TPP tiếp tục đàm phán, Mỹ tìm kiếm hợp tác song phương
- Thanh Liên
- •
Mặc dù đã rút khỏi TPP, nhưng Mỹ vẫn sẽ quan sát tiến trình của TPP, điều được cho là sẽ tác động đến những chính sách hợp tác phát triển kinh tế song phương của Mỹ với Nhật Bản.
Ngày 20-21 tháng 5 tại Hà Nội, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, Hội nghị Bộ trưởng phụ trách thương mại các nước tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương đã cam kết tiếp tục tham gia TPP mà không có nền kinh tế lớn nhất thế giới là Hoa Kỳ, vốn chiếm 60% tổng sản phẩm quốc nội của nhóm các nước thành viên TPP. Các nước thành viên đã nhất trí thúc đẩy các cuộc họp ở cấp kỹ thuật, cấp trưởng đoàn đàm phán để sớm đưa TPP đi vào hiệu lực. Sau đó, cuộc họp các bộ trưởng phụ trách thương mại dự kiến sẽ tiếp tục thảo luận về TPP tại hội nghị cấp cao APEC được tổ thức vào tháng 11-2017.
Tổng thống Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP.
Tháng 1 năm 2017, tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP vì cho rằng TPP làm mất đi việc làm của người Mỹ. Thiếu vắng Mỹ, Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn nhất trong nhóm các nước thành viên TPP và đảm nhận vai trò dẫn đầu. Theo chính sách của thủ tướng Shinzo Abe thì TPP giờ đây còn tập trung vào việc duy trì đoàn kết trong 11 nước thành viên.
Cho đến nay, TPP là hiệp định thương mại tự do duy nhất đề cập đến các lĩnh vực giao dịch thương mại, sở hữu trí tuệ và cải thiện thuế quan. Vì vậy theo Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản, ông Hiroshige Seko, TPP thực sự mang lại giá trị cao cho dù không có sự tham gia của Mỹ.
Dù Nhật Bản phản đối việc Mỹ rút khỏi TPP, song cả hai nước vẫn có những cuộc gặp gỡ bàn về hợp tác song phương. Tại cuộc gặp giữa Đại diện thương mại Mỹ ông Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản ông Hiroshige Seko tại Hà Nội vừa qua, hai bên đã bày tỏ quan điểm chung về việc tăng cường hợp tác kinh tế thương mại. Hai bên cũng quan ngại về thương mại bất bình đẳng với một “bên thứ ba” và thỏa thuận hợp tác chống lại mối đe dọa này. Mặc dù không đề cập đến tên của “bên thứ ba”, nhưng trong quá khứ cả Mỹ và Nhật đều có những căng thẳng thương mại với Trung Quốc.
Đại diện thương mại Mỹ ông Robert Lighthizer
và Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản ông Hiroshige Seko.
Dù đã rút khỏi TPP, nhưng Mỹ vẫn sẽ quan sát tiến trình của TPP, điều được cho là sẽ tác động đến những chính sách hợp tác phát triển kinh tế song phương của Mỹ với Nhật Bản. Đại diện Thương mại Mỹ, ông Lighthizer nói, Mỹ đang phải đối mặt với thâm hụt thương mại khổng lồ và cảnh báo rằng Mỹ sẽ chống lại những điều mà ông Lighthizer gọi là “thương mại không công bằng”. Tuy nhiên ông Lighthizer cũng phát biểu: “TPP không đáp ứng cho lợi ích của Mỹ, nhưng không có nghĩa là chúng tôi quay lưng lại với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, không tham gia vào khu vực này.”
Thanh Liên
Xem thêm:
Từ khóa Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP Kinh tế Mỹ