Ông Tadashi Yanai, CEO của Fast Retailing, công ty mẹ của chuỗi thời trang toàn cầu Uniqlo và là người giàu nhất Nhật Bản, cho biết sản phẩm của hãng này không sử dụng bông cotton từ Tân Cương. Câu nói này đã khiến các ‘tiểu phấn hồng’ Trung Quốc kêu gọi tẩy chay Uniqlo, tuy nhiên nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phản đối với những hành động tẩy chay như vậy.

Uniqlo 2
Một cửa hàng Uniqlo ở Trung Quốc. (Ảnh: Shutterstock)

Hôm thứ Năm (28/11), Đài BBC của Anh đã phát sóng cuộc phỏng vấn của nhà báo Nhật Bản Mariko Oi với ông ông Tadashi Yanai – CEO của công ty mẹ Uniqlo Fast Retailing.

Khi được hỏi liệu nguyên liệu thô may mặc của Uniqlo có liên quan đến vấn đề nhân quyền hay không, ông Tadashi Yanai nói: “Chúng tôi không sử dụng (bông Tân Cương)”.

Sau đó, ông nói thêm, “Nói đến loại bông mà chúng tôi sử dụng…” ông dừng lại một chút và tiếp tục, “Thực ra, nếu tôi nói nhiều hơn, nó sẽ trở thành quá bị chính trị hóa, vì vậy chúng tôi sẽ chỉ dừng ở đây thôi.” 

Sau khi đoạn video được lan truyền rộng rãi tại Trung Quốc đã khiến đông đảo các ‘tiểu phấn hồng’ phẫn nộ, họ muốn tẩy chay Uniqlo.

“Tiểu phấn hồng” là một thuật ngữ chỉ những người trẻ tuổi ở Trung Quốc có thái độ yêu nước và chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thường phản đối các quan điểm hoặc hành động mà họ cho là làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Một cư dân mạng Trung Quốc đã để lại bình luận trên mạng xã hội X, “Trung Quốc hiện đang hứng chịu nhiều khủng hoảng, cứ vài ngày lại thấy một quốc gia hoặc công ty nào đó gây thù hận”. 

Theo đoạn video của BBC, ông Yanai chỉ trả lời “không sử dụng” trong cuộc phỏng vấn và sau đó tránh đi sâu vào chủ đề này.

Video này nhanh chóng làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi ở Trung Quốc Đại Lục. Nhiều chủ đề thảo luận liên quan đã xuất hiện trên nền tảng xã hội Weibo. Thậm chí các ‘tiểu phấn hồng’ còn để lại những bình luận cực đoan như “loại khỏi kệ các sản phẩm của Uniqlo” “tự đập vỡ bát cơm của mình”, v.v.

Trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 29/11, người phát ngôn Mao Ninh cho biết, “Bông ở Tân Cương là một trong những loại bông tốt nhất trên thế giới”, chúng tôi hy vọng rằng các công ty liên quan có thể loại bỏ áp lực chính trị và sự can thiệp có hại, đồng thời đưa ra các quyết định kinh doanh độc lập vì lợi ích riêng của mình.

Theo truyền thông Trung Quốc Đại Lục đưa tin, nước này là cơ sở sản xuất lớn nhất của Uniqlo và là thị trường lớn nhất của thương hiệu này. Trong báo cáo tài chính năm 2024 tính đến cuối tháng 8/2024, doanh thu của Uniqlo tại Trung Quốc Đại Lục tăng trưởng 9,2% và lợi nhuận hoạt động tăng nhẹ 0,5%. Vào thời điểm đó, Uniqlo có tổng cộng 1.032 cửa hàng ở khu vực Đại Trung Hoa, trong đó có 926 cửa hàng ở Trung Quốc Đại Lục.

Tuy nhiên, Uniqlo cũng đã tuyên bố về sự sụt giảm tăng trưởng doanh thu ở thị trường Đại Lục và Hồng Kông trong năm nay: Tâm lý của người tiêu dùng Đại Lục đã thay đổi, và thế hệ trẻ không còn chọn hàng hiệu, mà mua những sản phẩm thay thế hợp túi tiền.

Câu nói “không sử dụng” của CEO Uniqlo đã được các ‘tiểu phấn hồng’ Trung Quốc coi là một “tuyên bố chính thức” và quyết định từ chối “không sử dụng”, nó được lý giải thành một tuyên bố về lập trường và thái độ.

Tuy vậy, cũng có một số cư dân mạng suy nghĩ lý trí và dám bày tỏ cách nghĩ của mình.

Một cư dân mạng trên Sohu đã để lại bình luận: “Nguyên văn của ông CEO là: ‘Chúng tôi chưa có sử dụng’ (bông Tân Cương), cũng có ý cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc và không muốn chọn lập trường chính trị, bất kỳ những ý khác thì đừng nên thêm vào để cường điệu vấn đề.”

