Phát biểu với các phóng viên trước khi lên chuyên cơ Không lực Một ở New Jersey, Tổng thống Trump cho biết ông đồng ý với bình luận của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent ngày 29/4 rằng Hoa Kỳ không nhất thiết cần một “ngành công nghiệp dệt may bùng nổ”.
“Chúng tôi không muốn sản xuất giày thể thao và áo phông. Chúng tôi muốn sản xuất thiết bị quân sự. Chúng tôi muốn sản xuất những thứ lớn lao. Chúng tôi muốn sản xuất, thực hiện công nghệ AI”, ông Trump nói.
“Thành thật mà nói, tôi không muốn sản xuất áo phông. Tôi không muốn sản xuất tất. Chúng tôi có thể làm rất tốt ở những nơi khác. Chúng tôi muốn sản xuất chip, máy tính và nhiều thứ khác, cũng như xe tăng và tàu chiến“, ông nhấn mạnh.
Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ cũng cho rằng thuế quan không tốt cho ngành công nghiệp này.
“Với 97% quần áo và giày dép chúng ta mặc được nhập khẩu, và quần áo và giày dép đã là ngành công nghiệp chịu thuế quan cao nhất tại Hoa Kỳ, chúng ta cần tập trung vào các giải pháp hợp lý có thể thay đổi tình hình“, Chủ tịch AAPA Steve Lamar cho biết trong một tuyên bố. “Nhiều mức thuế quan hơn sẽ chỉ có nghĩa là chi phí đầu vào cao hơn cho các nhà sản xuất Hoa Kỳ và giá cả cao hơn sẽ gây tổn hại đến nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp”.
Tuyên bố này sẽ khiến các nước xuất khẩu hàng may mặc như Việt Nam, Trung Quốc, … nhẹ nhõm hơn trong quá trình tìm kiếm thỏa thuận thương mại song phương với Hoa Kỳ.
Năm 2024, Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu lớn của ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch trên 10 tỷ USD chiếm tỷ trọng 40%. Tại thị trường Hoa Kỳ, Việt Nam cũng chiếm thị phần thứ 2, chỉ sau Trung Quốc.
Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), tích lũy 4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 13,78 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ. Riêng tháng 4, xuất khẩu mặt hàng dệt may đã thu về hơn 3,5 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 4 năm trước.
Nguyên Hương (t/h)