CẬP NHẬT diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán (tối 6/3)
- Bảo Minh
- •
Những tin tức cập nhật mới nhất về diễn biến dịch viêm phổi Vũ Hán tại Trung Quốc, Việt Nam và thế giới.
(*) Lưu ý: Tất cả những số liệu cập nhật tại Đại lục về số ca nhiễm, số ca tử vong, số ca bình phục … đều chỉ đến từ 1 nguồn là Uỷ ban Y tế Nhà nước Trung Quốc. Hiện chưa có nguồn độc lập nào khác có thể kiểm chứng số liệu, ngoài 1 vài mô hình nghiên cứu giả định con số thực tế có thể cao hơn con số được chính quyền Trung Quốc công bố.
Xem thêm:
- Trung Quốc nỗ lực biến hình thành “nhà lãnh đạo toàn cầu” trong dịch corona
- Dịch COVID-19 và cái giá của việc đánh đổi tự do
- Bác sĩ ghép thận Vũ Hán tử vong do Covid-19 nghi từng mổ cướp nội tạng
Thế giới
- Thế giới có thêm nhiều quốc gia, khu vực lần đầu tiên xác nhận có ca nhiễm COVID-19, bao gồm: Bhutan, Serbia, Vatican, Slovakia, Peru và Cameron. Như vậy trên toàn thế giới đã có 95 quốc gia và vùng lãnh thổ + 1 du thuyền có người bị nhiễm bệnh (châu Âu nhiều nhất với 44 nước); tổng số ca nhiễm đã vượt quá 100.000 ca.
- Iran ghi nhận số ca tăng lên trong ngày nhiều nhất từ khi công bố có dịch đến nay, với 1.234 ca nhiễm mới và 17 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 4.747 và tổng số ca tử vong lên 124. Đáng lưu ý, nước này ghi nhận thêm ca tử vong mới của nữ chính trị gia mới được bầu vào Quốc hội Iran.
- Hàn Quốc chiều 6/3 công bố tổng số ca nhiễm ở nước này lên đến 6.593 trường hợp, tăng 505 ca so với ngày trước đó. Thêm 2 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 42. Hàn Quốc cho biết hiện có thể xét nghiệm virus corona cho hơn 10.000 người mỗi ngày, có kết quả trong vài giờ với tỷ lệ chính xác hơn 90%. Tổ chức Tân Thiên Địa hôm 6/3 cho biết đã quyên góp khoảng 12 tỷ won (10,1 triệu USD) cho việc chống dịch COVID-19 nhưng đã bị chính phủ từ chối.
- Nhật Bản: số ca nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng nhanh với 50 ca nhiễm mới, mức tăng cao nhất trong một ngày kể từ khi dịch bệnh bắt đầu, nâng tổng số ca nhiễm lên 381. Một số chuyên gia đã cho rằng số ca nhiễm tại Nhật Bản có khả năng cao hơn nhiều so với con số trong báo cáo, với tỷ lệ lây nhiễm bị nghi ngờ chỉ là “phần nổi của tảng băng” do có nhiều người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ nên họ không đến phòng khám để được kiểm tra.
- Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã ra lệnh cách ly 2 tuần đối với những người đến từ Hàn Quốc, đồng thời cấm nhập cảnh đối với những người đến từ khu vực bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, bắt đầu từ ngày 7/3. Seoul ngay sau đó đã lên tiếng phản đối Nhật Bản về quyết định trên, gọi đây là quy định “vô lý, quá đáng và cực kỳ đáng tiếc”. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã triệu tập đại sứ Nhật vào ngày 6/3 để phản đối quyết định này.
- Malaysia ngày hôm nay có số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến với 28 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca ở nước này lên tới 83. Theo Bộ trưởng Y tế Malaysia, các ca nhiễm mới đều liên quan đến “bệnh nhân số 26” của nước này – cũng được coi là 1 trường hợp “siêu lây nhiễm”.
- Đức: số ca nhiễm tăng cao đột biến ở nước này, với 228 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 577. Hơn một nửa số ca nhiễm mới tập trung ở vùng phía tây của North Rhine-Westphalia, bang đông dân nhất của Đức. Sau ca nhiễm không rõ nguồn gốc đầu tiên được phát hiện ở North Rhine-Westphalia ngày 24/2, đến nay Đức đã trở thành ổ dịch lớn thứ 2 châu Âu sau Ý.
- Tây Ban Nha có tới 112 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 360 ca nhiễm và 5 ca tử vong.
- Hà Lan tăng tới 44 ca nhiễm mới lên tổng số 82 ca. Nước này cũng đã có ca tử vong đầu tiên do COVID-19.
- Bỉ có số ca nhiễm mới tăng kỷ lục, với 59 ca nhiễm mới, hơn gấp đôi trước đó, nâng tổng số ca nhiễm lên 109. Giới chức Bỉ cho rằng con số sẽ tiếp tục tăng thêm, hầu hết các bệnh nhân gần đây đã đi du lịch Ý.
- Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Séc đã phải lên tiếng kêu gọi Ủy ban Châu Âu “hãy tích cực hơn” trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus corona mới. Hiện Séc có tổng cộng 12 ca nhiễm, tăng 4 ca so với ngày trước đó.
