Dùng đũa không đúng cách có thể gây bệnh ung thư gan
- Thanh Xuân
- •
Đối với người Việt Nam, đũa chính là đồ dùng thiết yếu không thể thiếu trong mỗi bữa ăn. Nhiều người thường thích sử dụng đũa làm bằng tre hoặc gỗ. Mặc dù đây là những chất liệu tự nhiên tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, nếu không chú ý sử dụng đũa đúng cách thì chúng có thể tích tụ vi khuẩn và dẫn đến bệnh ung thư gan.
Theo kết quả điều tra về tình hình ung thư ở trên thế giới năm 2012, ung thư gan đứng thứ 7 trong 10 bệnh ung thư phổ biến với tỷ lệ mắc là 10,1% và tỷ lệ tử vong là 9,5%. Tại Việt Nam, ung thư gan gặp khá nhiều, đứng hàng thứ 2 trong 10 bệnh ung thư phổ biến, chỉ sau ung thư phổi, tỷ lệ mắc bệnh lên đến 24,6% và tỷ lệ tử vong là 23,7%.
Nghiên cứu cho thấy, trong đũa mốc có sản sinh ra “aflatoxin”, chất này đã được xác nhận có thể gây ung thư gan. Do đó, để hạn chế tác nhân dẫn đến mắc bệnh ung thư gan cũng như một số bệnh về tiêu hóa khác, chúng ta nên lưu ý cách sử dụng đũa ăn sao cho đúng.
Không nên dùng đũa trong thời gian quá lâu
Nếu dùng đũa quá thời gian cho phép có thể sinh ra nhiều loại nấm mốc gây các bệnh đường tiêu hóa, đặc biệt là chất aflatoxin gây ung thư gan. Thêm nữa, khi đũa bị sử dụng và rửa đi rửa lại quá nhiều lần thì còn tích tụ và khiến nhiều loại vi khuẩn như vi khuẩn tụ cầu vàng, E.Coli hay nấm Aspergillus flavus sinh sôi phát triển, gây hại cho sức khỏe.
Do đó, nếu phát hiện ra đũa bị nấm mốc, đổi màu sắc hay có mùi hắc thì cần phải kịp thời thay thế. Tốt nhất là thay đũa mới thường xuyên trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng, để tránh cho vi khuẩn hay nấm mốc có môi trường trú ngụ.
Vệ sinh đũa như thế nào cho đúng cách?
Không ít người cho rằng, đũa đều được sửa sạch sau mỗi bữa ăn thì đâu có điều gì cần phải lo lắng. Tuy nhiên, Hiệp hội Bao bì Thực phẩm Quốc tế đã từng đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng rằng, việc sử dụng và vệ sinh đũa không đúng cách sẽ mang đến nguy cơ cho sức khỏe. Theo Hội Khoa học Tiêu hóa Việt Nam, trên 80% dân số nước ta bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Vi khuẩn này gây ra khá nhiều bệnh như rối loạn tiêu hóa, viêm dạ dày, loét dạ dày – tá tràng. Vi khuẩn H. pylori lan truyền chủ yếu qua ăn uống, mà đũa là một trong những tác nhân lan truyền chính. Vậy làm thế nào để có thể giữ vệ sinh đũa cho đúng cách?
Cách rửa đũa mới mua: Đũa mới trong quá trình sản xuất hoàn toàn có thể nhiễm các loại vi trùng hay chất hóa học, do đó nếu chỉ dùng chất tẩy rửa bát và nước thông thường để rửa đũa mới mua lần đầu tiên thì chưa đủ. Nên đun sôi nước, sau đó cho thêm 3 thìa giấm trắng rồi đặt toàn bộ đũa vào đó trong khoảng 10-15 phút. Dấm trắng có tính năng làm sạch và khử trùng, kết hợp với nước sôi thì tự nhiên có thể đạt được tác dụng diệt khuẩn tốt nhất. Sau khi ngâm đũa trong khoảng 15 phút, vớt đũa ra, dùng khăn sạch và tiệt trùng lau qua, bỏ vào lò vi sóng trong khoảng 30 giây để làm khô đũa hoàn toàn, như vậy sẽ tránh cho đũa bị ẩm và mốc.
Không nên chà xát đũa khi rửa: Nhiều người có thói quen chà xát đũa rất mạnh khi rửa, nhưng điều này trên thực tế sẽ làm cho lớp sơn bảo vệ trên đũa bị bong tróc hay tạo ra các khe nứt cho vi khuẩn ẩn náu. Thêm nữa, chà cả bó đũa với nhau còn khiến vi khuẩn hay nấm mốc lan truyền chéo nhanh hơn. Do đó, tốt nhất là nên dùng vải mềm và chất tẩy rửa để rửa đũa nhẹ nhàng, như thế có thể giảm ma sát và bảo vệ đũa tốt hơn, sau đó, đặt vào ống đựng đũa thoáng khí, bảo quản khô ráo, tránh các nơi đọng nước hay ẩm thấp. Mỗi tuần một lần, cũng nên dành thời gian luộc đũa trong nước sôi rồi sấy khô nhằm hạn chế sự sinh sôi và lây lan của nấm mốc.
Thanh Xuân
Xem thêm:
Từ khóa bệnh gan ung thư gan Dùng đũa