Về vấn đề suy thoái kinh tế Trung Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo vào thứ Ba (8/10) rằng dù Bắc Kinh đã có biện pháp kích thích trước mắt cho thấy tín hiệu lạc quan, nhưng điều đó không đủ về dài hạn. Ngân hàng Thế giới dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ suy yếu hơn nữa vào năm 2025, gây thêm áp lực lên nền kinh tế khu vực Đông Á.

trung tam thuong mai
Một cư dân mạng ở Đông Dinh – Sơn Đông cho biết trung tâm mua sắm mà anh chụp ảnh vắng vẻ nhất ở Đông Dinh. (Ảnh chụp màn hình video)

Theo ‘Báo cáo triển vọng kinh tế 6 tháng’ của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ giảm từ mức ước tính 4,8% vào năm 2024 xuống còn 4,3% vào năm tới, do đó ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bao gồm các nước như Úc, Hàn Quốc, Indonesia… từ mức 4,8% của năm nay giảm xuống 4,4% vào năm 2025.

Ngân hàng Thế giới cho biết: “Ba thập niên tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho các nước láng giềng và tạo ra những hiệu ứng lan tỏa có lợi, nhưng động lực và phạm vi ảnh hưởng này hiện đang giảm dần…  Dù biện pháp kích thích gần đây Trung Quốc thực hiện có thể hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn, nhưng tăng trưởng dài hạn sẽ phụ thuộc vào cải cách cơ cấu sâu hơn”.

Ngân hàng Thế giới dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ chậm lại vào năm 2025, kéo theo những tác động lan tỏa khắp Đông Á.

Dự báo tăng trưởng của Ngân hàng Thế giới đối với Trung Quốc nhìn chung nhất quán với khảo sát của Bloomberg.

Theo Ngân hàng Thế giới, ngoài tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại của Trung Quốc, những thay đổi trong dòng chảy thương mại và đầu tư cùng rủi ro gia tăng từ bất ổn chính sách diễn ra trên phạm vi toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế ở Đông Á và Thái Bình Dương. Ví dụ, dù chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã mang lại cho những nơi như Việt Nam… cơ hội thị trường để “kết nối” các nước giao thương lớn, nhưng dữ liệu mới cho thấy trong bối cảnh vấn đề  kiểm soát xuất khẩu gia tăng tại các nơi khiến kinh tế nhiều nước có thể có xu hướng “kết nối một chiều” (one-way connector), chỉ dựa vào nhập khẩu hoặc xuất khẩu từ một thị trường cụ thể, không thể thiết lập mạng lưới thương mại hai chiều rộng hơn.

Ngân hàng Thế giới cũng nghiên cứu xem các công nghệ mới như robot công nghiệp và trí tuệ nhân tạo (AI) đang ảnh hưởng như thế nào đến thị trường lao động trên khắp châu Á.

Báo cáo chỉ ra rằng châu Á bị chi phối bởi lao động chân tay nên tỷ lệ việc làm bị AI đe dọa nhỏ hơn so với các nền kinh tế phát triển. Nhưng vấn đề cũng phản ánh khả năng yếu kém của các doanh nghiệp địa phương châu Á trong việc sử dụng AI để cải thiện năng suất, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh lâu dài của khu vực.

Các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 5% trong năm nay, nhưng sức mua yếu của thị trường và nổ bong bóng bất động sản Trung Quốc khiến mục tiêu của họ ngày càng xa vời.