Thông tin vĩ mô tích cực không làm rung động nhà đầu tư chứng khoán
- Nguyên Hương
- •
Tăng trưởng GDP Quý 1 đạt 5,66% cao hơn kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Thông thường thông tin tốt sẽ khiến thị trường hưng phấn tăng điểm, nhưng trên thực tế thị trường đã dao động giảm dần vào thời điểm công bố cuối tuần trước và lao dốc, bán tháo ngay phiên giao dịch thứ hai đầu tuần.
Phiên giao dịch chứng khoán ngày 1/4/2024. Nguồn Vietstock.vn
Thông tin vĩ mô tích cực không làm rung động nhà đầu tư chứng khoán
Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của Quý I/2024, Vn Index đóng cửa ở mức 1,284.09 điểm, giảm 6,09 điểm. Xu thế giảm vẫn tiếp tục vào phiên giao dịch thứ hai đầu tuần, dù các nhà đầu tư có hẳn 2 ngày để “ngấm” thông tin vĩ mô tích cực.
Lý giải phản ứng “lạ lùng” của thị trường với báo Vn Economy, ông Nguyễn Văn Sơn – Chuyên gia phân tích Công ty CP Chứng khoán Phú nhận định ” Diễn biến thị trường rung lắc khá mạnh trong phiên cuối tuần đúng thời điểm đón nhận thông tin vĩ mô tích cực, không hẳn là do yếu tố cơ bản của nền kinh tế bị thị trường xem nhẹ đi, mà có thể là nhà đầu tư cần thêm thời gian để “ngấm” và “nhận ra” những chuyển động tích cực từ nền kinh tế thực.”
Bà Nguyễn Thị Thảo Như – Giám đốc cao cấp Phòng Khách hàng cá nhân, Chứng khoán Rồng Việt lý giải cho rằng “Thông tin vĩ mô về tăng trưởng GDP thường chưa thực sự phản ánh hay thể hiện được đúng tình hình hiện tại của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh có nhiều biến động trong những năm gần đây.”
Các nhà đầu tư tiếp tục xả hàng trong Phiên giao dịch đầu tiên của Quý 2, sau khi 2 ngày “ngấm” thông tin vĩ mô tích cực
Tín dụng bơm vào thị trường dẫn dắt VN Index tăng cao
Được biết, chứng khoán là một trong hai lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng tín dụng dương trong Quý I.2024. Theo báo cáo của NHNN hồi giữa tháng 3, trong bối cảnh toàn nền kinh tế ghi nhận suy giảm tín dụng (giảm 0,72% so với thời điểm cuối năm 2023) thì ngành chứng khoán ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng dương đạt 2,56% trong 2 tháng đầu năm.
Dòng tiền đổ vào chứng khoán được coi là động lực kéo các nhà đầu tư trong nước quay trở lại thị trường, và là nhân tố giúp cho chỉ số VN Index tăng mạnh trong Quý I/2024. Tính đến 29/3, VN Index đạt mức 1284,09, tăng 13,64% so với cuối năm 2023; mức vốn hóa thị trường ước đạt 5.238 ngàn tỷ đồng, tăng 13,67% so với cuối năm 2023.
Trong tháng Ba, giá trị giao dịch bình quân đạt 28.992 tỷ đồng/phiên, tăng 24,5% so với bình quân tháng trước. Tính chung quý I/2024, giá trị giao dịch bình quân đạt 22.529 tỷ đồng/phiên, tăng 28,2% so với bình quân năm 2023.
Thị trường cổ phiếu tính đến cuối tháng 2/2024 có 736 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết; 870 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM với tổng giá trị niêm yết và đăng ký giao dịch đạt 2.138 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với cuối năm 2023.
Trên thị trường trái phiếu, giá trị giao dịch bình quân trong tháng Ba đạt 11.279 tỷ đồng/phiên, tăng 20,5% so với tháng trước; bình quân quý I/2024 đạt 9.698 tỷ đồng/phiên, tăng 48,8% so với bình quân năm 2023.
Tại thời điểm cuối tháng 02/2024, thị trường trái phiếu có 457 mã niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 2.040 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với cuối năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán phái sinh, khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 trong tháng Ba đạt 235.398 hợp đồng/phiên, tăng 42% so với tháng trước; khối lượng giao dịch bình quân sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 65,2 triệu chứng quyền/phiên, giảm 2,3%. Tính từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 đạt 191.436 hợp đồng/phiên, giảm 19% so với bình quân năm 2023; sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đạt 63,2 triệu chứng quyền/phiên, tăng 93,1%.
Có thể nói chính sách nới lỏng tín dụng của NHNN với lĩnh vực chứng khoán trong Quý 1/2024 đã tác động mạnh đến thị trường, giúp các nhà đầu tư cá nhân trong nước trở thành trụ cột thị trường, đẩy VN Index lên cao trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút vốn.
Cá nhân trong nước mua ròng, Nhà đầu tư nước ngoài bán tháo, Thanh khoản giảm dần
Trong tháng 3, Nhà đầu tư Cá nhân trong nước đã mua ròng 10.340 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 13/18 ngành, chủ yếu là ngành Thực phẩm và đồ uống. Top mua ròng của nhà đầu tư cá nhân tập trung gồm: VHM, VNM, MSN, HPG, NVL, VND, VPB, TCB, PVD, FPT.
Ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng. Riêng tuần cuối tháng 3, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 4.700 tỷ đồng, đưa tháng 3 thành tháng rút ròng mạnh nhất của khối ngoại trong vòng 1 năm qua. Các cổ phiếu bán ròng mạnh nhất là VHM, VNM với giá trị bán ròng hơn 2000 tỷ, MSN 1000 tỷ.
Nguyên Hương (t/h)
Từ khóa Thị trường chứng khoán Dòng sự kiện khối ngoại bán ròng GDP