Người xưa nói: “Mùa hè ăn gừng”, bởi vì mùa hè nóng bức, dương khí phát tán ra bên ngoài, lượng dương khí bảo vệ vùng trung và hạ tiêu bị giảm đi. Việc ăn một ít gừng có thể tránh được ảnh hưởng của đồ uống lạnh và thức ăn lạnh đến dạ dày.

tra gung mat ong
Việc ăn một ít gừng có thể tránh được ảnh hưởng của đồ uống lạnh và thức ăn lạnh đến dạ dày. (Ảnh: Shutterstock)

Đồ ăn uống lạnh ảnh hưởng của  đến cơ thể như thế nào?

2 loại đồ ăn uống lạnh chính

Đồ ăn uống lạnh được chia thành hai loại chính : một là “lạnh về nhiệt độ”, hai là “lạnh về tính chất”.

Lạnh về nhiệt độ dễ hiểu hơn, ví dụ như nước đá. Nước rất quan trọng đối với cơ thể con người và không có tính chất đặc biệt nào, vì vậy bản thân nước không phải là vấn đề, mà vấn đề nằm ở nhiệt độ quá thấp của nước đá. Khi những thứ lạnh như vậy đi vào đường tiêu hóa, cơ thể cần tiêu hao rất nhiều năng lượng để điều chỉnh lại nhiệt độ của đường tiêu hóa. Theo quan điểm Trung y, điều này tạm thời làm tổn hao vị khí, làm giảm nhiệt lượng từ tim chuyển sang tiểu trường.

Nếu cơ thể bạn khỏe mạnh, vị khí dồi dào, sự tổn hao này có thể không đáng kể và có thể hồi phục sau khi nghỉ ngơi. Nhưng nếu bạn không khỏe mạnh, hoặc thường xuyên tiêu hao như vậy, thì vị khí sẽ giảm đáng kể, dẫn đến tiểu trường thiếu nhiệt. Khi đó, các cơ quan ở trung và hạ tiêu, vốn được tiểu trường làm ấm, cũng sẽ suy giảm chức năng, gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe, như tử cung bị hàn dẫn đến u xơ, hoặc tuyến tiền liệt bị hàn dẫn đến phì đại, v.v.

Một số người thắc mắc rằng, những đánh giá tiêu cực về nước đá dường như chỉ xuất hiện trong văn hóa của người Hoa. Trong khi đó, nhiều người phương Tây, đặc biệt là người Mỹ, rất thích uống nước đá, nhưng tại sao họ lại không có nhiều vấn đề sức khỏe như vậy ?

Thực tế, đây là một sự hiểu lầm. Người Mỹ đúng là uống nhiều đồ lạnh mỗi ngày, thậm chí uống nước đầy đá trong ba bữa ăn. Tuy nhiên, người Mỹ lại phổ biến mắc bệnh béo phì nghiêm trọng, đồng thời quá trình lão hóa diễn ra rất nhanh. Nhiều người Mỹ bạn nghĩ là bảy tám mươi tuổi, nhưng thực ra có thể trẻ hơn bạn.

Mặt khác, những người Mỹ thực sự chú trọng đến thể lực lại rất cẩn thận trong ăn uống. Tôi là một huấn luyện viên lặn được Hiệp hội Chuyên gia Lặn Biển (PADI) chứng nhận và cũng đam mê leo núi, đồng thời có nhiều bạn bè và bệnh nhân ở trình độ vận động viên Olympic. Trong các nhóm người thường xuyên vận động này, rất ít người ăn đồ ăn vặt, ít người phơi mình trong gió lạnh, và ngày càng nhiều người bắt đầu tránh uống nước đá. Họ có thể tự cảm nhận rằng việc giảm thiểu tiêu hao thể lực sẽ giúp họ có thêm năng lượng để thể hiện trong các môn thể thao.

Nếu cách giải thích trên bạn vẫn chưa hiểu, vậy hãy cùng làm một thí nghiệm đơn giản: Ngâm mình trong một bồn nước nóng thật nóng, đồng thời uống một cốc nước đá thật lạnh, xem bạn cảm thấy thế nào.

Dù bạn có khỏe mạnh đến đâu, tôi đảm bảo rằng bạn sẽ lập tức cảm thấy khó chịu ở dạ dày và toàn thân không thoải mái. Điều này chẳng phải rất kỳ lạ sao? Rõ ràng cơ thể được ngâm trong nước nóng ấm áp, uống nước lạnh để hạ nhiệt đáng lẽ phải rất dễ chịu, nhưng tại sao ngược lại gây khó chịu? Lý do là, bất kể bạn khỏe mạnh hay vị khí mạnh mẽ đến đâu, khi cơ thể ngâm trong nước nóng rất nóng, một lượng lớn dương khí sẽ di chuyển ra bề mặt cơ thể và phát tán ra ngoài. Lúc này, lượng dương khí bảo vệ dạ dày và các cơ quan nội tạng khác sẽ giảm mạnh. Trong tình trạng này mà uống một cốc nước đá thật lạnh, đương nhiên bạn sẽ cảm nhận được cảm giác lạnh làm tổn thương dạ dày.

