Xuất khẩu rau quả Việt Nam trong 9 tháng năm nay đạt 5,7 tỷ USD, bằng cả năm ngoái, tăng 34% so với cùng kỳ. Dự báo, xuất khẩu rau quả cả năm có thể vượt 7 tỷ USD.

Vựa sầu riêng tại Tiền Giang
Vựa Sầu riêng là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đạt giá trị 2,5 tỷ USD. Nguồn ảnh Đài PTTH Tiền Giang.

Thông tin trên được Hiệp hội Rau quả Việt Nam công bố mới đây. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Về sản phẩm, sầu riêng vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực, đạt giá trị 2,5 tỷ USD, chiếm gần một nửa tổng kim ngạch xuất khẩu. Kể từ khi được khai thông thị trường, đặc biệt vào Trung Quốc, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam liên tục tăng trưởng theo cấp số nhân.

Ngoài ra, các loại trái cây khác như thanh long, chuối, mít và xoài cũng đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu.

Về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất rau quả Việt Nam với giá trị đạt hơn 3 tỷ USD trong 8 tháng qua, tăng 36% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam và Việt Nam đang là nhà cung cấp sầu riêng lớn thứ hai cho Trung Quốc, sau Thái Lan. Đặc biệt, từ cuối tháng 8, Trung Quốc đã mở cửa đối với sầu riêng đông lạnh của Việt Nam, tạo ra cơ hội đột phá cho sản phẩm xuất khẩu nhiều tiềm năng này.

Tiếp sau Trung Quốc là Mỹ, Hàn Quốc và Thái Lan với giá trị nhập khẩu tăng trưởng 35-90%.

Cuối tháng 8 vừa qua, Việt Nam và Mỹ đã hoàn tất đàm phán để đưa chanh leo trở thành loại trái cây tươi thứ 9 được xuất sang Mỹ, cùng với thanh long, chôm chôm, vú sữa, xoài, nhãn, vải, bưởi và dừa.

Theo đánh giá của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với đà tăng trưởng xuất khẩu như hiện nay, kim ngạch xuất khẩu rau quả cả năm của Việt Nam có thể đạt mức kỷ lục mới – vượt mức 7 tỷ USD, vượt xa mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp xuất khẩu, hiện nay sự cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc đang gia tăng. Nước này bên cạnh việc tăng nhập khẩu, cũng đang tự phát triển nhanh các loại nông sản chủ lực của Việt Nam. Điển hình là thanh long, sầu riêng. 

Ví dụ như thanh long, sau 10 năm phát triển, hiện diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã vượt Việt Nam. Hay sầu riêng, hiện Trung Quốc đang tìm cách tự chủ nguồn cung và trồng thử nghiệm tại đảo Hải Nam nước này. 

Thêm nữa, sầu riêng Việt Nam xuất sang Trung Quốc đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ sầu riêng Thái Lan – đang chiếm thị phần số 1 tại đất nước tỷ dân. Trong khi đó, các nước xung quanh như Malaysia, Campuchia, Indonesia bắt đầu trồng và đưa vào thị trường Trung Quốc.

Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa thị trường và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Nghị định thư đã ký. Từ đó mới có thể nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh của rau quả Việt Nam.

Phan Vũ (t/h)