10 thực phẩm chống viêm giúp tăng cường miễn dịch trong mùa lạnh
- Thanh Long
- •
10 công thức chế biến đơn giản với những thực phẩm chống viêm của Trung y không chỉ giúp nhuận phế, đào thải độc tố mà còn tăng cường miễn dịch trong những ngày lạnh giá.
Bạn có biết rằng chỉ cần một chế độ ăn uống hợp lý, chúng ta có thể thanh lọc các chất độc khỏi phổi và củng cố hệ miễn dịch? Dưới đây là 10 công thức chống viêm, làm sạch phổi có thể dễ dàng áp dụng mỗi ngày.
Theo Trung y, tuyết nhĩ (nấm trắng), mộc nhĩ đen, củ sen, nghệ, gừng, kỷ tử, lê, táo đỏ, óc chó và mật ong có công dụng bổ phổi. Khoa học hiện đại cũng chứng minh rằng những thực phẩm này giàu chất chống oxy hóa, có đặc tính chống viêm và hỗ trợ tăng cường miễn dịch.
1. Tuyết nhĩ (Nấm tuyết)
Theo Trung y, tuyết nhĩ, còn gọi là nấm tuyết, có tác dụng bổ sung tân dịch và nhuận phế, đặc biệt hữu ích trong những mùa hanh khô. Loại nấm này rất giàu polysaccharide, một hợp chất có đặc tính chống oxy hóa và tăng cường miễn dịch.
Canh tuyết nhĩ nấu lê
Nguyên liệu:
- 1 tai nấm tuyết
- 1 trái lê
- Đường phèn vừa đủ
Cách chế biến:
- Ngâm nấm tuyết trong nước cho nở, sau đó xé nhỏ.
- Gọt vỏ lê, bỏ hạt, cắt thành miếng vuông.
- Cho nấm tuyết và đường phèn vào nồi, thêm nước, đun trong 1 giờ.
- Thêm lê cắt miếng, tiếp tục đun nhỏ lửa trong vài phút rồi thưởng thức.
2. Củ Sen
Củ sen chứa nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin C, giúp thanh phế, hóa đàm và tăng cường miễn dịch.
Củ sen, cùng với ớt chuông đỏ và vàng, đều là nguồn vitamin C dồi dào. Nghiên cứu cho thấy vitamin C từ thức ăn có thể giúp ngăn ngừa ung thư phổi, trong khi vitamin C từ thực phẩm chức năng lại không mang đến hiệu quả đó.
Củ sen xào ớt chuông đỏ và vàng
Nguyên liệu:
- 2 phần nhỏ củ sen
- 1 trái ớt chuông đỏ
- 1 trái ớt chuông vàng
- Một ít tỏi băm
- Muối vừa đủ
Cách chế biến:
- Rửa sạch, thái lát củ sen và cắt ớt chuông thành sợi.
- Làm nóng chảo với một ít dầu, phi tỏi băm trên lửa nhỏ đến khi dậy mùi thơm.
- Cho củ sen vào xào nhanh, thêm chút nước rồi tiếp tục đảo đều đến khi lát củ sen hơi trong.
- Thêm ớt chuông đỏ và vàng, nêm muối, xào thêm một phút rồi tắt bếp. Thưởng thức khi còn nóng.

3. Mộc nhĩ đen
Mộc nhĩ đen vừa là thực phẩm vừa là dược liệu trong Trung y, có tác dụng nhuận phế và thanh nhiệt. Loại nấm này còn giàu sắt, chất xơ và polysaccharide, giúp tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa nhiễm trùng. Nghiên cứu cho thấy chiết xuất từ mộc nhĩ đen có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư phổi và cải thiện hệ vi sinh đường hô hấp.
Salad mộc nhĩ đen
Nguyên liệu:
- 1,5 thìa canh mộc nhĩ đen khô
- 2 tép tỏi
- 1/2 trái dưa chuột
- 2 thìa canh giấm gạo
- 2 thìa canh nước tương
- 1 thìa canh đường trắng
- 1 thìa canh dầu mè
- Muối vừa đủ
Cách chế biến:
- Ngâm mộc nhĩ đen trong nước khoảng 2 giờ, cắt bỏ gốc và rửa sạch.
- Chần mộc nhĩ trong nước sôi khoảng 3 phút, vớt ra, xả lại nước sạch, để ráo.
- Băm nhỏ tỏi, bào sợi dưa chuột, rồi xếp tất cả vào đĩa cùng với mộc nhĩ.
- Dùng một bát khác, trộn giấm gạo, nước tương, đường, dầu mè, khuấy đều rồi rưới lên salad. Nêm muối tùy khẩu vị và thưởng thức.
4. Lê
Lê chứa nhiều chất chống oxy hóa, đặc biệt là vitamin C, giúp hóa đàm và duy trì độ ẩm cho phổi. Đây là loại trái cây rất thích hợp để ăn trong mùa hanh khô. Nghiên cứu cho thấy lê giàu polyphenol và flavonoid, có tác dụng cải thiện dị ứng và hỗ trợ điều trị các bệnh hô hấp như hen suyễn.
Lê chưng đường phèn
Nguyên liệu:
- 1 trái lê
- 1 thìa canh đường phèn
- Một ít kỷ tử
Cách chế biến:
- Gọt vỏ lê, bỏ hạt, cắt thành miếng vừa ăn.
- Cho lê vào nồi cùng đường phèn và kỷ tử.
- Thêm nước và đun trong 20 phút.
