Bài thuốc đông y giúp ngăn ngừa cục máu đông do COVID -19 và vắc-xin
- Trúc Nhi
- •
Cục máu đông là một trong những biến chứng khi nhiễm COVID-19. Duy trì 4 thói quen dưới đây cùng với việc sử dụng trà đông y giúp ngăn ngừa cục máu đông do COVID-19 và vắc-xin.
Bài viết của ông Jonathan Liu, giáo sư Trung y tại Đại học Công lập Canada, thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.
Các nghiên cứu cho thấy rằng các bệnh nhân COVID-19 có tỷ lệ huyết khối động mạch và tĩnh mạch tăng lên đáng kể. Ngoài ra, một số người còn gặp tác dụng phụ hiếm gặp là cục máu đông và hội chứng giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc xin covid.
Đối với huyết khối, y học phương Tây chủ yếu áp dụng liệu pháp chống đông máu và tiêu sợi huyết, nhưng nó thường kèm theo các tác dụng phụ như chảy máu và dị ứng. Trung y vốn có lịch sử điều trị huyết khối lâu đời, đồng thời thuốc Đông y cũng có tác dụng tốt đối với huyết khối khó điều trị bằng thuốc chống đông máu của Tây y.
Tỷ lệ cục máu đông ở bệnh nhân COVID-19 tăng lên đáng kể
Trong một nghiên cứu được công bố trên trang web của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, các chuyên gia y tế đã nghiên cứu hồ sơ sức khỏe của 48 triệu người trưởng thành ở Anh, xứ Wales và phát hiện ra rằng trong số khoảng 1,44 triệu bệnh nhân bị nhiễm virus corona mới, thì tỷ lệ mắc các cục máu đông gây tử vong ở động mạch và tĩnh mạch là rất cao. Tỷ lệ mới mắc lần lượt là 5,3% và 4,7%. Trong đó tỷ lệ mắc huyết khối không gây tử vong lần lượt là 2,5% và 4,4%.
Trong suốt quá trình diễn biến của bệnh, tỷ lệ huyết khối động mạch sẽ cao hơn đáng kể trong vài tuần đầu tiên sau khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19, nhưng sau đó nó có xu hướng giảm nhanh theo thời gian, trong khi tỷ lệ huyết khối tĩnh mạch giảm chậm hơn. Nói cách khác, huyết khối tĩnh mạch là một biến chứng nghiêm trọng ở những bệnh nhân mắc COVID-19.
Nhóm nghiên cứu khuyến cáo nên phát hiện sớm, can thiệp sớm và khuyến khích người bệnh thường xuyên dùng thuốc hạ mỡ máu, hạ huyết áp để giảm nguy cơ hình thành huyết khối. Tuy nhiên, trên thực tế lâm sàng, nhiều bệnh nhân trước đó không mắc các bệnh mãn tính như tăng mỡ máu, tăng huyết áp, điều này cho thấy nguyên nhân gây huyết khối là rất phức tạp.
Nguyên nhân của cục máu đông
Tỷ lệ mắc huyết khối mạch máu ở nam giới tương đối phổ biến và đặc biệt cao hơn nữ giới. Y học hiện đại cho rằng sự xuất hiện của huyết khối là một khối không có cấu trúc bao gồm fibrin không hòa tan, tiểu cầu lắng đọng, bạch cầu tích tụ và hồng cầu bị mắc kẹt. Điều kiện hình thành huyết khối chủ yếu là do tổn thương lớp nội mạc tim mạch, thay đổi tốc độ cũng như hướng dòng máu và từ đó làm tăng cục máu đông. Trong đó, tổn thương nội mô mạch máu và tăng đông máu là những yếu tố chính.
Do môi trường sinh lý khác nhau nên động mạch và tĩnh mạch có cơ chế hình thành huyết khối khác nhau, phần lớn huyết khối trong động mạch được hình thành trên cơ sở vỡ mảng xơ vữa động mạch, sau khi mảng xơ vữa vỡ ra sẽ lộ ra lõi giàu lipid, collagen, protein, khiến tiểu cầu kết dính, kích hoạt và tập hợp lại, từ đó tạo thành cục huyết khối màu trắng giàu tiểu cầu. Sự hình thành huyết khối tĩnh mạch chủ yếu liên quan đến lưu lượng máu chậm, dẫn lưu kém, ngoài ra tình trạng tăng đông máu còn liên quan đến phẫu thuật và chấn thương.
