Mỗi khi mùa hè đến, dứa – loại quả nhiệt đới quen thuộc – lại trở thành lựa chọn yêu thích của nhiều gia đình. Không chỉ thơm ngon, dễ chế biến, trái dứa còn được đánh giá cao về mặt dinh dưỡng và có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, để ăn dứa một cách hợp lý và an toàn, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề quan trọng.

lợi ích sức khỏe của quả dứa
(Ảnh: Kotcha K/Shutterstock)

Nhiều lợi ích sức khỏe từ trái dứa

Dứa (thơm, khóm), tên khoa học Ananas comosus, là loại quả giàu nước, chứa nhiều vitamin và enzyme tiêu hóa tự nhiên.

1. Giải nhiệt, thanh nhiệt – lợi tiểu

Dứa có hàm lượng nước cao (~86%) và chứa nhiều enzyme tiêu hóa như bromelain, giúp hỗ trợ phân giải protein, làm mát cơ thể và thúc đẩy tiêu hóa sau các bữa ăn dầu mỡ mùa hè. Hàm lượng nước cao cũng có tác dụng lợi tiểu nhẹ, đào thải độc tố, rất phù hợp trong thời tiết oi bức.

2. Tăng cường miễn dịch

Dứa giàu vitamin C, giúp hỗ trợ tăng sức đề kháng, chống viêm và nhiễm khuẩn thường gặp vào mùa hè. Chỉ 100g thịt dứa (tương đương một miếng dứa 5-6cm cắt dày) đã cung cấp khoảng 50% vitamin C theo nhu cầu khuyến nghị mỗi ngày cho người trưởng thành.

3. Chống oxy hóa – đẹp da

Các hợp chất như flavonoid, acid phenolic, cùng vitamin C trong trái dứa giúp chống lão hóa, làm sáng da, đặc biệt hữu ích khi da dễ sạm nắng vào mùa hè.

4. Giảm viêm và hỗ trợ phục hồi cơ bắp

Thành phần nổi bật trong trái dứa – bromelain có tác dụng giảm viêm, đã được chứng minh là có ích trong phục hồi cơ bắp sau vận động, cũng như giúp làm dịu các triệu chứng sưng viêm mô mềm. Nhờ vậy, loại quả nhiệt đới này đặc biệt phù hợp với những người có hoạt động thể lực mạnh trong mùa hè nắng nóng.

5. Cải thiện sức khỏe tinh thần

Dứa có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần bằng cách giảm lo âu và cải thiện tâm trạng nhờ chứa tryptophan và magnesium. Cả hai đều được biết đến với khả năng làm tăng sản xuất serotonin – hợp chất giúp cải thiện tâm trạng. Những người bị trầm cảm và lo âu có thể bổ sung dứa vào khẩu phần ăn uống hàng ngày.

6. Tốt cho tim mạch

Hàm lượng chất xơ và potassium (kali) dồi dào trong trái dứa giúp duy trì sức khỏe tim mạch bằng cách giảm nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ. Kali rất quan trọng trong việc điều chỉnh huyết áp, và chất xơ giúp giảm mức cholesterol.

Các món ăn từ trái dứa phù hợp cho mùa hè

Dứa có thể được sử dụng linh hoạt trong nhiều món ăn giải nhiệt, từ món mặn đến món tráng miệng. Một số món ăn thơm ngon, hấp dẫn từ trái dứa bao gồm:

  • Canh chua dứa nấu cá: Vị chua dịu của dứa giúp kích thích tiêu hóa, làm dịu vị tanh của cá, thích hợp dùng trong các bữa cơm mùa nắng nóng.
r shutterstock 1256034016
(Ảnh: Shutterstock)
  • Sinh tố dứa, chanh dây và chuối: Giàu vitamin C và kali, cung cấp năng lượng tự nhiên, rất phù hợp cho trẻ em và người luyện tập thể thao.
  • Gà rim dứa hoặc thịt xào dứa: Dứa giúp làm mềm thịt, tăng hương vị và hỗ trợ tiêu hóa món ăn chứa đạm.
  • Nước ép dứa cùng bạc hà hoặc muối hồng: Có thể giúp giải khát, cung cấp điện giải nhẹ, làm dịu cơ thể khi trời oi bức.
  • Ngoài ra, dứa còn có thể kết hợp trong các món cháo, salad hoặc sấy khô làm món ăn vặt lành mạnh.

