức kinh tế thế giới (WTO), Việt Nam đứng Top 3 trong khu vực về thu ngân sách/GDP (20%), chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.
Mặc dù thu nhập bình quân chỉ ở mức trung bình của khu vực, nhưng mỗi người dân Việt Nam phải ‘gánh’ thuế và phí trên GDP gấp 1,4 – 3 lần so các nước khác.
Ngân hàng thế giới (WB) cho hay, tỷ lệ huy động thuế, phí của Việt Nam hiện nay ở mức bình quân khoảng 20%, cao hơn so với Thái Lan là 16,1%, Philippines 13,5%, Indonesia 12,4% và Malaysia 14,3%.
Làm 10 đồng nộp thuế hết 4 đồng khiến doanh nghiệp èo uột
Bên cạnh đó, tỷ lệ huy động thuế, phí đối với doanh nghiệp ở Việt Nam lên tới 39,4% lợi nhuận, tức là doanh nghiệp làm ra 10 đồng thì nộp thuế hết gần 4 đồng.
Đại biểu Lê Minh Chuẩn, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam, nêu trong cuộc họp: “Có những ngành mà doanh nghiệp phải chịu từ 12 – 15 loại thuế và phí khác nhau.“
Đối với các doanh nghiệp trong nước, việc duy trì được hoạt động đã là điều không hề dễ dàng, chưa nói đến chuyện cạnh tranh với các công ty nước ngoài.
Một trong những nguyên nhân gây áp lực nợ công là bội chi ngân sách cao trong những năm gần đây, bình quân khoảng 5,6%GDP trong giai đoạn (2011-2015), trong đó chi thường xuyên chiếm đến 70% tổng ngân sách nhà nước.
>> Bội chi, nợ công tiệm cận vùng nguy hiểm; Ngân sách Trung ương tiếp tục hụt thu
Các khoản chi thường xuyên như chi phí để nuôi bộ máy quản lý, tiền lương, an sinh xã hội, lương hưu, an ninh và quốc phòng là nguyên nhân chính gây nên tình trạng thâm hụt ngân sách, dẫn đến việc tăng thu thuế đối với doanh nghiệp và người dân để bù đắp.
Chân Hồ (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa nợ công khủng hoảng kinh tế doanh nghiệp nhà nước mỗi người dân Việt đang gánh 33 triệu tiền nợ công