Chất lượng băng vệ sinh ở Đại Lục đáng lo ngại, nhiều người đổ qua Hồng Kông mua
- Bình Minh
- •
Gần đây, có thông tin cho rằng nhiều thương hiệu băng vệ sinh ở Trung Quốc Đại Lục gặp vấn đề về chất lượng sản xuất, khiến cư dân mạng bàn tán về việc sang Hồng Kông mua băng vệ sinh hoặc tìm đại lý thu mua. Một số người dân Hồng Kông lo lắng hết hàng phải mua thêm để dự phòng.
Gần đây xảy ra “sự sụp đổ tập thể của băng vệ sinh” ở Trung Quốc. Người tiêu dùng phát hiện ra nhiều thương hiệu băng vệ sinh nổi tiếng của Trung Quốc có vấn đề như độ dài không phù hợp với nhãn, hàm lượng vi khuẩn quá cao, độ pH cao, và nghi ngờ sử dụng bông lõi đen.
Người tiêu dùng phát hiện ra rằng chiều dài thực tế của băng vệ sinh của thương hiệu nổi tiếng “ABC” chênh lệch 6cm so với chiều dài ghi trên nhãn. Điều này đã gây ra sự bất mãn mạnh mẽ của người tiêu dùng, khiến tất cả các sản phẩm của “ABC” bị xóa khỏi cửa hàng hàng đầu của Tmall.
Các thương hiệu nổi tiếng như Hushubao, Sofy, ABC, Kotex, Space7, Ladycare, Laurier… đều bị cáo buộc có sự khác biệt giữa chiều dài thực tế và nhãn mác, khiến người tiêu dùng bất mãn.
Một số báo cáo chỉ ra rằng sự sụt giảm lợi nhuận ròng có thể là lý do khiến toàn bộ các công ty sản xuất băng vệ sinh đang cắt giảm chi phí. Báo cáo nghiên cứu của Zhongtai Securities cho thấy, cấu tạo của băng vệ sinh chủ yếu bao gồm lớp bề mặt, lớp thấm hút, lớp đáy và lớp keo dính.
Trong đó, lớp thấm hút là bộ phận bị nghi ngờ đã bị “rút ruột” trong vụ việc này, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng chi phí nguyên vật liệu, khoảng 50%.
Ông Lưu Bảo Bình, Chủ tịch Viện Thiết kế Thương hiệu Grand View Quảng Châu, chỉ ra rằng chi phí nguyên liệu thô chiếm khoảng 80% tổng chi phí của băng vệ sinh. Dung sai của mỗi băng vệ sinh là vài mm, có thể tiết kiệm một khoản tiền rất lớn.
Ngoài chiều dài thực tế của băng vệ sinh không khớp với nhãn, điều khiến người tiêu dùng lo lắng hơn nữa là tiêu chuẩn của các cơ quan quản lý liên quan đối với băng vệ sinh quá thấp.
Yêu cầu về giá trị pH và formaldehyde không phải là tiêu chuẩn sản phẩm dành cho trẻ em loại A, mà chỉ là các sản phẩm thuộc danh mục B hoặc C. Vì vậy, nhiều người đã yêu cầu cơ quan chức năng xem xét lại tiêu chuẩn.
Một số kênh truyền thông đưa tin: “Trong số 10 loại băng vệ sinh phổ biến nhất trên thị trường, không có loại nào đạt tiêu chuẩn.” Cư dân mạng cũng đăng hoặc quay video cáo buộc các thương hiệu tại Trung Quốc nhìn chung không đạt tiêu chuẩn.
Một video tiết lộ, nhiều nhà sản xuất sử dụng bông đen, thậm chí dùng tàn thuốc lá để làm băng vệ sinh. Một số người cho rằng trứng côn trùng, xác gián,… thường được tìm thấy trong băng vệ sinh. Những sản phẩm như vậy không chỉ không đạt tiêu chuẩn vệ sinh, mà lượng chất độc hại còn sót lại và vi khuẩn dư thừa trong đó còn có thể gây hại cho sức khỏe phụ nữ.
Ngoài ra, nhiều video của các blogger tự mình thử nghiệm băng vệ sinh được lan truyền trên mạng, cũng tiết lộ một số sản phẩm không đạt tiêu chuẩn vệ sinh và có thể gây ra các bệnh phụ khoa. Những sự cố này đã dẫn đến những câu hỏi liên tục trên Internet về việc “tại sao lại có quá nhiều sản phẩm vô đạo đức ở Trung Quốc”.
Người dân Trung Quốc đổ xô tới Hồng Kông mua băng vệ sinh
Mất niềm tin vào băng vệ sinh trong nước sản xuất, nhiều người Trung Quốc tìm đến các thương hiệu nhập khẩu, trong đó có việc sang Hồng Kông và Nhật Bản để mua băng vệ sinh.
Thậm chí, một số người còn thực hiện những chuyến đi đặc biệt đến Hồng Kông và Nhật Bản, chỉ để mua băng vệ sinh chất lượng cao với số lượng lớn. Một lượng lớn chiến lược mua hàng cũng như mẹo dự trữ hàng đã xuất hiện trên mạng trực tuyến.
