Các triệu chứng ban đầu của bệnh tim thường mơ hồ và dễ bị nhầm lẫn với các tình trạng sức khỏe khác. Tuy nhiên, việc nhận biết các dấu hiệu này kịp thời có thể giúp cứu sống bạn.

Bằng cách kết hợp một số biện pháp phòng ngừa vào thói quen hàng ngày, mọi người có thể giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim.

Benh tim
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Nhận biết các triệu chứng sớm

Tim hoạt động liên tục, bơm máu đến mọi bộ phận của cơ thể. Khi chức năng tim bị suy yếu, tim sẽ phát ra các tín hiệu mà những tín hiệu này lại dễ bị bỏ qua hoặc hiểu lầm. Do đó, điều quan trọng là phải nhận biết được các dấu hiệu tiềm ẩn của bệnh tim. Nếu bạn hoặc người quen của bạn gặp phải các triệu chứng này thì cần phải tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.

Mệt mỏi dai dẳng

Sarah, một bà mẹ 45 tuổi có 2 con, rất thích đi bộ buổi sáng. Gần đây, cô bắt đầu bị mệt mỏi liên tục và không thuyên giảm sau khi đã được nghỉ ngơi. Ban đầu, cô cho rằng nguyên nhân là do căng thẳng hoặc thiếu ngủ, nhưng mệt mỏi dai dẳng có thể là dấu hiệu sớm của tình trạng suy giảm chức năng tim, đặc biệt là khi tình trạng này xảy ra mà không cần gắng sức nhiều.

Khó thở sau khi hoạt động nhẹ

Khi tim không thể bơm máu hiệu quả thì hiện tượng khó thở có thể xảy ra ngay cả sau khi chỉ hoạt động nhẹ. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh tim, cho thấy tim đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Khó tiêu hoặc đau dạ dày tái phát không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ các vấn đề về khẩu phần ăn uống; đôi khi, căn bệnh này có thể liên quan đến bệnh tim. Các triệu chứng tiêu hóa này trở nên đáng lo ngại hơn khi đi kèm với các dấu hiệu cảnh báo khác, khi đó cần phải có các đánh giá y tế thêm.

Đau không điển hình

Mark, một giáo viên 60 tuổi, bị đau dai dẳng ở cổ và vai, mà ông cho là do vấn đề về tư thế. Tuy nhiên, những triệu chứng này lại là các dấu hiệu cảnh báo cho các vấn đề về tim. Đau ở những vùng không điển hình của cơn nhồi máu cơ tim, chẳng hạn như cổ, cánh tay hoặc giữa hai bả vai, thường bị hiểu sai, đặc biệt là ở phụ nữ. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ bị nhồi máu cơ tim cấp tính có nhiều khả năng bị đau hoặc khó chịu ở những vùng này hơn nam giới.

Ngưng thở khi ngủ

Việc gián đoạn hoặc thở không đều trong khi ngủ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn có liên quan đến nguy cơ tăng huyết áp, tai biến mạch máu não và bệnh động mạch vành cao hơn. Ngoài ra, ngưng thở khi ngủ có thể khiến tim phải làm việc nhiều hơn do lượng oxy thấp, dẫn đến các vấn đề về cách tim bên trái thư giãn giữa các nhịp đập, một tình trạng được gọi là rối loạn chức năng tâm trương thất trái, làm tăng khả năng suy tim. Việc giải quyết chứng ngưng thở khi ngủ rất quan trọng trong việc giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Mệt mỏi và chóng mặt

Cảm giác mệt mỏi và chóng mặt đột ngột có thể cho thấy tim cung cấp máu không hiệu quả, đây có thể là dấu hiệu sớm của các vấn đề về tim. Theo Hiệp hội Tai biến mạch máu não Hoa Kỳ, các tình trạng như rung nhĩ, bệnh cơ tim hoặc một số loại tai biến mạch máu não có thể gây chóng mặt hoặc choáng váng.

Rối loạn nhịp tim

Nhịp tim bất thường – cho dù quá nhanh, quá chậm hay không đều – cũng đều có thể là dấu hiệu cảnh báo cho các vấn đề tiềm ẩn về tim.

Bàn chân hoặc chân bị sưng

Bàn chân, mắt cá chân hoặc chân bị sưng do tích tụ chất lỏng có thể là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh tim. Khi chức năng tim bị suy yếu, máu có thể tích tụ ở một số vùng nhất định, làm tăng huyết áp và gây rò rỉ dịch vào các mô xung quanh. Điều này có thể dẫn đến phù nề ở chân, tay hoặc bụng.

Đổ mồ hôi quá nhiều

Đổ mồ hôi quá nhiều mà không có bất kỳ hoạt động thể chất nào có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của vấn đề về tim, chẳng hạn như nhồi máu cơ tim hoặc bệnh tim. Điều này xảy ra vì tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, kích hoạt phản ứng căng thẳng của cơ thể, dẫn đến gây ra đổ mồ hôi.

Nếu đổ mồ hôi xảy ra cùng với các triệu chứng khác như đau ngực, khó thở hoặc mệt mỏi thì phải tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức. Việc đổ mồ hôi bất thường này là cách cơ thể báo hiệu rằng có điều gì đó không ổn với tim.