Vắc-xin COVID-19 gây ra hội chứng cục máu đông và giảm tiểu cầu
Viêm phổi nặng do virus corona mới gây ra thường dễ xuất hiện huyết khối động mạch. Vì phản ứng viêm cấp tính do nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm trùng huyết có thể ảnh hưởng đến hệ thống đông máu và tiêu sợi huyết thông qua nhiều hệ thống khác nhau, bao gồm protein C tuần hoàn, antithrombin-Ⅲ, các yếu tố như giảm và tăng nồng độ chất ức chế hoạt hóa plasminogen-1, cuối cùng dẫn đến kích hoạt chuỗi đông máu và ức chế quá trình tiêu sợi huyết, đây chính là nguyên nhân thúc đẩy hình thành huyết khối.
Các cuộc điều tra quy mô lớn ở Anh và Ireland cho thấy nhiều bệnh nhân không phát triển huyết khối tĩnh mạch trong giai đoạn nhiễm trùng cấp tính, nhưng lại phát triển huyết khối tĩnh mạch do coronavirus.
Ngoài ra, ở châu Âu và Mỹ, sau khi tiêm vắc-xin Oxford, AstraZeneca và vắc-xin Johnson & Johnson (J&J), các tác dụng phụ hiếm gặp là cục máu đông và hội chứng tiểu cầu thấp. Trong các nghiên cứu về bệnh nhân bị huyết khối tĩnh mạch, nồng độ kháng thể PF4 cao đã được phát hiện trong huyết thanh của hầu hết bệnh nhân. Kháng thể này có tương quan cao với sự hình thành huyết khối.
Liệu pháp chống huyết khối trong y học hiện đại không phải là lý tưởng
Y học hiện đại đã tạo ra nhiều phương pháp điều trị huyết khối động tĩnh mạch như điều trị bằng thuốc chống đông, thuốc kháng tiểu cầu, thuốc tan huyết khối hay thuốc hạ fibrinogen. Tuy nhiên, những phương pháp điều trị này có tác dụng phụ như chảy máu và dị ứng, và trong một số trường hợp có chống chỉ định. Đối với một số trường hợp phức tạp, liệu pháp y tế hiện đại không mang lại kết quả lý tưởng.
Ví dụ, thuốc chống đông máu mạnh warfarin có nguy cơ chảy máu. Để giảm thiểu rủi ro, bệnh nhân dùng warfarin phải được xét nghiệm máu thường xuyên để theo dõi các dấu hiệu đông máu. Nhưng nếu có vết loét da khu trú, thì warfarin không có tác dụng.
Y học hiện đại cũng cho rằng nếu huyết khối được phát hiện sớm thì có thể sử dụng liệu pháp tiêu sợi huyết nhưng thời gian này rất ngắn và phải thực hiện trong vòng 48 giờ. Sau 48 giờ, sẹo bắt đầu hình thành bên trong cục máu đông, làm cho cục máu đông khó tan hơn. Đồng thời, thuốc tan huyết khối còn có nguy cơ biến chứng chảy máu cao hơn.
Bệnh nhân được điều trị bằng Trung y đã có thể tiếp tục chơi bóng rổ
Vào 2.500 năm trước, có một lý thuyết về tuần hoàn máu trong cuốn sách y học Trung Quốc ‘Hoàng Đế Nội Kinh’, nói rằng: “Khi các mạch mở ra, máu và khí có thể lưu thông.” Có nghĩa là mạch máu khỏe thì máu lưu thông mới có thể bình thường. Y học cổ truyền Trung Quốc điều trị các bệnh tắc nghẽn mạch máu chủ yếu áp dụng 2 phương pháp: Một là thanh nhiệt, giải độc hoạt huyết trong giai đoạn cấp tính. Hai là ích khí hoạt huyết trong giai đoạn mãn tính.