- Nội dung bài đăng trên X: “Cướp sữa bột, gạo và bây giờ là băng vệ sinh…
Gần đây, ở Trung Quốc Đại Lục rộ lên thông tin băng vệ sinh nội địa không đạt tiêu chuẩn sản xuất nghiêm trọng, khiến người dân Trung Quốc bắt đầu mua băng vệ sinh Nhật Bản với số lượng lớn.”
搶奶粉、搶大米、到如今搶衛生巾…
近日,中國大陸曝出一則新聞,國內衛生巾嚴重不符合製造標準,致使中國人大量開始搶購日產衛生巾。pic.twitter.com/8YDr7NCvcJ
— 熱門視頻News (@StarLuxeUS) November 27, 2024
Theo báo cáo của Đài Á Châu Tự do và các kênh truyền thông nước ngoài khác, cô Thẩm đến từ Thâm Quyến nói với các phóng viên: “Chủ đề phổ biến nhất trên Douyin hiện nay là một số (băng vệ sinh) không đủ dài. Một số bị cho là mất vệ sinh và có màu đen. Có trường hợp trứng côn trùng xuất hiện. Tôi dùng đèn chiếu sáng thì phát hiện bên trong băng vệ sinh có màu đen.”
Cô Lương, người từ Quảng Châu đi mua sắm ở Hồng Kông, cho biết phân gián được tìm thấy trong băng vệ sinh cô mua ở Trung Quốc và độ thoáng khí của chúng cũng kém.
Tuy nhiên, băng vệ sinh mua ở Hồng Kông tốt hơn. Cô chưa từng mua phải hàng có vấn đề. Cô nói rằng cô đến Hồng Kông không phải để mua băng vệ sinh. Cô chủ yếu mua tại “cửa hàng Hồng Kông” ở Quảng Châu. Thỉnh thoảng khi đến Hồng Kông, cô ấy sẽ mua một ít khi trở về.
Cô Trương, một người cũng từ Quảng Châu đến Hồng Kông mua sắm, cho biết chất lượng băng vệ sinh Hồng Kông tương đối tốt và đảm bảo, cô cảm thấy yên tâm hơn khi sử dụng. “Tôi hy vọng các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoặc các cơ quan quản lý có liên quan sẽ theo dõi các vấn đề an toàn của băng vệ sinh Trung Quốc.”
Do nhiều du khách Trung Quốc đến Hồng Kông để mua băng vệ sinh, nên người dân Hồng Kông lo lắng về xu hướng đổ xô mua hàng.
Annie, một cư dân Hồng Kông, cho biết cô sẽ mua thêm một hoặc hai gói băng vệ sinh để dự phòng. Vì ở Đại Lục có rất nhiều người và cô lo ngại về tình trạng “mua sắm điên cuồng” như cơn sốt muối trước đây.
Khi đề cập đến vấn đề chất lượng của băng vệ sinh ở Trung Quốc, Annie cho biết, gần đây cô cũng cẩn thận hơn khi sử dụng băng vệ sinh. Cô kiểm tra tạp chất và sự đổi màu. Cô chỉ trích các nhà sản xuất vô đạo đức “hại người” vì phụ nữ đặc biệt nhạy cảm trong thời kỳ kinh nguyệt, và có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với các chất độc hại.
Annie cho biết thêm, cô từng sống ở Thâm Quyến: “Có sự khác biệt lớn giữa băng vệ sinh ở Đại Lục và băng vệ sinh mua ở Hồng Kông. Sau khi sử dụng, băng vệ sinh ở Đại Lục sẽ khiến bộ phận sinh dục nữ nhạy cảm hơn và bị ngứa. Vì vậy, tôi sẽ không tham lam sự tiện lợi mà mua hàng trong nước. Tôi nhất định phải đến Hồng Kông để mua.”
Bà Ngô, một cư dân Hồng Kông vừa từ Tokyo trở về, cho biết bà cảm thấy kỳ lạ khi thấy người ta mua băng vệ sinh theo giỏ ở một hiệu thuốc ở Tokyo. Sau đó, bà đọc tin tức và biết được chất lượng băng vệ sinh từ Trung Quốc Đại Lục có vấn đề.
Dù chưa có hiện tượng đổ xô mua băng vệ sinh ở Hồng Kông, nhưng bà cho rằng nếu từng xảy ra tình trạng đổ xô mua sữa bột như lần trước, thì chính phủ cũng nên ra luật hạn chế mỗi người chỉ được mua 2 gói.
Bà nhấn mạnh rằng bà không bao giờ dám mua hàng từ Taobao, cũng như không mua sắm ở Thâm Quyến. Vì bà không tin vào việc kiểm soát chất lượng của Trung Quốc, cũng như không tin rằng chính phủ của họ có sự giám sát tốt.
Về việc liệu người Đại Lục đến Hồng Kông mua băng vệ sinh có thể thúc đẩy nền kinh tế Hồng Kông hay không, bà Ngô cười nói: “Nền kinh tế băng vệ sinh nghe thật buồn cười phải không?”
Bà tin rằng sẽ có nhiều người đến Hồng Kông để mua băng vệ sinh hơn, nhưng nó không thể hỗ trợ nhiều cho nền kinh tế Hồng Kông. “Hy vọng không ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là được.”
Bình Minh (t/h)
Từ khóa Hồng Kông Hàng hóa Trung Quốc Made in China Băng vệ sinh