Không phải ai cũng nên ăn dứa

Mặc dù trái dứa là loại quả tốt cho sức khỏe, một số nhóm đối tượng sau đây nên thận trọng hoặc hạn chế sử dụng:

  • Người có cơ địa dị ứng: Dứa chứa bromelain và serotonin có thể gây phản ứng ngứa môi, rát miệng, nổi mẩn da hoặc mề đay ở người nhạy cảm.
  • Người viêm loét dạ dày – tá tràng: Do dứa có tính acid cao, ăn khi đói hoặc ăn quá nhiều có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày.
  • Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu: Một số tài liệu y học cổ truyền cho rằng dứa có tính hoạt huyết nhẹ, cần cân nhắc kỹ trước khi sử dụng, đặc biệt ở người có tiền sử động thai hoặc dọa sảy.
  • Người đang dùng thuốc chống đông máu: Bromelain có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu, cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang điều trị với các thuốc như warfarin, aspirin liều cao.

Cách bảo quản và ăn dứa an toàn

Để tránh cảm giác rát lưỡi hoặc phản ứng nhẹ sau khi ăn, nên ngâm dứa đã gọt vào nước muối loãng khoảng 5–10 phút trước khi chế biến hoặc ăn trực tiếp. Không nên ăn dứa khi đói hoặc ăn số lượng lớn trong một lần vì nguy cơ làm tăng đường huyết.

Ưu tiên chọn trái dứa chín tự nhiên, tránh dùng trái dứa còn xanh vì có thể chứa nhiều acid và enzym chưa chuyển hóa hết, dễ gây khó chịu cho đường tiêu hóa.

Ngoài ra, nên gọt sạch phần mắt dứa trước khi ăn. Mắt dứa không độc nhưng chứa nhiều acid hữu cơ (như acid oxalic) và enzym bromelain ở nồng độ cao gây kích thích niêm mạc miệng. Do rất xơ và dai, nên ăn nhiều mắt dứa sẽ gây khó tiêu, nhất là ở người lớn tuổi hoặc hệ tiêu hóa yếu. Thêm nữa, mắt dứa có thể là nơi tích tụ các chất tồn dư (thuốc trừ sâu, bụi bẩn) và các lại nấm men (nấm Candida,…) nếu không được rửa sạch kỹ.

Dưới đây là một vài lưu ý giúp bảo quản dứa được tươi ngon, tránh hư hỏng trong mùa nóng:

1. Bảo quản dứa nguyên trái

Ở nhiệt độ phòng:

  • Trái dứa chưa chín hoàn toàn có thể để ở nơi khô ráo, thoáng mát trong 1–2 ngày để chín tự nhiên.
  • Tránh ánh nắng trực tiếp hoặc nơi quá nóng vì dễ làm dứa hỏng nhanh, lên men.

Trong tủ lạnh:

  • Trái dứa đã chín nên bọc kín bằng túi giấy hoặc bọc thực phẩm, sau đó để vào ngăn mát tủ lạnh.
  • Bảo quản nguyên trái trong tủ lạnh sẽ giữ được độ tươi khoảng 3–5 ngày.

2. Bảo quản dứa sau khi gọt vỏ, cắt lát

Ngắn hạn (dưới 3 ngày):

  • Đặt dứa đã cắt lát vào hộp thủy tinh hoặc hộp nhựa kín, giữ trong ngăn mát tủ lạnh.
  • Có thể thêm vài giọt nước cốt chanh để giữ màu sắc tươi sáng và hạn chế oxy hóa.

Dài hạn (trên 1 tuần):

  • Cắt dứa thành miếng nhỏ, trải ra khay cho đông riêng rẽ từng miếng (flash freeze), sau đó cho vào túi zip hoặc hộp chuyên dụng.
  • Bảo quản trong ngăn đá có thể giữ được từ 2 đến 3 tháng mà vẫn giữ vị ngon, phù hợp dùng làm sinh tố, nấu ăn.

Một số lưu ý khác

  • Không nên để dứa đã cắt ngoài không khí quá lâu vì dễ bị lên men, mất chất, và có thể gây đau bụng khi ăn.
  • Không đặt dứa cạnh chuối hoặc táo (trong môi trường kín) vì các loại quả này thải ra ethylene – một khí thúc đẩy chín nhanh, có thể khiến dứa bị úng hoặc mềm quá sớm.
  • Dứa nếu có mùi lên men hoặc chảy nước, phần thịt bị mềm nhũn thì không nên sử dụng nữa.

Lời kết

Dứa là món quà quý giá từ thiên nhiên trong những ngày nắng nóng. Việc sử dụng đúng cách sẽ giúp tận dụng được giá trị dinh dưỡng và lợi ích sức khỏe từ loại quả này. Tuy nhiên, cần lưu ý đến thể trạng cá nhân và các bệnh lý kèm theo để sử dụng an toàn và hiệu quả.

Ths.BS Lê Huyền Nhi