Một tách cà phê thơm vào mỗi buổi sớm dường như đã trở thành thức uống quen thuộc của biết bao người. Và giờ đây, một nghiên cứu mới đầy thú vị vừa được công bố trên tạp chí uy tín European Journal of Nutrition (Tập san Dinh dưỡng Châu Âu) còn hé lộ thêm một lợi ích bất ngờ: thói quen thưởng thức cà phê thường xuyên có thể góp phần giảm nguy cơ suy yếu thể chất ở những người lớn tuổi.

coffee 1
Nghiên cứu mới cho thấy uống cà phê thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ suy yếu thể chất ở người cao tuổi (Ảnh: Shutterstock)

Nghiên cứu này đã theo dõi 1.161 người từ 55 tuổi trở lên trong 7 năm, sử dụng dữ liệu từ Nghiên cứu Longitudinal về Lão hóa Amsterdam (LASA). Kết quả cho thấy những người uống từ 4 đến 6 tách cà phê mỗi ngày (mỗi tách 125 ml) có nguy cơ suy yếu thấp hơn so với những người uống ít hơn.

Cà phê và sức khỏe cơ bắp

Dù cà phê không thể thay thế tập luyện thể dục – yếu tố chính để bảo vệ cơ bắp – nhưng việc tiêu thụ thức uống này ở mức vừa phải có thể giúp người cao tuổi tăng cường hiệu quả của luyện tập sức mạnh, hỗ trợ phục hồi cơ sau vận động, cải thiện sức bền và chống mệt mỏi.

Suy yếu thể chất (frailty) là một hội chứng thường gặp ở người cao tuổi, đặc trưng bởi sự suy giảm khối lượng và chức năng cơ bắp, mệt mỏi kéo dài và giảm khả năng vận động. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ té ngã, phụ thuộc và tử vong sớm ở người lớn tuổi.

Nghiên cứu cho thấy, các hợp chất chống oxy hóa có trong cà phê – bao gồm polyphenol, acid chlorogenic và caffeine – có thể góp phần làm giảm tình trạng viêm mạn tính, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thoái hóa cơ bắp theo tuổi tác, từ đó có thể hỗ trợ duy trì sức khỏe cơ bắp và giảm nguy cơ phát triển hội chứng suy yếu.

Mặc dù không thể thay thế vai trò cốt lõi của luyện tập thể dục đều đặn, nhưng việc sử dụng cà phê ở mức độ vừa phải có thể mang lại một số lợi ích bổ trợ đáng kể, như:

  • Tăng hiệu quả của các bài tập rèn luyện sức mạnh
  • Hỗ trợ phục hồi cơ sau vận động
  • Cải thiện sức bền thể lực
  • Và giảm cảm giác mệt mỏi trong sinh hoạt hàng ngày.

Với người cao tuổi, việc kết hợp cà phê hợp lý với một lối sống năng động và chế độ dinh dưỡng đầy đủ protein, vitamin D sẽ là chiến lược hiệu quả để phòng chống suy yếu thể chất và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Lượng khuyến nghị

Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) khuyến nghị mức tiêu thụ caffeine an toàn là tối đa 400 mg mỗi ngày, tương đương với 3 đến 5 tách cà phê. Điều này phù hợp với kết quả nghiên cứu, cho thấy uống từ 4 đến 6 tách cà phê mỗi ngày có thể mang lại lợi ích sức khỏe mà không gây hại.

Tuy nhiên, mỗi người có thể có mức độ nhạy cảm khác nhau với caffeine, do đó, người cao tuổi nên bắt đầu từ một lượng nhỏ và theo dõi phản ứng cơ thể để điều chỉnh cho phù hợp, tránh chọn các loại cà phê sau:

  • Loại hòa tan nhiều đường, bột béo (3 trong 1)
  • Loại pha sẵn đóng chai hoặc lon (nhiều đường, chất bảo quản)
  • Loại cà phê đen rang cháy, quá đắng (nhiều axit, gây kích ứng dạ dày). Có thể thêm sữa ít béo hoặc sữa hạt không đường để giảm axit, hỗ trợ xương khớp.

Không phải tốt cho tất cả mọi người

Mặc dù mang lại lợi ích to lớn nhưng không phải ai cũng nên uống cà phê. Ở một số người, cà phê có thể gây tác dụng phụ hoặc làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe hiện có. Dưới đây là các trường hợp người cao tuổi nên hạn chế hoặc tránh uống cà phê:

  • Người bị cao huyết áp (tăng huyết áp không kiểm soát): Caffeine có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Với người đã bị huyết áp cao, cà phê có thể gây nguy cơ đột quỵ hoặc tim mạch.
  • Người bị rối loạn giấc ngủ (mất ngủ, khó ngủ): Caffeine làm giảm chất lượng giấc ngủ, đặc biệt nếu uống sau 14h chiều.
  • Người bị loãng xương nặng: Cà phê có thể làm tăng thải canxi qua nước tiểu, vì vậy người bị loãng xương nên giới hạn lượng caffeine và tăng cường bổ sung canxi, vitamin D.
  • Người bị bệnh dạ dày – tiêu hóa (viêm loét, trào ngược dạ dày – GERD): Caffeine có thể kích thích tiết acid, làm nặng thêm tình trạng viêm loét hoặc ợ nóng.
  • Người có bệnh tim mạch nặng (loạn nhịp tim, suy tim): Cà phê có thể gây tim đập nhanh, đánh trống ngực. Người bị loạn nhịp cần đặc biệt cẩn thận với caffeine.
  • Người dùng thuốc tương tác với caffeine: Một số thuốc tim mạch, thần kinh hoặc lợi tiểu có thể tương tác với caffeine, làm giảm hiệu quả thuốc hoặc tăng tác dụng phụ. Ví dụ: thuốc chống trầm cảm MAOI, thuốc trị loạn nhịp, theophylline…

Tú Liên t/h