Tổng thống Mỹ Donald Trump trong các cuộc đàm phán thương mại với EU đã yêu cầu áp thuế tối thiểu 15% – 20% đối với tất cả hàng hóa của EU, đồng thời từ chối giảm mức thuế 25% hiện tại đối với ô tô châu Âu và các ngành công nghiệp cụ thể khác.

r shutterstock 2586170825
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại một cuộc họp báo của Nhà Trắng ngày 30/1/2025. (Ảnh: Joshua Sukoff / Shutterstock)

Theo tiết lộ của 3 nguồn tin, Tổng thống Trump dự định nâng ngưỡng thuế nhập khẩu hàng hóa EU từ mức 10% hiện tại lên 15%-20%. Ông giữ vững lập trường cứng rắn trong đàm phán, yêu cầu bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải áp dụng mức thuế tối thiểu 15%-20% đối với tất cả hàng hóa EU.

Các nguồn tin cho biết sau nhiều tuần đàm phán, khung thỏa thuận ban đầu giữa 2 bên dự kiến giữ mức thuế cơ bản 10% cho phần lớn hàng hóa, nhưng Tổng thống Trump đã cứng rắn hơn nhằm thăm dò giới hạn chịu đựng của EU. Ông không bị lay chuyển bởi đề xuất mới của EU về giảm thuế ô tô và sẵn sàng duy trì mức thuế 25% với ô tô như kế hoạch.

Nếu được áp dụng, thuế quan của Mỹ sẽ được áp lên 380 tỷ euro (khoảng 442 tỷ USD) hàng hóa hàng năm từ EU, trong tổng số 532 tỷ euro (khoảng 618,7 tỷ USD) xuất sang Mỹ. Mỹ hiện là thị trường đơn lẻ lớn nhất của khối này, chiếm đến 1/5 xuất khẩu của khu vực.

Ngày 18/7, trưởng đoàn đàm phán thương mại EU Maroš Šefčovič cho biết tiến triển đàm phán không như kỳ vọng. Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng nhận định Washington vẫn dè dặt với đề xuất giảm thuế đối với các ngành cụ thể của EU.

Một nhà ngoại giao cấp cao của EU nói rằng EU không muốn xảy ra chiến tranh thương mại, nhưng lập trường cứng rắn của Mỹ có thể buộc họ phải đáp trả. Nếu ông Trump kiên quyết duy trì thuế ở mức 15%-20%, thì mức thuế của Mỹ với EU sẽ trở lại đỉnh điểm hồi tháng Tư khi bắt đầu đàm phán thương mại. Đồng thời, Mỹ vẫn áp thuế 50% với thép và nhôm của EU.

Một quan chức Mỹ cho biết ngay cả khi hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng, Mỹ vẫn có thể đặt mức thuế trên 10%.

Hồi đầu tháng Tư, ông Trump đã áp thuế cao đối với hầu hết các đối tác thương mại của Mỹ, gây biến động thị trường chứng khoán toàn cầu, sau đó giảm thuế xuống 10% và đặt thời hạn nới lỏng 90 ngày. Từ tháng Tư đến nay, thị trường chứng khoán Mỹ liên tục tăng và lập kỷ lục mới.

Thông tin ông Trump muốn nâng thuế đã khiến chứng khoán Mỹ giảm trong ngày 18/7, chỉ số S&P 500 giảm mạnh nhất, tới 0,2%.

Các nhà kinh tế lo ngại chính sách thương mại của Trump có thể làm gia tăng lạm phát của Mỹ, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng Bảy chỉ tăng nhẹ. Đồng thời, Mỹ thu về gần 50 tỷ USD từ thuế trong quý II mà chưa gặp phải biện pháp trả đũa quy mô lớn nào từ các đối tác thương mại chính.

EU đã chuẩn bị nhiều biện pháp thuế trả đũa nhưng nhiều lần hoãn thực hiện và gắn thời gian triển khai với hạn chót đàm phán 1/8 mà ông Trump đề ra.

Các biện pháp này bao gồm: Từ 6/8, đánh thuế hàng Mỹ trị giá 21 tỷ euro (khoảng 24,4 tỷ USD như thịt gà và quần jean). Nếu đàm phán thất bại, Ủy ban châu Âu còn có kế hoạch trả đũa hàng Mỹ trị giá 72 tỷ euro (khoảng 83,7 tỷ USD bao gồm máy bay Boeing và whisky).

Tổng thống Mỹ thường xuyên bày tỏ không hài lòng với mức thâm hụt thương mại hàng hóa 198 tỷ euro (tương đương 231 tỷ USD) với EU.

Các quan chức EU lại lập luận rằng thương mại giữa 2 bên cân bằng hơn nhiều nếu tính đến cả các dịch vụ và thương mại. Khối này cũng cam kết sẽ tăng mua dầu khí từ Mỹ để thu hẹp mất cân đối thương mại.

EU dự kiến hoãn gói trả đũa trị giá 21 tỷ euro (khoảng 24,4 tỷ USD) lên hàng nhập khẩu từ Mỹ cho đến đầu tháng sau. Cuối tuần trước, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen kêu gọi hai bên đưa ra giải pháp cho tranh chấp thương mại thông qua đàm phán.

Ngoài ra, EU cũng chuẩn bị áp thuế trả đũa đối với hàng hóa dịch vụ Mỹ, bao gồm dịch vụ kỹ thuật số và doanh thu quảng cáo trực tuyến.

Bình Minh (t/h)