Đề xuất tăng mức chi hoạt động quản lý quỹ XH, quỹ từ thiện lên 10%
- Nguyễn Sơn
- •
Bộ Nội vụ đề xuất tăng mức chi hoạt động quản lý quỹ từ 5% lên không vượt quá 10% tổng thu hàng năm của quỹ, đề xuất cá nhân vi phạm pháp luật hình sự không được tham gia sáng lập viên và tham gia vào hội đồng quản lý quỹ.
Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Nghị định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện. Dự thảo nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 30/2010/NĐ-CP sau 8 năm thi hành.
Theo dự thảo nghị định, mục đích tổ chức quỹ xã hội, quỹ từ thiện là để hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, từ thiện, nhân đạo và các mục đích phát triển cộng đồng, không vì mục đích lợi nhuận.
Những nội dung mới của dự thảo là quy định rõ các hành vi quỹ không được làm, gồm: xâm phạm uy tín của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng; gây phương hại đến lợi ích quốc gia, an ninh, quốc phòng, khối đại đoàn kết dân tộc.
Quy định rõ các hành vi quỹ không được vi phạm như tư lợi, gian dối về tài chính trong quá trình thành lập quỹ và quỹ hoạt động.
Quy định trách nhiệm của quỹ xã hội, quỹ từ thiện khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải thể liên quan đến tổ chức, hoạt động quỹ.
Quy định các hành vi nghiêm cấm khi thực hiện việc góp tài sản để thành lập quỹ đối với tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể, các tổ chức có sử dụng ngân sách nhà nước không được sử dụng tiền ngân sách giao hoặc hỗ trợ, tài sản được ngân sách nhà nước giao hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước để tham gia góp tài sản thành lập quỹ.
Đáng chú ý, dự thảo quy định các cá nhân vi phạm pháp luật hình sự không được tham gia sáng lập viên. Cụ thể, là người có đủ năng lực hành vi dân sự, không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người chưa được xóa án tích, không bị tòa án cấm thực hiện các hoạt động về quỹ; sáng lập viên nếu thuộc diện quản lý của cơ quan có thẩm quyền thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về phân cấp quản lý cán bộ…
Quy định về điều kiện để cá nhân, tổ chức nước ngoài góp tài sản để thành lập quỹ với công dân, tổ chức Việt Nam: chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của tài sản đóng góp, cam kết thực hiện theo pháp luật VN và mục đích hoạt động của quỹ, có tài sản đóng góp thành lập quỹ là tiền đồng Việt Nam, tài sản được quy đổi ra tiền đồng Việt Nam.
Quỹ có tài sản của công dân, tổ chức nước ngoài góp thành lập phải đảm bảo số tiền tối thiểu 620 triệu đồng (cấp xã), 1,2 tỷ đồng (cấp huyện), 3,7 tỷ đồng (cấp tỉnh), 8,7 tỷ đồng (phạm vi toàn quốc hoặc liên tỉnh). Tiền VNĐ tối thiểu bằng 50% tổng giá trị tài sản.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ đề xuất tăng mức hoạt động quản lý quỹ từ 5% lên không quá 10% tổng thu hàng năm của quỹ. Trường hợp vượt quá 10% tổng thu hàng năm thì phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cùng cấp.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Nội vụ cho biết quy định mức chi hoạt động quản lý quỹ hiện nay 5% là thấp, không đủ kinh phí để chi cho hoạt động quản lý, trong đó có việc vận động, tiếp nhận và tài trợ cho các đối tượng theo quy định tại điều lệ quỹ, làm khó khăn trong quá trình vận động, tiếp nhận, tài trợ của quỹ.
Bộ này cho hay đã xin ý kiến các cơ quan Trung ương, địa phương và một số quỹ về việc sửa đổi, thay thế Nghị định 30, trong đó có nội dung tăng định mức chi hoạt động quản lý quỹ từ 5% lên 10%. Theo Bộ Nội vụ, một số cơ quan, trong đó có Bộ Tài chính và các quỹ đều thống nhất nội dung này.
Quỹ bị giải thể khi không báo cáo về tổ chức, hoạt động, tài chính trong 2 năm liên tục; giả mạo thông tin kế toán, sổ tài khoản đăng ký; không đạt mức giải ngân theo quy định; không tự giải thể theo quy định; vi phạm một trong các quy định về tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản, tên, biểu tượng, trụ sở; quá thời hạn tạm đình chỉ quỹ không khắc phục được vi phạm.
Nguyễn Sơn
Xem thêm:
Từ khóa quỹ từ thiện quỹ xã hội