Việt Nam: Doanh nghiệp có thể trả nợ trái phiếu bằng “tài sản khác” nếu không có tiền
- Đức Minh
- •
Trước áp lực về trả nợ gốc và lãi vay trái phiếu doanh nghiệp, Chính phủ Việt Nam sửa đổi Nghị định theo hướng tổ chức phát hành có thể kéo dài kỳ hạn trái phiếu thêm tối đa 2 năm, đồng thời cũng có thể thanh toán bằng “tài sản khác” nếu không có khả năng chi trả bằng tiền cho nhà đầu tư.
Theo đó, Nghị định 08 được Chính phủ ban hành có hiệu lực từ ngày ký (5/3) thể hiện nhiều điểm thay đổi về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Cụ thể, nếu doanh nghiệp phát hành không thể thanh toán đầy đủ, đúng hạn nợ gốc, lãi trái phiếu bằng đồng Việt Nam theo phương án phát hành đã công bố cho nhà đầu tư, “doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác.”
Theo Nghị định này, việc đàm phán phải được người sở hữu trái phiếu chấp thuận. Doanh nghiệp phát hành phải công bố thông tin bất thường và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tình trạng pháp lý của tài sản sử dụng để thanh toán gốc, lãi trái phiếu theo quy định của pháp luật.
Việc đàm phán dựa trên nguyên tắc tuân thủ quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì còn phải tuân thủ quy định của pháp luật về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đó.
Ngoài ra, theo quy định trước đây, doanh nghiệp không được thay đổi kỳ hạn của trái phiếu đã phát hành. Tuy nhiên, Nghị định 08 sửa đổi theo cho phép “doanh nghiệp được thay đổi, kéo dài kỳ hạn của trái phiếu tối đa không quá 2 năm so với kỳ hạn tại phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư”.
Đối với người sở hữu trái phiếu không chấp thuận thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu thì doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm đàm phán để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Trường hợp có người sở hữu trái phiếu không chấp thuận phương án đàm phán thì doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với người sở hữu trái phiếu theo phương án phát hành trái phiếu đã công bố cho nhà đầu tư (kể cả trường hợp việc thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu đã được người sở hữu trái phiếu đại diện từ 65% tổng số trái phiếu trở lên chấp thuận).
Đáng chú ý, trước đây nhiều tổ chức phát hành đã lách luật phát hành hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu đến người dân phổ thông (không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp). Nhiều doanh nghiệp bất động sản có rủi ro tài chính, thiếu minh bạch trong việc công bố thông tin và hơn một nửa không có tài sản bảo đảm.
Tại Nghị định này, quy định trên cũng được tạm ngưng việc “xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp”.
Đức Minh
Từ khóa Trái phiếu doanh nghiệp Chính phủ Việt Nam Nghị định 08 Dòng sự kiện