5. Quả óc chó
Theo Trung y, quả óc chó có tác dụng ôn phế, chỉ khái (giảm ho) và bổ thận. Loại hạt này giàu chất chống oxy hóa như axit béo omega-3 và polyphenol, giúp chống viêm phổi. Nghiên cứu cho thấy người cao tuổi ăn khoảng 28–56g óc chó mỗi ngày làm giảm đáng kể các dấu hiệu viêm sau hai năm.
Omega-3 không chỉ bảo vệ hệ tim mạch mà còn rất quan trọng đối với sức khỏe phổi. Một nghiên cứu cho thấy ở bệnh nhân xơ phổi, nồng độ omega-3 trong huyết tương càng cao thì khả năng trao đổi khí CO₂ càng tốt, kéo dài thời gian sống mà không cần ghép phổi, bất kể tiền sử hút thuốc hay bệnh tim mạch.
Cháo óc chó với táo đỏ
Nguyên liệu:
- 10 trái táo đỏ
- 10 quả óc chó
- 1/2 chén gạo
- Một ít đường phèn
Cách chế biến:
- Ngâm táo đỏ trong nước nóng, bỏ hạt.
- Rửa sạch óc chó.
- Cho táo đỏ, óc chó và gạo vào nồi.
- Thêm nước, đun sôi, sau đó hạ nhỏ lửa nấu đến khi cháo nhừ.
- Thêm đường phèn, khuấy đều đến khi tan hết rồi thưởng thức.
6. Gừng
Gừng có tác dụng ôn ấm cơ thể, hóa đàm và chỉ khái (giảm ho). Hoạt chất chính trong gừng là gingerol, có đặc tính kháng viêm mạnh. Một số nghiên cứu còn phát hiện rằng chiết xuất gừng giúp thư giãn cơ trơn đường hô hấp, chống viêm và hỗ trợ cải thiện bệnh hen suyễn.
Trà gừng
Nguyên liệu:
- 1,5 thìa canh gừng thái lát
- 2 1/4 ly nước
- 1 thìa canh mật ong
- 2 lát chanh
Cách chế biến:
- Cho gừng vào nồi, thêm nước và đun sôi.
- Giảm lửa nhỏ, đun trong 10 phút.
- Lọc bỏ gừng, rót trà vào cốc.
- Thêm mật ong và lát chanh, khuấy đều trước khi uống.
7. Táo Đỏ
Trong Trung y, táo đỏ được xem là dược liệu lý tưởng để bổ huyết và dưỡng phế. Loại quả này giàu polysaccharide và vitamin, giúp tăng cường miễn dịch và bảo vệ hệ hô hấp.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy polysaccharide từ táo đỏ có thể nâng cao khả năng miễn dịch của tế bào, giúp chống lại mầm bệnh và điều hòa các cytokine tiền viêm.
Trà táo đỏ
Nguyên liệu:
- 6 trái táo đỏ
- 2 1/2 ly nước nóng
Cách chế biến:
- Rửa sạch, bỏ hạt táo đỏ.
- Cho vào nồi cùng nước nóng, hãm trong 15 phút.
8. Nghệ
Nghệ là một loại gia vị có tác dụng kháng viêm, đặc biệt hiệu quả trong việc giảm viêm mãn tính ở phổi. Nghiên cứu cho thấy curcumin – hợp chất có trong nghệ – có khả năng giảm viêm và tổn thương phổi đáng kể.
Sữa nghệ
Nguyên liệu:
- 1 ly sữa
- 1 thìa cà phê bột nghệ
- Một nhúm tiêu đen
- Mật ong vừa đủ
Cách chế biến:
- Đun nóng sữa.
- Thêm bột nghệ và tiêu đen, khuấy đều.
- Cho mật ong vào theo khẩu vị.

9. Mật ong
Mật ong có tác dụng kháng khuẩn, nhuận phế và giảm ho, đặc biệt hữu ích trong việc làm dịu ho khan và giảm khó chịu ở cổ họng. Một nghiên cứu của Đại học Oxford kết luận rằng mật ong giúp cải thiện triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên hiệu quả hơn so với các phương pháp điều trị thông thường, đồng thời là một lựa chọn thay thế rẻ tiền cho kháng sinh.
Uống nước chanh mật ong vào buổi sáng giúp thanh phế và dịu họng rất tốt.
Nước chanh mật ong
Nguyên liệu:
- 1 ly nước
- 1/2 trái chanh
- 1 thìa canh mật ong
Cách chế biến:
- Đun nóng nước.
- Rửa sạch chanh, cắt lát mỏng hoặc vắt lấy nước cốt.
- Cho tất cả nguyên liệu vào ly, khuấy đều và thưởng thức.
10. Kỷ tử
Kỷ tử là một dược liệu trong Trung y, giàu polysaccharide, vitamin C và carotenoid, giúp bảo vệ phổi và tăng cường miễn dịch. Nghiên cứu cho thấy polysaccharide trong kỷ tử có thể ức chế sự phát triển của tế bào ung thư phổi bằng cách ngăn chặn chu kỳ tế bào hoặc kích hoạt quá trình tự chết của chúng.
Trà kỷ tử
Nguyên liệu:
- 1 ly nước
- 1 thìa canh kỷ tử
Cách chế biến:
- Đun nóng nước, cho kỷ tử vào ngâm trong 10 phút.
- Để nước nguội bớt trước khi uống.
Những món ăn trên đều là các công thức truyền thống của Trung y, được khoa học hiện đại chứng minh có lợi cho sức khỏe. Thêm chúng vào chế độ ăn hàng ngày là một cách đơn giản và ngon miệng để tăng cường miễn dịch, đặc biệt trong mùa thu và đông lạnh giá.
Dương Cảnh Đoan, theo The Epoch Times
Từ khóa tăng cường miễn dịch chống viêm
