Việt Nam đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2030 sẽ hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, một nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, doanh thu ngành chip bán dẫn là trên 25 tỷ USD…

shutterstock 2107476131
Việt Nam đặt mục tiêu đến 2030 có một nhà máy sản xuất chip bán dẫn. (Ảnh minh họa: Aslysun/ Shutterstock)

Đây là những mục tiêu được đưa ra trong Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành.

Chiến lược này đề ra Công thức C = SET + 1 cho con đường phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Cụ thể: C – chip bán dẫn; S – Specialized (chuyên dụng, chip chuyên dụng); E – electronics (điện tử, công nghiệp điện tử); T – talent (nhân tài, nhân lực); + 1 – Việt Nam là điểm đến mới an toàn của chuỗi cung ứng toàn cầu về công nghiệp bán dẫn.

Chiến lược đã đề ra 3 giai đoạn phát triển cho công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu

Giai đoạn 1 (2024 – 2030), Việt Nam sẽ Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế, nhân lực về công nghiệp bán dẫn, thu hút FDI có chọn lọc, phát triển trở thành một trong các trung tâm về nhân lực bán dẫn toàn cầu, hình thành năng lực cơ bản trong tất cả các công đoạn từ nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử của công nghiệp bán dẫn.

Giai đoạn này sẽ hình thành ít nhất 100 doanh nghiệp thiết kế, 1 nhà máy chế tạo chip bán dẫn quy mô nhỏ và 10 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn; phát triển một số sản phẩm bán dẫn chuyên dụng trong một số ngành lĩnh vực.

Doanh thu công nghiệp bán dẫn đặt ra trong giai đoạn này là trên 25 tỷ đô la một năm, quy mô nhân lực toàn ngành đạt trên 50.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử

Giai đoạn 2 (2030 – 2040), Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một trong các trung tâm về công nghiệp bán dẫn, điện tử toàn cầu, kết hợp giữa tự cường và FDI.

Mục tiêu trong giai đoạn này là hình thành ít nhất 200 doanh nghiệp thiết kế, 2 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 15 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn. Doanh thu đặt ra mục tiêu đạt trên 50 tỷ đô la, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 15 – 20%, nguồn nhân lực đạt trên 100.000 kỹ sư, cử nhân có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Thuộc nhóm các quốc gia đi đầu về công nghiệp bán dẫn, điện tử

Giai đoạn 3 (2040 – 2050), Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia thuộc nhóm các quốc gia đi đầu trên thế giới về công nghiệp bán dẫn, điện tử; làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn, điện tử.

Số lượng doanh nghiệp thiết kế giai đoạn này là 300, với 3 nhà máy chế tạo chip bán dẫn và 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn.

Doanh thu giai đoạn này là trên 100 tỷ đô la một năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 – 25%, nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có cơ cấu, số lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Để đạt được mục tiêu trong chiến lược, Chính phủ Việt Nam đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp phát triển trong những năm tới, đó là: phát triển chip chuyên dụng; phát triển công nghiệp điện tử; phát triển nguồn nhân lực và thu hút nhân tài trong lĩnh vực bán dẫn; thu hút đầu tư trong lĩnh vực bán dẫn.

Hiện đã có một số hãng nước ngoài bao gồm Intel, Samsung, Amkor Technology, Qualcomm và Marvel Technology có cơ sở ở Việt Nam.

Phan Vũ (t/h)