Rủi ro lấy vốn ngắn cho vay dài, tổng dư nợ bất động sản vượt 2,28 triệu tỷ đồng
- Kiến Minh
- •
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa cho biết việc nguồn vốn tín dụng ngắn hạn chảy vào dự án bất động sản (BĐS) dài hạn tạo rủi ro lớn cho ngân hàng. Theo báo cáo, tổng dư nợ tín dụng BĐS trong 4 tháng đầu năm vượt hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng hơn 10% cùng kỳ.
Ngày 7/6, tại buổi tọa đàm về nguồn vốn thị trường BĐS diễn ra tại TP.HCM, ông Đào Minh Tú – Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết NHNN không kiểm soát rủi ro tại các doanh nghiệp BĐS mà chỉ quản lý rủi ro của hệ thống ngân hàng.
Tại báo cáo dành cho việc chất vấn vừa gửi Quốc hội, NHNN cho biết hiện nay có khoảng 94% dư nợ tín dụng BĐS là cho vay trung và dài hạn (từ 10-25 năm), trong khi nguồn huy động của ngân hàng chủ yếu là ngắn hạn.
Đến cuối tháng 4, tổng dư nợ BĐS của các tổ chức tín dụng là hơn 2,28 triệu tỷ đồng, tăng 10,19% so với cuối năm 2021.
“Chênh lệch kỳ hạn và lãi suất giữa vốn, cho vay lĩnh vực này rủi ro rất lớn với các ngân hàng”, báo cáo của NHNN nêu.
Dưới góc độ doanh nghiệp BĐS, ông Nguyễn Minh Nhật, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Xuân cho biết các kênh huy động vốn từ khách hàng, cổ phiếu, trái phiếu và từ các quỹ đầu tư, vốn từ ngân hàng… hiện nay đều đang vướng.
Ông Nhật cho biết việc vay vốn gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng bảo cho vay bình thường nhưng thực tế lại khác. Để được vay qua ngân hàng, dự án, sản phẩm phải đủ điều kiện bán hàng, phải hoàn thiện xong phần móng, các hồ sơ pháp lý… “Trong thời gian đó thì vốn ở đâu ra nếu không được vay?”, ông Nhật đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho hay ngân hàng này không siết chặt hay thắt chặt cho vay BĐS.
Để giải ngân nguồn vốn BĐS, ông Vinh cho rằng thị trường BĐS cần minh bạch thông tin, không để xảy ra tình trạng các sàn giao dịch cấu kết làm giá, thổi sóng, đầu cơ trục lợi.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định doanh nghiệp BĐS không nhất thiết lúc nào cũng vay ngân hàng mà cần quan tâm vào thị trường vốn (trái phiếu, cổ phiếu). Ông Hùng đề xuất các ngân hàng không nên cho vay đối với các dự án vừa vay vốn vừa làm thi công đường, điện, hạ tầng,…
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện NHNN cho biết các ngân hàng thương mại được quyền quyết định chuyện cho vay BĐS ở tất cả các dự án lớn, nhỏ. NHNN chỉ quản lý, giới hạn mức cho vay đối với các dự án lớn để tránh tình trạng rót vốn quá nhiều vào một dự án, nhiều khả năng xảy ra nợ xấu.
Chiều nay ngày 8/6, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng sẽ có phiên chất vấn trước Quốc hội để làm rõ việc quản lý, kiểm soát tín dụng trong lĩnh vực cho vay BĐS; xử lý nợ xấu và giải quyết vấn đề ngân hàng yếu kém.
Từ khóa thị trường BĐS tín dụng BĐS ngân hàng bất động sản Dòng sự kiện