Nợ nước ngoài của doanh nghiệp vượt mốc 100 tỷ USD
- Hoàng Mai
- •
Tỷ lệ nợ nước ngoài của doanh nghiệp chiếm 71,6% cơ cấu nợ nước ngoài quốc gia, chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp FDI.
Bản tin nợ công số 16 của Việt Nam giai đoạn 2018-2022 do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) vừa công bố cho thấy tỷ lệ nợ nước ngoài quốc gia tính đến hết năm 2022 chiếm khoảng 36,1% GDP.
Trong đó, nợ vay nước ngoài của Chính phủ còn gần 975.000 tỷ đồng (giảm dần từ mức đỉnh 1,13 triệu tỷ đồng năm 2020).
Ngược lại, Nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng mạnh về cả tỷ trọng và số lượng. Tính đến tháng 6/2022, doanh nghiệp chiếm 71,6% tổng cơ cấu nợ nước ngoài quốc gia, ở mức 2.455 nghìn tỷ đồng (tương đương 103,6 tỷ USD).
Số nợ nước ngoài chủ yếu nằm ở khối doanh nghiệp FDI. Thực tế cho thấy hiện tượng doanh nghiệp FDI vốn mỏng, lỗ lũy kế kéo dài khá phổ biến.
Báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do Bộ Tài chính công bố cuối năm 2022 cho thấy hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu ở mức cao trên một số lĩnh vực kinh doanh như: thông tin và truyền thông (4,06 lần); hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (2,95 lần); sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng và điều hòa không khí (2,93 lần).
Hơn 55% số doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực này ghi nhận lỗ dài hạn. Nhiều doanh nghiệp đang sử dụng nợ để tài trợ cho tài sản và việc sử dụng các khoản vay của đa số các doanh nghiệp chưa hợp lý.
Riêng lĩnh vực khai khoáng, việc thua lỗ kéo dài còn dẫn đến vốn chủ sở hữu tiếp tục âm nặng.
Năm 2022, khối doanh nghiệp đã rút vốn vay nước ngoài 157 tỷ USD, trả nợ nước ngoài 148,6 tỷ USD, trong đó có 146,4 tỷ USD tiền nợ gốc, 2,2 tỷ USD tiền lãi và phí.
Từ khóa nợ nước ngoài Dòng sự kiện bộ tài chính