Tác giả đã từng điều trị cho một trường hợp điển hình mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới bên trái. Bệnh nhân 26 tuổi, khi đến khám, bệnh nhân phàn nàn chủ yếu là gặp phải tình trạng hạ sườn trái sưng đau đã 8 tháng, kèm theo da tím tái, và loét vùng hạ sườn. Cách đây 8 tháng, bệnh nhân được bác sĩ gia đình chẩn đoán mắc huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới, đã uống thuốc warfarin kháng đông cực mạnh trong 6 tháng nhưng không có tác dụng rõ rệt.
Ngoài ra, còn xuất hiện vết loét trên vùng da ở giữa chi dưới bên trái, đây là dấu hiệu của tình trạng thiếu máu cục bộ trầm trọng. Sau khi được người khác giới thiệu, bệnh nhân đã tìm đến thuốc Đông y. Bệnh nhân là một thanh niên yêu thích thể thao và chơi bóng rổ, nhưng đã bị gián đoạn hơn 1 năm vì căn bệnh này. Tuy nhiên chế độ ăn, ngủ, tiểu tiện cơ bản của anh vẫn diễn ra bình thường, theo biện chứng trong Đông y, đây là tình trạng khí hư huyết ứ điển hình.
Khái niệm “khí” trong Trung y có thể hiểu là “năng lượng” hay “sinh khí” tạo ra sự sống trong cơ thể, nguồn năng lượng này sẽ lưu chuyển khắp toàn bộ cơ thể để duy trì hoạt động sống. Trung y cho rằng khí là vật chất cơ bản và quan trọng nhất cấu thành nên cơ thể người và các hoạt động sống.
Các hoạt động khác nhau trong cơ thể người là biểu hiện của năng lượng, chẳng hạn như nhịp đập của tim, hô hấp của phổi, sự co của cơ, tuần hoàn của máu và các dẫn truyền tín hiệu thần kinh. Những dạng năng lượng này được tóm tắt trong Trung y là khí. Sự hoạt động bình thường của mọi cơ quan từ tim, gan, lá lách, phổi, thận..v.v. đều do năng lượng điều khiển, không có năng lượng thì các cơ quan này sẽ suy kiệt và thậm chí là chết đi.
Trung y cho rằng khí liên quan đến tuần hoàn máu, chức năng tim, cơ chế đông máu và sự cân bằng trong cơ chế chống đông máu .v.v. Biểu hiện của khí hư huyết ứ là xuất hiện tình trạng máu lưu thông chậm, máu dễ đông và dễ hình thành huyết khối. Điều này trong Tây y cũng có phát hiện tương tự. Trước khi các triệu chứng như cục máu đông xuất hiện, cơ thể trước đó có thể đã bị khí trệ huyết ứ lâu ngày, Trung y có thể thông qua các dấu hiệu liên quan để phát hiện những bất thường này nên rất có ưu thế trong việc phòng ngừa.
Khi áp dụng phương pháp điều trị bổ khí hoạt huyết, tức là điều trị khí hư huyết ứ bằng những bài thuốc có thể bổ sung năng lượng sống và cải thiện quá trình lưu thông máu. Thuốc sắc Hoạt huyết của tiên sinh Môn Thuần Đức, một thầy thuốc Đông y nổi tiếng ở Hà Bắc, rất có hiệu quả trong việc điều trị bệnh này.
Đơn thuốc này sử dụng hoàng kỳ có tác dụng ích khí, cũng như đương quy, kê huyết đằng và hồng cân (đan sâm), cùng các loại thuốc côn trùng như giun đất, thổ miết trung và đỉa để bào chế. Sau khi bệnh nhân uống 20 liều thuốc trong 20 ngày thì tất cả các triệu chứng đều biến mất, vết loét da ở chi dưới lành lại, màu da trở lại bình thường và chàng trai trẻ này đã có thể chạy trên sân bóng rổ trở lại.
4 thói quen ngăn ngừa cục máu đông
Vậy làm thế nào để ngăn chặn sự hình thành cục máu đông trong cơ thể?
1. Loại bỏ thói quen ít vận động trong thời gian dài
Một yếu tố quan trọng để ngăn ngừa cục máu đông là loại bỏ thói quen ít vận động. Sau khi sử dụng máy tính trong 1 giờ, bạn nên nghỉ ngơi một chút, đứng dậy đi lại, duỗi tay và đá chân, vận động khớp mắt cá chân và kéo căng cơ bắp chân. Tập thể dục rất có hiệu quả trong việc thúc đẩy lưu thông máu, giảm khả năng đông máu và hình thành tắc mạch.