Các bước chính để phòng ngừa bệnh tim

Theo Trường Y tế Công cộng T.H. Chan thuộc đại học Harvard, việc áp dụng 5 cách thay đổi lối sống sau đây có thể làm giảm đáng kể các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

1. Không hút thuốc

Hút thuốc không chỉ làm tăng tốc độ lão hóa và gây hại cho hệ hô hấp mà còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Tránh xa mọi hình thức sử dụng thuốc lá là điều rất quan trọng để duy trì sức khỏe tốt.

Mặc dù việc cai thuốc lá có thể khó khăn do nghiện nicotine, nhưng nhiều người hút thuốc đã thực hiện thành công thay đổi này.

2. Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Thừa cân hoặc có vòng eo lớn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Một nghiên cứu liên quan đến hơn 1 triệu phụ nữ đã phát hiện ra rằng chỉ số khối cơ thể (BMI) là một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh động mạch vành. Nghiên cứu cho thấy cứ mỗi 5 kg/m² (khoảng 1,024 lbs/ft²) BMI tăng thì nguy cơ mắc bệnh động mạch vành tăng 23%.

Công thức tính BMI là cân nặng (hoặc tính bằng kilôgam) chia cho bình phương chiều cao (hoặc tính bằng mét). Ngoài ra, bạn có thể dùng máy tính Chỉ số khối cơ thể (BMI) trực tuyến hoặc bảng Chỉ số khối cơ thể (BMI) để xác định BMI của mình. BMI khỏe mạnh nằm trong khoảng từ 18,5 đến 24,9.

Chu vi vòng eo có thể là một chỉ số hiệu quả hơn về nguy cơ sức khỏe so với BMI vì chỉ số này đo trực tiếp lượng mỡ bụng, có liên quan đến nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe cao hơn như bệnh tim, tiểu đường và tai biến mạch máu não.

BMI chỉ đo tổng trọng lượng cơ thể theo chiều cao, nhưng không phân biệt giữa mỡ và cơ hoặc chỉ ra nơi lưu trữ mỡ. Lượng mỡ thừa quanh eo, đặc biệt là mỡ nội tạng, nguy hiểm hơn mỡ ở các vùng khác trên cơ thể, khiến chu vi vòng eo trở thành thước đo rủi ro sức khỏe có mục tiêu hơn. Một nghiên cứu cho thấy, béo bụng có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng 13%. Theo thông số tham khảo thì chu vi vòng eo khỏe mạnh không được quá 94 cm (khoảng 37 inch) đối với nam giới và không quá 80 cm (khoảng 31,5 inch) đối với nữ giới.

3. Tập thể dục thường xuyên

Hoạt động thể chất thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim, tai biến mạch máu não, tiểu đường, huyết áp cao và các bệnh mạn tính khác.

Không cần phải tập luyện cường độ cao; ngay cả các hoạt động đơn giản như đi bộ nhanh cũng có thể mang lại lợi ích đáng kể cho sức khỏe. Ngược lại, lối sống ít vận động có thể có tác dụng ngược lại, có khả năng làm tăng nguy cơ béo phì và một số bệnh mãn tính. Nghiên cứu trước đây đã cho thấy rằng, ngồi lâu có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.

4. Thực hiện liệu pháp ăn uống lành mạnh

Khẩu phần ăn uống tối ưu để ngăn ngừa bệnh tim tập trung vào việc tiêu thụ nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, cá, gia cầm và dầu thực vật. Nên tiêu thụ rượu ở mức độ vừa phải, trong khi thịt đỏ, thịt chế biến, carbohydrate tinh chế, đường bổ sung, natri và chất béo chuyển hóa cần phải được hạn chế. Một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng việc thực hiện công thức ăn uống này có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành tới 31% và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tới 33%.

Một thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên khác, với thời gian theo dõi là 4,8 năm, cho thấy việc áp dụng công thức ăn Địa Trung Hải bổ sung thêm dầu ô liu nguyên chất hoặc các loại hạt – cả 2 đều giàu chất béo không bão hòa – làm giảm đáng kể khả năng mắc các biến cố tim mạch lớn ở những nhóm dân số có nguy cơ cao. 

Nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tuân thủ các công thức ăn uống như vậy có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành.

5. Cải thiện sức khỏe giấc ngủ

Giấc ngủ rất cần thiết cho sức khỏe tim mạch. Nghiên cứu đã cho thấy rằng ngủ không đủ giấc là yếu tố nguy cơ chính gây bệnh tim đồng thời ảnh hưởng xấu đến các yếu tố nguy cơ khác liên quan đến tim, bao gồm khẩu phần ăn uống, hoạt động thể chất, cân nặng, tình trạng viêm và huyết áp.

Áp dụng thói quen ngủ tốt hơn có thể cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ. Các hoạt động thư giãn như kéo giãn cơ, thiền trước khi đi ngủ, tập thể dục thường xuyên, tránh xa các thiết bị điện tử ít nhất 1 giờ trước khi ngủ, tránh xa caffeine, rượu và các bữa ăn thịnh soạn vào buổi tối đều có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Nghiên cứu đã chứng minh rằng 5 thói quen này có thể giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim. Thực hiện lối sống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch hơn 80% và nguy cơ đột tử do tim xuống 92%.

Tiến sĩ Y khoa Dương Cảnh Đoan/The Epoch Times
Khánh Ngọc biên dịch

Xem thêm: