Thu hồi gần 5.000 m2 đất vàng Sài Gòn bị trục lợi
- Tú Mỹ
- •
Sau kiến nghị của Thanh tra Chính phủ về việc thu hồi lại khu đất vàng có diện tích gần 5.000 m2 tại trung tâm Quận 1 (TP.HCM) bị chuyển nhượng qua 4 công ty để kiếm lời, UBND TP.HCM đang triển khai kế hoạch thu hồi để tổ chức đấu thầu lại khu đất, đồng thời cho biết sẽ kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan (bao gồm cán bộ nhiệm kỳ trước) về các sai phạm.
Ngày 1/10, Chánh văn phòng UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thông tin Sở TN&MT TP.HCM sẽ phụ trách việc thu hồi lại lô đất; Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm các cá nhân, tổ chức liên quan (bao gồm cả cán bộ nhiệm kỳ trước) về trách nhiệm để xảy ra các sai phạm.
Theo kết luận thanh tra, lô đất tại vị trí 8-12 Lê Duẩn (Q.1, TP.HCM) có diện tích gần 5.000 m2 được giao cho Công ty CP Đầu tư Lavenue thực hiện dự án khách sạn, trung tâm thương mại kết hợp căn hộ cấp cao Lavenue Crown, nhưng đến nay chủ đầu tư vẫn chưa xây dựng và đang tận dụng làm bãi đỗ xe.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc thu hồi khu đất để thực hiện đấu giá công khai sẽ giúp bổ sung nguồn thu cho ngân sách.
Cụ thể, giá đất tại khu vực Lê Duẩn trung tâm thành phố đang khoảng 400 triệu đồng/m2, việc đấu giá khu đất rộng gần 5.000 m2 tại 8-12 Lê Duẩn sẽ thu về cho ngân sách khoảng 2.000 tỷ đồng.
Bán không qua đấu giá
Theo kết luận thanh tra số 138 của Thanh tra Chính phủ năm 2016, UBND TP.HCM có sai phạm trong việc không tổ chức đấu giá công khai quyền sử dụng lô đất 5.000 m2 tại Lê Duẩn theo quy định.
UBND TP.HCM sau đó có văn bản giải trình, theo đó Lavenue đã nộp hơn 700 tỷ đồng tiền thuê và sử dụng và đất, do đó, UBND TP.HCM cho rằng việc thu hồi khu đất để đem đấu giá là rất khó và ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của Thành phố.
Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ tại thời điểm đó đồng tình với giải trình của UBND TP.HCM
Tuy nhiên, tại kết luận vừa được công bố ngày 4/5/2018, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chỉ ra tại thời điểm 2009 – 2010, UBND TP.HCM đang cân nhắc đầu tư xây dựng khách sạn, căn hộ cao cấp tại khu đất nói trên.
Tại thời điểm đó, có 3 công ty xin được thực hiện dự án là Công ty Hoa Tháng Năm, Công ty TNHH Đầu tư Kinh Đô (Kido) và Công ty Sunwah Vietnam. Như vậy, dự án đã hội đủ yếu tố để tổ chức thẩm định và đấu giá công khai, tuy nhiên UBND TP.HCM đã không thực hiện như vậy.
Nhà đầu tư không đủ năng lực
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ còn cho rằng UBND TP.HCM không tham khảo ý kiến tham mưu, chưa nhận được phản hồi từ các cơ quan chuyên môn mà đã chấp thuận cho các nhà đầu tư không đủ năng lực tham gia dự án.
Việc làm này dẫn đến 4 công ty chuyển nhượng kiếm lời gây giảm nguồn thu ngân sách; giảm tỷ lệ cổ phần của Nhà nước từ 50% xuống chỉ còn 20%.
“Trách nhiệm chung thuộc về Chủ tịch UBND TP.HCM, trách nhiệm trực tiếp thuộc về cá nhân ông Nguyễn Thành Tài – cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nhiệm kỳ 2011-2015”, kết luận thanh tra nêu rõ.
Đồng thời, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra trách nhiệm của hàng loạt các sở ban ngành và doanh nghiệp liên quan như: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài Nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà thành phố và 4 công ty trực thuộc Bộ Công thương.
Các sai phạm như đã nêu trên là có dấu hiệu cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
>> Đất Thủ Thiêm: Đền bù 18 triệu sao rao bán đến 350 triệu/m2?
Khu đất bị chuyển nhượng qua 4 công ty
Khu đất số 8-12 Lê Duẩn ban đầu thuộc sở hữu của Nhà nước do Công ty Quản lý Kinh doanh nhà TP.HCM quản lý.
Sau đó đơn vị này cho 4 công ty thuộc Bộ Công thương thuê lại làm trụ sở.
Năm 2007, Thành phố có chủ trương sử dụng khu đất để xây khách sạn, căn hộ cao cấp nên đã giao Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP.HCM thu hồi và quản lý mặt bằng.
Tuy nhiên, Bộ Công thương khi đó đề nghị cho 4 công ty trực thuộc cùng tham gia dự án và đã được UBND TP.HCM chấp thuận.
Sau đó, 4 công ty thuộc Bộ Công thương tiếp tục ký thỏa thuận chuyển nhượng quyền đầu tư khai thác dự án cho Công ty Kido, đổi lại 4 công ty thuộc Bộ Công thương được nhận khoản tiền 500 tỷ đồng cho vay từ Kido.
Năm 2010, dự án lại được chuyển cho pháp nhân mới là Công ty Lavenue, 4 công ty Bộ Công thương đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần lại cho Kido.
Ngoài ra, một công ty khác là Công ty Hoa Tháng Năm cũng được Công ty Quản lý Kinh doanh nhà thành phố chấp thuận tham gia đầu tư thực hiện dự án.
Đến nay, cổ đông của Lavenue bao gồm Công ty Quản lý Kinh doanh nhà thành phố, Công ty Kido và Công ty Hoa Tháng Năm với tổng vốn điều lệ 775 tỷ đồng.
Tú Mỹ
Xem thêm:
Từ khóa UBND TP.HCM đất công đất vàng TPHCM sai phạm đất đai