Đây cũng chính là lý do vì sao người xưa nói “Mùa hè ăn gừng”. Vì mùa hè nóng bức, dương khí phát tán ra ngoài, lượng dương khí bảo vệ vùng trung và hạ tiêu bị giảm, nên ăn một ít gừng có thể giúp giảm bớt ảnh hưởng của đồ uống lạnh và thức ăn lạnh lên dạ dày.

Loại đồ ăn uống lạnh thứ 2 là “tính lạnh”.

Y học phương Tây thường tập trung nghiên cứu tác động của các thành phần hóa học cụ thể lên cơ thể, nên nghiên cứu về tính “hàn – nhiệt” của thực phẩm hoặc thảo dược ít hơn. Vì trừ những dược liệu Trung y có tính rất nóng hoặc rất lạnh như phụ tử, thạch cao, thì ảnh hưởng của tính hàn – nhiệt trong thực phẩm thông thường lên cơ thể không dễ nhận thấy trong thời gian ngắn mà biểu hiện ra được. Chính vì ảnh hưởng của tính chất lạnh lên cơ thể không nhanh chóng biểu hiện như nhiệt độ lạnh, nên thông thường, nếu bạn không ăn quá nhiều và khi chú trọng đến phối hợp với các loại thực phẩm khác trong chế độ ăn, vấn đề sẽ không quá nghiêm trọng.

Tuy nhiên, nếu ăn thực phẩm có tính chất lạnh trong thời gian dài, thì không thể giống như thực phẩm có nhiệt độ lạnh, chỉ dựa vào cơ thể khỏe mạnh và vị khí mạnh để hóa giải. Tác động của chúng thường kéo dài và sâu hơn, đặc biệt là khi hàn thấp tích tụ qua nhiều năm, rất khó để cải thiện. Ví dụ, khi bị cảm, nhiều người uống siro trị cảm hoặc, như ở Trung Quốc, phổ biến là uống thuốc bột cam thảo bản lam căn, được cho là có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm. Kết quả là cảm giác khó chịu ở cổ họng có vẻ thuyên giảm, nhưng cơ thể lại trở nên hàn hơn. Đến mùa cảm cúm tiếp theo, những người này chắc chắn sẽ không vắng mặt trong danh sách bị bệnh.

Quay lại với chủ đề kiến thức Trung y trong việc nuôi dạy con cái. Cuộc sống hiện đại có quá nhiều cám dỗ từ đồ ăn thức uống lạnh: nước đá, trà sữa trân châu, kem, nước ngọt, thậm chí là những thứ mà ngay cả người lớn cũng lầm tưởng là tốt cho sức khỏe như nước ép rau củ tươi hay salad rau sống. Trẻ em rất dễ bị dẫn dắt vào những thói quen ăn uống không lành mạnh. Cha mẹ cần sớm dành thời gian và công sức để dạy bảo cho con cái những quan niệm đúng đắn, hướng dẫn chúng đi đúng hướng trước khi thói quen ăn uống của trẻ hoàn toàn hình thành.

Tất nhiên, ngay cả những loại thực phẩm lạnh ở mức độ “đồ ăn vặt” cũng khó có thể hoàn toàn tránh được trong đời sống hằng ngày. Rốt cuộc, ngay cả người lớn cũng đôi lúc thèm thuồng, huống chi là trẻ con? Vì vậy, việc “nới lỏng” thích hợp, thỉnh thoảng cho phép trẻ tận hưởng cảm giác thỏa mãn cơn thèm cũng không có vấn đề gì. Miễn là trẻ hiểu được tác hại của đồ ăn uống lạnh, biết kiểm soát và dừng lại đúng lúc, cha mẹ cũng không cần thiết phải tranh cãi với con cái mỗi lần, tránh làm tổn hại mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái.

Bài viết này được trích từ ‘Kiến thức y học cổ truyền Trung Quốc cần thiết để nuôi dạy con cái: Các bác sĩ nổi tiếng giải đáp thắc mắc của cha mẹ để giúp con họ phát triển khỏe mạnh’, được ủy quyền bởi Nhà xuất bản Fangzhi.

Lâm Mộc biên dịch
Theo The Epoch Times