- Mỹ đã có tổng cộng 233 ca nhiễm, tăng tới 73 ca so với trước đó. Tại bang New York, ước tính khoảng 1.000 người đã bị cách ly vì một luật sư nhiễm virus corona ở New York, bang này đã có tổng cộng 22 người đã nhiễm virus.
- Du thuyền Grand Princess: Giới chức y tế Mỹ đang tiến hành xét nghiệm gần 3.500 hành khách và thủy thủ trên du thuyền Grand Princess đang ở vịnh San Francisco sau khi một người từng đi tàu tử vong vì virus corona. Toàn bộ hơn 2.300 hành khách trên tàu đang được yêu cầu ở trong cabin của mình và chờ xét nghiệm. Đến nay đã có 3 hành khách từng đi tàu có kết quả dương tính với virus corona, trong đó một cụ ông 71 tuổi đã tử vong hôm 4/3 – là ca tử vong đầu tiên của Mỹ. Điều đáng lo ngại là đã có hàng nghìn hành khách đã lên bờ và tỏa đi khắp nơi khi tàu cập cảng ở San Francisco, bang California vào ngày 21/2. Hiện nhà chức trách Mỹ đang nỗ lực truy tìm khoảng 2.500 người trên toàn tiểu bang đã rời tàu và có thể mang theo mầm bệnh. Hiện bang Cali đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp hôm 4/3.
- Canada thông báo có ca công bố trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên ở Vancouver là một người phụ nữ không có tiền sử du lịch gần đây và không có liên hệ với bất kỳ bệnh nhân nào khác, làm dấy lên lo ngại sẽ có thêm nhiều ca nhiễm nữa được phát hiện.
- Vatican đã thông báo ca dương tính với virus corona chủng mới đầu tiên, bệnh nhân đang được điều trị tại phòng khám dành cho linh mục và nhân viên nhà thờ. [Thành Vatican là quốc gia có chủ quyền nằm trong lòng thành phố Roma của Ý với dân số khoảng 1.000 người, là quốc gia độc lập nhỏ nhất thế giới về diện tích và dân số.]
- New Zealand có thêm 2 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 4. Đáng lưu ý, ca nhiễm thứ 4 của nước này đã tham dự một buổi biểu diễn nhạc rock vào hôm 28/2 tại Auckland với hàng nghìn người khác.
- Ai Cập có 12 ca nhiễm mới đều được phát hiện trên du thuyền trong hành trình dọc theo sông Nile, nâng tổng số ca nhiễm lên 15.
- Nam Phi: sau khi ca nhiễm đầu tiên ở Nam Phi được phát hiện là một người vừa mới trở về từ Ý, Tổng thống Nam Phi cho biết nếu dịch bệnh bùng phát sẽ trở thành một cuộc khủng hoảng quốc gia ở Nam Phi.
Xem thêm:
- 34 năm sau thảm họa Chernobyl, lịch sử lặp lại trong Đại dịch COVID-19
- Tại sao Mỹ không tin các số liệu về dịch corona của Trung Quốc?
- Dịch corona: ĐCSTQ tiếp tục “bịt miệng” những tiếng nói bất đồng chính kiến
Việt Nam
- Chiều 6/3, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung quyết định cho học sinh THPT trở lại trường từ tuần sau, ngày 9/3, học sinh từ lớp 9 trở xuống nghỉ đến hết 15/3, còn đi học lại hay chưa thành phố sẽ quyết định vào ngày 13/3. Các trường cho học sinh học 1 buổi, không tổ chức dạy thêm, ngoại khoá. Phụ huynh chủ động cho con em ăn tại nhà, giảm tối đa hoạt động ăn uống tại trường, căng tin. Chủ tịch UBND Hà Nội cũng yêu cầu học sinh đi học trở lại bắt buộc đo thân nhiệt 2 lần, trước khi vào lớp và lúc ra về.
- Ngày 6/3, UBND TP.HCM quyết định cho học sinh lớp 12 đi học lại vào ngày 9/3, từ lớp 11 trở xuống từ 16/3.
- Ngày 6/3, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm đã yêu cầu các đơn vị điều tra tất cả những người đã tiếp xúc, bay cùng chuyến với du khách Nhật nhiễm COVID-19 để cách ly, theo dõi sức khỏe. UBND TP.HCM cũng yêu cầu toàn bộ khu vực có người từng tiếp xúc với trường hợp nhiễm COVID-19 nói trên phải được khử trùng để ngăn ngừa lây lan.
- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương ngày 6/3 cho biết 5 người ở Vĩnh Phúc và một người Thanh Hóa đã khỏi COVID-19 đã được lấy mẫu xét nghiệm lại. Kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm cả 6 người đều âm tính.
- Ngày 6/3, Chính phủ cho biết sẽ tung gói tín dụng 250.000 tỷ đồng và gói tài khóa 30.000 tỷ cùng nhiều biện pháp khác để giúp doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng do dịch COVID-19.
- Từ 6h sáng 7/3, mọi hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc.
(tiếp tục cập nhật)
Bảo Minh (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa virus corona cập nhật virus corona COVID-19