SCMP: Thương chiến Mỹ – Trung là “món quà” cho Việt Nam
- Bảo Minh
- •
Tờ South China Morning Post (SCMP) của Hồng Kông nhận định các diễn biến căng thẳng trong thương chiến Mỹ – Trung có thể là tin tốt lành cho Việt Nam.
SCMP cho biết các nhà đầu tư nước ngoài đang liên tiếp đổ về Việt Nam khi cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng trở nên căng thẳng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức áp thuế 25% lên 200 tỷ USD hàng xuất khẩu của Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 10/5, và đang cân nhắc áp thuế 25% lên hơn 300 tỷ USD còn lại nếu hai bên không đi tới được thoả thuận.
Các nhà phân tích cho biết, rào cản thuế quan sẽ đầy nhanh dòng vốn đầu tư sản xuất vào Việt Nam.
Nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã cân nhắc chuyển dây chuyền sản xuất sang Đông Nam Á sau khi mức thuế quan mới được áp dụng, và Việt Nam trở thành một điểm đến tiềm năng.
Đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là các ngành công nghiệp nhẹ, cần nhiều lao động, đã bùng nổ kể từ năm ngoái.
Theo số liệu của Chính phủ Việt Nam vào tháng Tư, các khoản đầu tư mới được đăng ký tại nước này đã tăng 81% và dòng góp vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài đã tăng 215%, chủ yếu ở lĩnh vực sản xuất chế tạo.
Trong tháng 4/2019, xuất khẩu vào Hoa Kỳ cũng tăng 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xu hướng này còn được dự đoán sẽ tăng hơn nữa trong Quý III và Quý IV năm nay khi các nhà máy mới thành lập bắt đầu đi vào hoạt động, theo ông Maxfield Brown, cộng tác viên cao cấp của Dezan Shira & Associates tại TP HCM.
Tuy nhiên, ông Brown cảnh báo rằng mạng lưới cơ sở hạ tầng, thị trường lao động và các nguồn cung cấp địa phương của Việt Nam đều đang bị đẩy đến ngưỡng giới hạn khi đầu tư tiếp tục tăng lên, đặc biệt là tại những nơi quanh TP HCM và Hà Nội.
Ông Lê Anh Tuấn, trưởng phòng nghiên cứu của Dragon Capital tại Hà Nội cho biết, trong khi đầu tư sẽ tiếp tục chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam, năng lực tại Việt Nam với quy mô dân số Việt Nam (dưới 100 triệu, tương đương với tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc) chỉ có hạn để có thể hấp thụ dòng chảy này.
Ông Tuấn nhận định: “Không có gì phải nghi ngờ, Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục là công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng sự dịch chuyển từ Trung Quốc sang các nước khác nhau, đặc biệt là Việt Nam đang gia tăng.”
SCMP dự đoán Việt Nam và Malaysia sẽ là “những người chiến thắng” lớn nhất trong lĩnh vực sản xuất thiết bị công nghệ. Trong khi đó, đối với việc xuất khẩu hàng may mặc, Bangladesh, Ấn Độ và cả Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn.
Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 7% trong năm 2018, con số được cho nhanh nhất trong hơn một thập kỷ nhờ phần lớn bởi 19 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Bảo Minh (theo SCMP)
Xem thêm:
Từ khóa Tăng trưởng kinh tế thương chiến Mỹ-Trung vốn đầu tư vào việt nam thị trường việt nam