Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), quý cuối năm 2023, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là gần 90.000 tỷ đồng. Trong đó, có tới 33% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 29.640 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với khoảng 27.160 tỷ đồng, chiếm 30%.

trai phieu bat dong san doanh nghiep trai phieu thi truong trai phieu bat dong san trai phieu
Quý cuối năm, có tới gần 90.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn trả nợ lãi và gốc. (Ảnh ghép: Đức Minh/Shutterstock/baochinhphu.vn)

Số liệu được VBMA tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), trong tháng 9, thị trường đã có 14 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị 13.865 tỷ đồng.

Các đợt phát hành này có lãi suất trung bình 9,1%/năm, kỳ hạn dao động từ 1,5 – 8 năm.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 160.253 tỷ đồng, với 20 đợt phát hành ra công chúng, trị giá 18.289 tỷ đồng, chiếm 11,41% tổng giá trị phát hành;

Bên cạnh đó, có 131 đợt phát hành riêng lẻ, trị giá 141.964 tỷ đồng, chiếm 88,59% tổng giá trị phát hành.

Riêng quý 4 năm nay, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 89.061 tỷ đồng. Có tới 33% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với hơn 29.644 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với 27.161 tỷ đồng, chiếm 30%.

Trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trong tháng 9 là 9.249 tỷ đồng. Tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 177.693 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu về giá trị mua lại, chiếm 50,6% tổng giá trị mua lại trước hạn, tương ứng 89.881 tỷ đồng.

Theo tổng hợp của công ty chứng khoán VNDirect, tính đến ngày 26/9 có khoảng 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách quá hạn nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp theo thông báo của HNX.

Phần lớn nhóm doanh nghiệp chậm trả nợ lãi hoặc gốc trái phiếu là doanh nghiệp bất động sản.

Nguyên nhân bởi giao dịch bất động sản ảm đạm trong khi nợ gốc và lãi vay trái phiếu của doanh nghiệp tới hạn khiến nhiều đơn vị đáo hạn bằng cách huy động vốn mới, hậu quả lãi suất trái phiếu liên tục tăng lên khoảng 14% – 15%/năm vì ngày càng khó vay.

Theo số liệu từ FiinRatings, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp những tháng đầu năm 2023 tăng mạnh so với giai đoạn trước, đặc biệt nhóm trái phiếu kỳ hạn 1-3 năm.

Nếu cả năm 2022, lãi suất huy động bình quân 6,25%/năm, sang 8 tháng đầu năm nay, lên tới 9,17%/năm. Nổi bật là nhóm bất động sản với lãi suất bình quân lên tới 13,16%/năm so với năm trước là 9,76%/năm.

Các tổ chức phát hành phải nâng lãi suất để tăng cơ hội thành công trong bối cảnh ảm đạm, nhiều lô trái phiếu bất động sản phải chào lãi suất lên đến 14% – 15%/năm.

Nhiều ý kiến cho hay về khả năng đảo nợ vì 8 tháng đầu năm nay, bên mua trái phiếu chủ yếu là các tổ chức, định chế tài chính, ngân hàng…

Trọng Minh