COVID-19: Nghiên cứu về khác biệt giữa nam và nữ
- Hoàn Nguyên
- •
Một nghiên cứu gần đây của nhóm nghiên cứu Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán phát hiện, biểu hiện nhiễm virus corona mới (COVID-19) ở phụ nữ khác với nam giới, ngoài triệu chứng nhẹ hơn thì thời gian ủ bệnh cũng kéo dài hơn. Nghiên cứu cho rằng có thể bẩm sinh phụ nữ có khả năng miễn dịch chống virus mạnh hơn nam giới, vì vậy thời gian cách ly đối với phụ nữ nên dài hơn 14 ngày.
Gần đây, nhiều cơ quan truyền thông của nhà nước Trung Quốc đưa tin về một nghiên cứu liên quan đến khác biệt giới tính trong truyền nhiễm COVID-19, theo đó một nghiên cứu công bố hôm 3/8 của nhóm nghiên cứu Bệnh viện Nhân dân Đại học Vũ Hán có tên “Phái nữ có thể đóng vai trò trầm trọng hơn nam giới trong việc truyền bệnh virus corona mới vào năm 2019 (COVID-19, thường được gọi là ‘viêm phổi Vũ Hán’)”, đã công bố dưới dạng “tham khảo trước” (SSRN) của tạp chí khoa học y khoa The Lancet (Preprints with The Lancet). Đây là nghiên cứu đầu tiên phân tích về tính đặc thù của phụ nữ bị nhiễm COVID-19.
Thông tin cho biết, dựa trên kết quả nghiên cứu, nhóm nghiên cứu kêu gọi Trung Quốc, cũng như các quốc gia hoặc khu vực khác trên thế giới, nên sớm áp dụng biện pháp kiểm soát dịch bệnh khác biệt giữa nam và nữ. Ví dụ, trong quá trình sàng lọc, nên trực tiếp xét nghiệm axit nucleic đối với phụ nữ có lịch sử tiếp xúc rõ ràng. Ngoài ra, thời gian cách ly theo dõi y tế nên dài hơn 14 ngày, bất kể người phụ nữ có triệu chứng hay không.
Nghiên cứu chỉ ra, thông thường phụ nữ có xu hướng sản sinh phản ứng miễn dịch mạnh hơn, điều này sẽ giúp họ thoát khỏi cảm nhiễm nhanh hơn và giảm bớt nguy cơ bệnh tiếp tục phát triển, nhưng trường hợp nhiễm COVID-19 thì virus sẽ không ngừng đối kháng với hệ thống miễn dịch của cơ thể, vì vậy khi virus chưa thể thắng được hệ thống miễn dịch cơ thể thì cơ thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào của bệnh, đây chính là thời kỳ ủ bệnh.
Các tác giả của nghiên cứu chỉ ra rằng, “Khi khả năng miễn dịch của cơ thể có thể chống lại virus trong thời gian dài hơn, nhưng lại không thể tiêu diệt được virus, khiến thời gian ủ bệnh lâu hơn”.
Thông tin cảnh báo, tình trạng khởi phát không có triệu chứng ở phụ nữ và thời gian ủ bệnh dài, chắc chắn sẽ có tác động quan trọng đến truyền nhiễm virus. Ví dụ, phụ nữ bị nhiễm bệnh nhưng không có triệu chứng nên không biết và dễ dàng truyền bệnh cho người khác; hoặc họ có thể vượt qua vòng chẩn đoán khi hết thời hạn cách ly, trở thành nguồn lây lan virus mà không hay.
Nghiên cứu còn chỉ ra về tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 là nữ giới sẽ tăng dần so với nam giới (ban đầu gần tương đồng), vì trong quá trình dịch bệnh phát triển, nhiều bệnh nhân nữ có thời gian ủ bệnh dài sẽ được chẩn đoán phát hiện. Điều đáng chú ý là nam giới khi nhiễm COVID-19 có các triệu chứng nghiêm trọng hơn nữ giới, điều này có thể được quy cho khả năng miễn dịch chống virus mạnh hơn của phái nữ.
Ngoài ra cũng có những thông tin cập nhật từ truyền thông Trung Quốc cho thấy thời gian ủ bệnh của người bệnh COVID-19 có thể kéo dài hơn so với cảnh báo ban đầu. Ví dụ, tài khoản WeChat của Nhật báo Hồ Bắc đã đưa tin một người đàn ông 70 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc bị chẩn đoán nhiễm COVID-19 vào ngày 20/2, ông bị nhiễm từ một người thân vào ngày 24/1 nhưng cho đến ngày 19/2 mới phát bệnh, như vậy thời gian ủ bệnh lên đến 27 ngày (thông tin này cũng được dẫn lại trên trang của Liên Hiệp Quốc).
Hoàn Nguyên
Xem thêm:
Từ khóa Nghiên cứu virus corona viêm phổi Vũ Hán 2019-nCoV COVID-19 Thời gian ủ bệnh SARS-CoV-2