Chiến tranh thương mại Mỹ Trung gần như chặn đứng nguồn hàng từ Trung Quốc, vốn đang đứng ở vị trí số 1. Việt Nam đang nắm giữ vị trí số 2 đứng trước thách thức và cơ hội lớn trong vòng 90 ngày sắp xếp lại chuỗi cung ứng. Ấn Độ cũng đang tận dụng cơ hội trỗi dậy nhờ mức thuế thấp và năng lực đàm phán nhanh nhạy. 

nganh cong nghiep det may
Ngày 9/4, Hoa Kỳ công bố mức thuế quan đối ứng 46% cho các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam khiến nhiều đơn hàng bị hủy. Ảnh Intech Group.

Thuế quan đối ứng của Hoa Kỳ: Đâu là thách thức, đâu là cơ hội?

Chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ năm 2025 đang gây chấn động thương mại toàn cầu. Dệt may của Việt Nam phải đối diện với mức thuế 46%, chỉ đứng sau Trung Quốc.

Ngay sau khi Tổng thống Trump công bố thuế quan đối ứng với hơn 80 quốc gia/ vùng lãnh thổ hôm 2/4, Nhiều đối tác Mỹ đã hủy đơn hàng với Việt Nam để tránh rủi ro thuế quan.

Mặc dù sau đó 1 tuần (9/4), ông Trump đã ban hành lệnh hoãn thực hiện thuế đối ứng trong vòng 90 ngày, thay vào đó là mức thuế tạm thời 10% cho hàng hóa từ các quốc gia (trừ Trung Quốc).

Ngược lại, đối với hàng hóa từ Trung Quốc, ông Trump đã tăng mức thuế đối ứng từ 34% lên 84% và gần đây nhất là 145% cùng chiều với căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng giữa hai quốc gia.

Không dừng lại ở thuế quan đối ứng, Chính quyền Tổng thống Trump cũng bịt lỗ hống thuế của thương mại điện tử bằng việc chấm dứt chế độ miễn thuế cho những lô hàng giá trị nhỏ (dưới 800 USD) từ Trung Quốc và Hồng Kông. Năm 2024, có khoảng 1,3 tỷ lô hàng từ Trung Quốc thâm nhập vào Mỹ thông qua con đường này, chủ yếu trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Shein, Alibaba và Temu, …. trong đó mặt hàng quần áo, giày dép chiếm tỷ lệ lớn.

Các mặt hàng có giá trị dưới 800 USD từ Trung Quốc và Hồng Kông phải chịu mức thuế 30% hoặc 25 USD/mặt hàng (tăng lên 50 USD từ ngày 01/06/2025). Đến ngày 09/04/2025, mức thuế này tăng gấp 3 lần, đạt 90% hoặc 75 USD/mặt hàng (tăng lên 150 USD sau ngày 11/06/2025).

Thị trường dệt may Hoa Kỳ sẽ có sự thay đổi lớn trong năm 2025

Năm 2024, Mỹ đã nhập khẩu 107,8 tỷ USD hàng dệt may, tăng 2,6% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam giữ vị trí thứ 2 về thị phần hàng may mặc tại Mỹ với 19,1%, tiệm cận Trung Quốc (20,3%) và bỏ xa Bangladesh (9,2%).

Thi phan hang det may
Nguồn Vinatex

Theo đánh giá của đại diện Tổng công ty May Việt Nam (Vinatex), trong đợt áp thuế quan lần này, các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc bị thiệt hại nhiều nhất, khả năng dừng giao thương vì thuế suất quá cao và không khí căng thẳng giữa hai quốc gia. Khoảng trống của dệt may Trung Quốc sẽ là cơ hội cho các quốc gia khác vươn lên thay thế.

Trong khi đó, Việt Nam cũng chịu tổn thương nặng vì chưa có thuế đối ứng thì dệt may đã phải chịu mức thuế gấp 5 lần các mặt hàng khác rồi. Nếu không có gì thay đổi, sau 90 ngày, hàng hóa Việt Nam cũng sẽ phải chịu mức thuế 46%, chỉ sau Trung Quốc.

Các quốc gia khác trong khu vực như Bangladesh (thuế 37%) và Indonesia (32%) cũng gặp khó khăn tương tự. Campuchia và Sri Lanka bị áp thuế cao nhưng năng lực sản xuất còn hạn chế, khó tạo đột phá.

Tuy nhiên, Ấn Độ là nước có lợi thế hơn với mức thuế chỉ 26%, đang tích cực đàm phán để mở rộng thị phần.

Trong 90 ngày hoãn thuế quan, tất cả các quốc gia (trừ Trung Quốc) đều bình đẳng hưởng mức thuế quan 10%.

Có thể nói, 90 ngày phía trước là chính là cơ hội vàng để xác lập các vị trí vững chắc trên thị trường Hoa Kỳ, trên cả phương diện chính sách và thị phần. 

Chia sẻ bên lề Triển lãm SaigonTex 2025, Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng trước diễn biến phức tạp trên thế giới, toàn ngành cần chủ động ứng phó bằng cách mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu và đẩy mạnh chuyển đổi số.

Ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP HCM, cũng nhấn mạnh rằng để vượt qua những thách thức, biến động, doanh nghiệp cần tập trung liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa sản xuất. Ngành dệt may cần chuyển từ tăng trưởng nhanh sang phát triển bền vững đến năm 2030, và từ năm 2031 đến 2035 sẽ tiến tới phát triển hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tham gia vào các mắt xích có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cần lưu ý rằng mất cân bằng thương mại vẫn là trở ngại chính trong quan hệ thương mại Việt Nam Hoa Kỳ và là cơ sở để Hoa Kỳ đưa ra mức thuế quan đối ứng. Do vậy, các đối tác dệt may Việt Nam cũng cần tính toán đưa thêm cấu thành giá trị Mỹ vào mỗi mặt hàng để giảm bớt áp lực mất cân bằng thương mại giữa hai quốc gia.

Theo số liệu của Tổng cục Hải Quan, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Mỹ 3 tháng đầu năm đạt 3,8 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Năm 2024, ngành dệt may đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng hơn 11% so với năm 2023, đưa Việt Nam vượt Bangladesh trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Năm 2025, ngành đặt mục tiêu đạt 47- 48 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Hiện có khoảng 3.500 dự án FDI trong lĩnh vực dệt may với tổng vốn trên 37 tỷ USD, đóng góp khoảng 65% kim ngạch toàn ngành.

Nguyên Hương