VinSpeed đề nghị đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam, khai thác trong 99 năm
- Tùng Lâm
- •
Ngày 14/5, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Doanh nghiệp đang tiến hành thảo luận với đối tác Trung Quốc, Đức, Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ.
Ngày 14-5, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đường sắt cao tốc VinSpeed, do Tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm tổng giám đốc, cho biết đã chính thức đăng ký đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. VinSpeed cho rằng đây là một dự án cống hiến dài hạn trong nhiều thập kỷ, mang tinh thần phụng sự đất nước.
Dự án có vốn đầu tư khoảng 1.562 nghìn tỉ đồng (tương đương khoảng 61,35 tỉ USD), không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng.
Trong đó, VinSpeed chịu trách nhiệm thu xếp 20% tổng vốn đầu tư của dự án, tương đương 312,33 nghìn tỉ đồng (khoảng 12,27 tỉ USD). 80% số còn lại (không bao gồm chi phí bồi thường, hỗ trợ di dời, tái định cư để giải phóng mặt bằng), tương đương với 1.250 nghìn tỷ đồng, VinSpeed đề xuất vay vốn nhà nước không tính lãi suất trong vòng 35 năm kể từ ngày giải ngân.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm thực hiện theo các dự án riêng.
Thời gian vận hành dự án là 99 năm (nếu triển khai từ tháng 12/2025 thì sẽ kết thúc vào tháng 12/2124)
Để thực hiện dự án, VinSpeed đề nghị được chỉ định là nhà đầu tư các khu đô thị, dự án bất động sản tại các khu đất phụ cận nhà ga đường sắt cao tốc Bắc Nam, đồng thời được hưởng chính sách ưu đãi nhất đối với dự án được đặc biệt ưu đãi.
Bên cạnh đó, VinSpeed cũng đề nghị được hưởng miễn thuế toàn bộ máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải đường sắt tạo tài sản cố định và các hàng hóa, linh phụ kiện, vật tư, phụ tùng nhập khẩu phục vụ xây dựng, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế và khai thác hệ thống kết cấu cơ sở hạ tầng đường sắt và các vật dụng liên quan kể cả trong trường hợp các hàng hóa này trong nước đã sản xuất được;
Đồng thời, được xem xét đề xuất mức giá vé tối thiểu bằng 60% – 75% giá trần vé máy bay tùy từng hạng vé tại từng thời điểm.
Đại diện VinSpeed cho biết doanh nghiệp mong muốn có thể khởi công dự án trước tháng 12/2025 và đưa toàn tuyến vào khai thác vận hành trước tháng 12/2030.
Hiện VinSpeed đang thỏa thuận với đối tác đến từ các quốc gia có ngành công nghiệp đường sắt phát triển hàng đầu thế giới như Trung Quốc, Đức, Nhật Bản để nhận chuyển giao công nghệ và sản xuất các đầu máy, toa xe cùng hệ thống tín hiệu, điều khiển tại Việt Nam.
Nếu chấp thuận đề xuất đầu tư của VinSpeed, Chính phủ cần chuẩn bị những gì?
Theo phương án đầu tư của VinSpeed, chính phủ cần chuẩn bị ứng phần vốn đề doanh nghiệp vay, chi phí tài chính cho khoản vay trong 35 năm, các chi phí giải phóng mặt bằng. Nếu ước tính chi phí giải phóng mặt bằng là 6 tỷ USD; Khoản tiền ứng cho doanh nghiệp vay khoảng 49,1 tỷ USD; Chi phí tài chính của khoản vay của VinSpeed trong 35 năm trên 50 tỷ USD, thì Chính phủ sẽ phải chuẩn bị phần vốn đối ứng tương đương 56 tỷ USD cho dự án theo phương án đề xuất VinSpeed.
Tùng Lâm