Một cư dân mạng trên Ifeng.com nhắc nhở: “Mọi người có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà suy nghĩ, không sử dụng bông Tân Cương, nhưng sử dụng bông có nguồn gốc khác từ Trung Quốc và sản xuất tại Trung Quốc. Nếu điều này cũng bị tẩy chay, thì tất cả các thương hiệu nhập khẩu đều tẩy chay ư. Hầu như tất cả các sản phẩm của Uniqlo đều được sản xuất tại Trung Quốc. Nếu Uniqlo bị đuổi ra khỏi Trung Quốc, nạn nhân đầu tiên sẽ là những người nông dân trồng bông, công nhân may mặc, nhân viên bán hàng và nhân viên trong các tòa nhà thương mại của Trung Quốc. UNIQLO có những cửa hàng lớn nhất trong các trung tâm mua sắm lớn, thương hiệu nào có được thực lực này? Nếu thực sự yêu đất nước mình, trước tiên hãy yêu đồng bào của mình, chứ không phải là tẩy chay một cách mù quáng.”

Ngoài Trung Quốc, Uniqlo còn sản xuất quần áo ở các nước như Việt Nam, Bangladesh, Indonesia và Ấn Độ. Năm 2009, ông Yanai nói với BBC rằng chi phí ở Trung Quốc quá cao, và công ty đang chuyển sản xuất sang “Campuchia, nơi có mức lương thấp hơn, để giữ giá ở mức thấp”.

Một cư dân mạng khác cũng viết: “Việc sử dụng nguyên liệu gì là quyết định của doanh nghiệp, đó là hành vi tự chủ trong kinh doanh. Chỉ cần không làm nhục đất nước và sản phẩm của chúng ta, cá nhân tôi sẽ không ràng buộc hành vi này với lòng yêu nước và chủ nghĩa dân tộc. Với tư cách là một người tiêu dùng bình thường, tôi sẽ ủng hộ bất kể sản phẩm của nước nào giúp tiết kiệm chi phí.

Còn có cư dân mạng cho biết thêm: “Ngoài ra, do lượng tiêu thụ năm nay giảm nên tôi đã chuyển từ áo phông chính hãng nước ngoài sang áo phông thương hiệu nổi tiếng trong nước. Đều là chất liệu cotton nguyên chất, nhưng mang lại cảm giác thoải mái và dễ chịu khi mặc thì sản phẩm của các thương hiệu nước ngoài là bên chiến thắng, mặc dù tôi không hiểu lắm chất liệu cotton là gì, nhưng hàng trong nước phải tự hoàn thiện mình hơn nữa.”

Khi nói về lý do thành công của Uniqlo và tại sao nó thu hút người tiêu dùng trên toàn thế giới, ông Yanai Masaru cho biết mục tiêu của Uniqlo là sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, thu hút mọi người, kể cả giới siêu giàu, không chỉ nhắm đến những người có gu thẩm mỹ tinh tế, mà còn cả những người không quá hiểu về thời trang, với thiết kế tinh tế và chất liệu cao cấp.

Tính đến thời điểm hiện tại, Uniqlo đã thành lập được 40 năm và có hơn 2.500 cửa hàng trên khắp thế giới. Doanh thu hàng năm của công ty mẹ Fast Retailing Group lần đầu tiên đã vượt 20 tỷ USD.

Năm 2022, khi Mỹ thực hiện các quy định nghiêm ngặt đối với hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương. Vào thời điểm đó, ông Tadashi Yanai, từ chối xác nhận hay phủ nhận việc vải cotton làm từ bông Tân Cương có được sử dụng trong quần áo Uniqlo hay không, ông chỉ nói rằng ông muốn “duy trì tính trung lập giữa Mỹ và Trung Quốc”. Quyết định không đứng về phía nào của ông Yanai Tadashi đã cho phép Uniqlo tiếp tục nổi tiếng tại thị trường bán lẻ khổng lồ của Trung Quốc Đại Lục.

Cũng có ý kiến không đồng tình với lời kêu gọi tẩy chay. Một cư dân mạng phản bác một người khác: “Bạn có thể mua hoặc không mua sản phẩm của Uniqlo, đây là quyền của bạn.”

“(Lời kêu gọi tẩy chay tập thể) có chút hơi quá, [sử dụng nguyên liệu nào] là một lựa chọn kinh doanh rất phổ biến. Về lý do thì có quá nhiều khả năng. Có thể là lý do giá cả, hoặc có thể là nhu cầu mối quan hệ con người. Tất nhiên, cũng có thể là lý do chính trị, không có gì phải làm ầm ĩ cả,” cư dân mạng này nói thêm.

Ông Ben Cavender, giám đốc điều hành của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc có trụ sở tại Thượng Hải, nói với Reuters rằng còn quá sớm để biết liệu có thiệt hại lâu dài hay không, nhưng xét đến những thách thức mà ngành may mặc hiện đang phải đối mặt, ngay cả khi bị mất đi một bộ phận người tiêu dùng Trung Quốc thì cũng sẽ không gây ra nhiều thiệt hại cho toàn bộ ngành nghề này.

Năm 2022, việc giám sát chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương của Mỹ có hiệu lực. Nhiều thương hiệu toàn cầu đã loại bỏ các sản phẩm sử dụng bông Tân Cương khỏi kệ hàng, điều này cũng dẫn đến việc họ bị các ‘tiểu phấn hồng’ tại Trung Quốc tẩy chay, ví dụ như như H&M, Nike, Burberry, Esprit và Adidas, v.v.