Việt Nam: Quy hoạch điện VIII được Chính phủ duyệt
- Đức Minh
- •
Truyền thông trong nước đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa ký Quyết định số 500 ngày 15/5/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn năm 2021 – 2030, mục tiêu đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Theo đó, Quy hoạch điện VIII quy hoạch phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải ở cấp điện áp từ 220 kV trở lên, công nghiệp và dịch vụ về năng lượng tái tạo, năng lượng mới trên lãnh thổ Việt Nam, gồm cả các công trình liên kết lưới điện với các quốc gia láng giềng.
Trong đó, đối với chuyển đổi năng lượng, Quy hoạch điện VIII đặt mục tiêu phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện, mục tiêu đến năm 2050 tỷ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5-71,5%.
Kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204 – 254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27 – 31 triệu tấn vào năm 2050; hướng tới đạt mức phát thải đỉnh không quá 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện các cam kết theo JETP được các đối tác quốc tế.
Đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Chính phủ Việt Nam còn đặt mục tiêu xuất khẩu điện khoảng 5.000 – 10.000 MW từ năng lượng tái tạo.
Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2021 – 2030 tương đương 134 tỷ USD; giai đoạn 2031 – 2050 tương đương khoảng 400 – 523 tỷ USD (trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 364 – 511 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34 – 38 tỷ USD).
Tập đoàn Điện lực (EVN) tăng doanh thu 8.000 tỷ đồng khi tăng giá điện từ ngày 4/5
Lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sau khi tăng giá điện, doanh thu trong năm nay của EVN sẽ tăng thêm khoảng 8.000 tỷ đồng nhưng vẫn không đủ bù khoản lỗ mà tập đoàn đang gánh.
Theo đó, Tập đoàn EVN đã tăng giá điện từ ngày 4/5 với mức tăng thêm khoảng 3%, lên mức 1.920,37 đồng mỗi kWh (chưa gồm VAT).
Năm 2022, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh điện của EVN lỗ gần 36.300 tỷ đồng. Thu nhập từ các hoạt động có liên quan đến sản xuất kinh doanh điện trong năm 2022 là 10.058 tỷ đồng.
Chưa tính phần lỗ tỷ giá chưa được hoạch toán vào giá thành, EVN còn lỗ 26.235 tỷ đồng trong năm 2022.
Về điện tái tạo, các nhà đầu tư dù đã nộp hồ sơ và đề nghị tham gia đàm phán giá điện với Công ty Mua bán điện (EVN-EPTC) nhưng vẫn chưa được chấp thuận đủ điều kiện đàm phán.
Sau 2 năm mòn mỏi chờ đợi, nhiều doanh nghiệp cho biết sắp phá sản và lãng phí hàng chục nghìn tỷ đầu tư vào điện tái tạo (gió, mặt trời).
Về phía EVN, tập đoàn này đưa ra mức giá tạm thời là tối đa 50% giá trần khung giá phát điện, tương đương mức giá cho điện mặt trời mặt đất là 592,45 đồng/kWh; điện mặt trời nổi là 754,13 đồng/kWh; điện gió trong đất liền là 793,56 đồng/kWh; điện gió trên biển là 907,97 đồng/kWh).
Các doanh nghiệp đánh giá: “Mức giá trên đi ngược lại hoàn toàn với chính sách khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo và các cam kết của Chính phủ…”
Với lãi suất hiện tại khoảng 12%/năm, sản lượng trung bình xấp xỉ 140GWh (tương đương hệ số công suất 32%), nếu áp dụng giá tạm đề xuất nêu trên, doanh thu chưa đạt tới 130 tỷ đồng mỗi năm.
Các nhà đầu tư nói trên cho biết: “Chắc chắn không thể đủ dòng tiền chi trả chi phí vận hành tuabin cho nhà cung cấp khoảng 30 tỷ đồng (50.000-100.000 USD/tuabin) và lãi vay phát sinh gần 170 tỷ đồng”.
Do vậy, phía nhà đầu tư đề nghị EVN thanh toán bằng 50% giá trần của khung giá theo Quyết định số 21 trong thời gian huy động tạm thời, có hồi tố (sau khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng, EVN sẽ thực hiện thanh toán bằng mức giá đã thống nhất cho toàn bộ thời gian từ thời điểm dự án được huy động sản lượng).
Từ khóa chính phủ bộ công thương EVN quy hoạch điện VIII