Quỹ tài chính ngoài ngân sách: Nhiều quỹ chi quản lý còn lớn hơn chi hoạt động
- Vĩnh Long
- •
Tình trạng chi phí quản lý còn lớn hơn so với nội dung hoạt động của quỹ xảy ra đối với cả quỹ do trung ương và địa phương quản lý, trong khi nguồn thu còn nhiều bất cập.
Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội vừa có phiên họp về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018.
Theo dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2013 – 2018, cả nước có 28 quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do Trung ương quản lý và hơn 40 quỹ do địa phương quản lý.
Đối với các quỹ do Trung ương quản lý, kế hoạch năm 2019, tổng thu là 502,2 nghìn tỷ đồng, trong đó dự kiến 100,8 nghìn tỷ đồng do ngân sách nhà nước cấp và hỗ trợ. Kết dư các quỹ cuối năm 2019 khoảng 907,2 nghìn tỷ đồng.
Đối với các quỹ do địa phương quản lý, tổng số dư hàng năm từ 2013 đến 2018 lần lượt là 8.074 tỷ đồng; 9.862 tỷ đồng, 13.569 tỷ đồng; 14.880 tỷ đồng, 17.198 tỷ đồng, 18.268 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là của 5 quỹ có quy mô lớn là Quỹ phát triển đất, Quỹ đầu tư phát triển, Quỹ bảo vệ môi trường, Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.
Đáng chú ý, kết quả kiểm tra việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách cho thấy còn nhiều vấn đề bất cập, tập trung chủ yếu vào việc thu, chi và hiệu quả hoạt động của quỹ.
Về nguồn thu, một số quỹ còn phụ thuộc vào ngân sách hoặc trùng với nguồn thu của ngân sách nhà nước, trong khi các nguồn thu khác không đáng kể. Điều này là trái với Luật ngân sách nhà nước 2015.
Cụ thể, Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia, Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách. Quỹ bảo trì đường bộ có nguồn thu năm sau tăng cao hơn năm trước nhưng ngân sách nhà nước hàng năm vẫn phải cấp một phần cho hoạt động chi. Quỹ bảo vệ môi trường có nguồn thu chủ yếu từ ngân sách qua các loại phí như phí bảo vệ môi trường đối với nước thải (dưới dạng vốn bổ sung từ ngân sách) và lệ phí CERs (chống biến đổi khí hậu).
Đáng lưu ý, một số quỹ có nguồn thu từ đóng góp bắt buộc của các doanh nghiệp, tổ chức và người dân hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định. Các khoản đóng góp này được tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu sản xuất kinh doanh hoặc trên giá trị doanh nghiệp hoặc trên thu nhập của người lao động. Theo đoàn giám sát Quốc hội, các khoản đóng góp này có thể xem như một khoản thuế doanh thu đánh trên các sản phẩm hàng hóa dịch vụ hoặc giá trị tài sản mà người sử dụng, người mua phải trả. Ví dụ, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước…
Về nguồn chi, một số quỹ trùng nhau về đối tượng chi, hoặc trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách, như Quỹ phát triển khoa học công nghệ, Quỹ đổi mới công nghệ; Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế, Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Quỹ phòng chống thiên tai, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng…
Một số quỹ trùng nhau về đối tượng hỗ trợ và trùng với đối tượng ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội. Hiện ngân hàng này đang có nhiều đối tượng hỗ trợ bị trùng với đối tượng của các quỹ: Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã…
Việc trùng đối tượng, trùng nhiệm vụ giữa các quỹ và với ngân sách nhà nước làm tăng chi phí, tăng số lượng biên chế, giảm hiệu quả khi cùng một nhiệm vụ nhưng có quá nhiều đầu mối.
Trong khi đó, theo đánh giá của Đoàn giám sát Quốc hội, hiệu quả hoạt động của các quỹ chưa cao, chưa có hiệu quả, thậm chí không có căn cứ để đánh giá hiệu quả rõ ràng. Một số quỹ bị đánh giá là “dư thừa”, không mang lại hiệu quả như Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Nhiều quỹ rất khó đánh giá hiệu quả tác động như đánh giá số lượng người bỏ thuốc (Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá), số lượng rừng bảo vệ và phát triển (Quỹ bảo vệ và phát triển rừng), tác động bảo vệ môi trường (Quỹ bảo vệ môi trường), khả năng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo (Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, Quỹ hỗ trợ nông dân, Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo)…
Đối với các Quỹ đổi mới công nghệ, Quỹ phát triển khoa học công nghệ quốc gia… tiêu chí số lượng dự án cho vay hoặc hỗ trợ nhiều khi không phản ánh tác động xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế hay trình độ phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ…
Một số quỹ có chi phí quản lý còn lớn hơn nội dung hoạt động của quỹ, điều này xảy ra ở nhiều quỹ ở cả trung ương và địa phương. Chi không hợp lý như mục chi cho truyền thông, báo chí, quảng cáo chiếm tỷ lệ rất lớn (Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước). Tại địa phương, có quá nhiều quỹ làm phát sinh chi phí quản lý và tổ chức biên chế. Dù báo cáo của các địa phương chưa cho biết số lượng cụ thể, ước lượng các địa phương có khoảng 10-15 quỹ. Đây là con số khá lớn, làm phân tán nguồn tài chính, tăng chi phí quản lý, phát sinh vấn đề biên chế, người lao động…
Trong khi một số quỹ thiếu nguồn thì một số quỹ có dư nguồn rất lớn, như Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá, tại địa phương như Quỹ phòng chống tác hại lụt bão, Quỹ phát triển đất… Có tình trạng các quỹ sử dụng nguồn dư này để gửi các ngân hàng thương mại hoặc Chính phủ thu một phần về ngân sách nhà nước. Điều này là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Qua kiểm toán 13 quỹ do trung ương quản lý, 3 quỹ do địa phương quản lý, Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý hơn 1,75 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi ngân sách nhà nước 622.227 triệu đồng, tăng thu, giảm chi quỹ ngoài ngân sách 426.104 triệu đồng…
Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có mục đích sử dụng riêng biệt, hỗ trợ ngân sách nhà nước đảm bảo một số mục tiêu xã hội cụ thể (như Quỹ hỗ trợ nông nghiệp, Quỹ đường bộ hay Quỹ dự trữ xăng dầu…), nguồn vốn từ khu vực kinh tế tư nhân. Về mục đích hoạt động, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có thể phân loại gồm 3 nhóm: Nhóm quỹ dự trữ của Nhà nước: Thực hiện chức năng dự trữ, dự phòng cho những rủi ro, bất trắc của kinh tế – xã hội (thiên tai, dịch bệnh, biến động của thị trường…), cơ chế tài chính có độ linh hoạt cao. Các quỹ dự trữ có nguồn tài chính chủ yếu do NSNN cấp, có kế hoạch hoạt động dài hạn và hàng năm. Nhóm quỹ thực hiện một số mục tiêu an sinh xã hội: Hầu hết các khoản chi của quỹ đều không có khả năng thu hồi và là các khoản trợ cấp cho các đối tượng được hưởng lợi từ mục tiêu hoạt động của quỹ như: Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Xóa đói giảm nghèo… Nhóm quỹ có tính chất hỗ trợ các hoạt động kinh tế – xã hội: Đặc trưng bởi tính chất thu hồi vốn gốc và lãi suất ưu đãi thường chiếm tỷ trọng lớn. Một số hình thức quỹ như quỹ hỗ trợ phát triển, quỹ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, quỹ bảo lãnh tín dụng… |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa thuế phí quỹ tài chính ngoài ngân sách