Xóa bỏ thuế khoán để khuyến khích hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp
- Nguyên Hương
- •
Mục tiêu năm 2030 cả nước sẽ có 2 triệu doanh nghiệp, tăng hơn 1 triệu doanh nghiệp so với thời điểm hiện tại, mà nguồn tiềm năng đến từ các hộ kinh doanh đang hoạt động. Nghị quyết 68 quy định xóa bỏ thuế khoán trước năm 2026 để khuyến khích hộ kinh doanh hoạt động theo mô hình doanh nghiệp.
Ngày 4/5, Tổng bí thư Tô Lâm ký ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Nghị quyết được công bố ngay trong phiên khai mạc đầu tiên của Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV như một định hướng xuyên suốt cho toàn bộ hoạt động của Kỳ họp Quốc hội.
Có thể nói, Nghị quyết 68 là một bước chuyển mình về nhận thức, tư duy lãnh đạo khi xác định kinh tế tư nhân chính là động lực của phát triển. Nhận thức này đến từ thực tế khách quan kinh tế tư nhân đã và đang gánh trọng trách lớn trong nền kinh tế Việt Nam, đang tạo công ăn việc làm cho hàng chục triệu người lao động, nuôi sống hàng chục triệu gia đình trên cả nước.
Số liệu đưa ra tại Nghị quyết 68 cho biết có khoảng 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và tạo việc làm cho 82% tổng số lao động Việt Nam.
Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10-12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động, năng suất lao động tăng bình quân 8,5-9,5%.
Mục tiêu này được đánh giá là khá tham vọng, khi chỉ trong 5 năm có thể bổ sung thêm hơn 1 triệu doanh nghiệp cho nền kinh tế. Ngoại trừ các doanh nghiệp khởi nghiệp, nguồn bổ sung cho khối doanh nghiệp đến từ các hộ kinh doanh đang hoạt động.
Hộ kinh doanh là một đặc sản của nền kinh tế Việt Nam, mang đặc tính của mối liên kết nguồn lực, nhân lực trong gia đình với mô hình tổ chức nhỏ gọn, linh hoạt, chi phí hoạt động cực thấp và cực hiệu quả.
Với mô hình nhỏ gọn, giản tiện, hoạt động dựa trên cơ sở lòng tin và sự kết nối, Hộ kinh doanh có thể ra những quyết định kinh doanh nhanh chóng, linh hoạt điều tiết các nguồn lực của mình để bám sát sự vận động của thị trường. Để vận hành hiệu quả, hộ kinh doanh đã tận dụng được cơ chế quản lý khá thông thoáng của nhà nước, trong đó có hình thức thuế khoán.
Tuy nhiên, xét về quản lý nhà nước, hình thức thuế khoán cũng nảy sinh nhiều vấn đề như tình trạng tham nhũng, ăn chia, đồng thời là “ưu đãi” khiến các hộ kinh doanh không muốn “lột xác” thành doanh nghiệp.
Để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp, Nghị quyết 68 đề ra thời hạn chấm dứt hình thức thuế khoán chậm nhất trong năm 2026.
Nguyên Hương
