Vào thứ Sáu (11/10), nền tảng video ngắn TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance cho biết đang giảm nhân sự trên toàn cầu với số lượng hàng trăm việc làm, vì hiện công ty đã có hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong công việc kiểm duyệt nội dung.

TikTok
(Ảnh: nordskovmedia.dk/ Creative Commons)

Theo Reuters, trước đó có hai nguồn tin tiết lộ rằng TikTok đã giảm hơn 700 vị trí việc làm tại Malaysia. Nhưng TikTok sau đó đã làm rõ rằng có ít hơn 500 nhân viên Malaysia bị ảnh hưởng.

Hầu hết nhân viên của công ty liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung đã được thông báo qua email vào cuối ngày thứ Tư (9/10) về việc ngừng hợp đồng. Tuy nhiên, nguồn tin yêu cầu giấu tên vì chưa được phép tiết lộ thông tin liên quan cho giới truyền thông.

Việc giảm hàng loạt nhân sự tại TikTok diễn ra khi Malaysia thắt chặt các quy định đối với các công ty công nghệ toàn cầu. Là một phần trong chiến dịch trấn áp tội phạm mạng, Chính phủ Malaysia yêu cầu các nhà khai thác mạng xã hội phải nộp đơn xin giấy phép hoạt động trước tháng 1 năm sau.

Đối với yêu cầu bình luận của Reuters, TikTok cho biết rằng họ đang cắt giảm việc làm như một phần của kế hoạch rộng lớn hơn nhằm cải thiện hoạt động đánh giá của nền tảng, theo đó hàng trăm nhân viên trên toàn cầu bị ảnh hưởng.

Theo trang web của ByteDance, công ty có hơn 110.000 nhân viên tại hơn 200 thành phố trên thế giới. TikTok sử dụng kết hợp tính năng phát hiện tự động và xem xét thủ công để điều chỉnh nội dung trên nền tảng.

Một trong những nguồn tin cho biết, công ty công nghệ này cũng đang lên kế hoạch sa thải thêm nhiều người vào tháng tới khi hợp nhất một số hoạt động trong khu vực.

Người phát ngôn của TikTok cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đang thực hiện những thay đổi này như một phần trong nỗ lực nhằm củng cố hơn nữa mô hình quản lý nội dung toàn cầu của mình”.

Người phát ngôn cho biết 80% nội dung vi phạm đã bị xóa thông qua công nghệ tự động.

Đầu năm nay, các báo cáo ở Malaysia cho thấy nội dung có hại trên mạng xã hội gia tăng mạnh mẽ, vì thế kêu gọi các công ty bao gồm TikTok tăng cường giám sát nền tảng trực tuyến của họ.

TikTok đang phải đối mặt với áp lực pháp lý từ nhiều nước trên thế giới. Tuần này, TikTok đã bị 13 tiểu bang của Mỹ và Đặc khu Washington kiện, cáo buộc nền tảng này gây tổn hại đến sức khỏe tâm thần của người dùng tuổi teen và thu thập dữ liệu cá nhân của họ mà không có sự đồng ý. Các bang cũng cáo buộc TikTok có một thuật toán gây nghiện khiến thanh thiếu niên nghiện nền tảng này.

Ngày 24/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký luật yêu cầu cho TikTok thời hạn tối đa một năm để thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance tại Trung Quốc, nếu không ứng dụng này sẽ bị cấm tải xuống ở Mỹ. TikTok phản đối và đã kháng cáo trước tòa.