Những người nằm liệt giường lâu ngày được liệt vào nhóm có nguy cơ cao mắc huyết khối tĩnh mạch chi dưới. Bệnh nhân nằm liệt giường được khuyến khích nên thường xuyên cử động các chi dưới một cách chủ động hoặc thụ động.
Họ cần được trường kỳ truyền tĩnh mạch lâu dài, nhưng chú ý nên tránh tiêm nhiều lần tại cùng một vị trí, bởi vì một khi nội mạc tĩnh mạch bị tổn thương, huyết khối rất dễ hình thành.
2. Ăn uống lành mạnh và tránh hút thuốc
Sắp xếp tốt ba bữa một ngày và ăn các loại thực phẩm ngăn ngừa cục máu đông như cá mòi, hành, tỏi, cần tây, nấm đen, v.v. Những loại thực phẩm này sẽ không làm tăng độ nhớt của máu và ngăn ngừa đông máu.
Nhiều bệnh nhân bị viêm huyết khối là do hút thuốc trong một thời gian dài, hành vi hút thuốc sẽ làm hỏng các mạch máu. Do đó, cai thuốc lá là một cách quan trọng để ngăn ngừa các bệnh huyết khối.
3. Đảm bảo uống đủ nước
Mỗi người nên uống 1500-2000ml nước mỗi ngày. Đối với người già thì cần uống nhiều nước hơn, vì máu của người già tương đối đặc, dính, đông và kết tụ, uống nhiều nước có thể giúp pha loãng máu. Ngoài ra uống 1 ly nước vào sáng sớm khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ sẽ có tác dụng làm hạ độ nhớt của máu và giảm nguy cơ gây ra cục máu đông.
4. Điều trị bằng thuốc theo chỉ định
Béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp đều là những yếu tố nguy cơ gây huyết khối. Việc tích cực điều trị, phòng ngừa hoặc kiểm soát tốt sự phát triển của các bệnh này là vô cùng quan trọng.
Uống trà đan sâm thường xuyên có thể ngăn ngừa cục máu đông
Dược lý Trung y hiện đại phát hiện ra rằng nhiều loại thuốc hoạt huyết và khử ứ truyền thống có tác dụng rất tốt trong việc phòng chống huyết khối, nhưng tác dụng này khác với thuốc hóa học. Nó không nhắm vào khối máu đông để giải quyết mà thông qua kháng viêm, khuếch trương mạch máu, điều chỉnh huyết áp, hạ mỡ và độ đặc dính của máu, ức chế tiểu cầu ngưng tụ cùng với cải thiện huyết dịch vi tuần hoàn nhằm mục đích cho các vi mô có thể liên kết, từ đó mang tới tác dụng phòng ngừa cùng tiêu trừ cục máu đông một cách hiệu quả và triệt để.
Bài thuốc cổ truyền thúc đẩy tuần hoàn máu, loại bỏ huyết ứ được sử dụng rộng rãi của Trung Quốc chính là đan sâm. Đối với những người có yếu tố nguy cơ huyết khối cao, có thể dùng 10 gam đan sâm pha trà để ngăn ngừa sự xuất hiện của huyết khối.
Các thí nghiệm nghiên cứu cũng đã xác nhận rằng đan sâm và chiết xuất của nó có nhiều tác dụng bảo vệ tim mạch. Đồng thời nó cũng có chức năng chống oxy hóa, chống viêm, giảm độ nhớt của máu và cải thiện vi tuần hoàn.
Tất nhiên, việc thay đổi bản thân, luôn giữ tâm trạng lạc quan vui vẻ, không suy nghĩ tiêu cực, từ bỏ những thói quen sinh hoạt xấu và duy trì một cuộc sống lành mạnh cũng là những yếu tố vô cùng quan trọng. Bởi vì trong phân tích cuối cùng, sức khỏe phụ thuộc vào chính chúng ta.
Từ khóa Trung y vắc-xin COVID-19 cục máu đông nguy cơ huyết khối trà đan sâm