Hội chứng De Quervain là tình trạng viêm bao gân ở vùng cổ tay, gây đau nhức và khó cử động ngón cái. Bệnh thường gặp ở những người thường xuyên sử dụng cổ tay trong công việc hàng ngày như thợ may, nhân viên văn phòng, người sử dụng điện thoại nhiều, phụ nữ làm nội trợ hoặc sau sinh. Nếu không được điều trị sớm, tình trạng viêm có thể kéo dài, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. 

r shutterstock 2217733655
(Ảnh: Shutterstock)

Nguyên nhân gây hội chứng De Quervain

Vùng mặt mu cổ tay có sáu đường hầm cho các gân đi qua, giúp cử động ngón tay. Đường hầm thứ nhất chứa hai gân trong hội chứng De Quervain. Mỗi gân này được ôm quanh và bảo vệ bởi một bao gân. 

Cơ chế gây hội chứng De Quervain vẫn chưa rõ ràng. Người ta thấy bao gân dày lên, làm hẹp các đường hầm và khiến các gân di chuyển khó khăn hơn, từ đó gây viêm và đau.

Các yếu tố nguy cơ

Có một số yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng bị hội chứng De Quervain, bao gồm:

  • Chuyển động tay lặp đi lặp lại: Việc thực hiện các chuyển động cổ tay và ngón cái lặp đi lặp lại có thể dẫn đến viêm và thu hẹp dần đường hầm gân.
  • Sử dụng cổ tay và ngón cái quá nhiều: Việc sử dụng quá mức kéo dài có thể gây ra chấn thương gân mãn tính theo thời gian.
  • Chấn thương cổ tay cấp tính: Một cú ngã hoặc va chạm có thể khiến mô sẹo hình thành, hạn chế chuyển động của gân.
  • Các tình trạng viêm: Các hội chứng như viêm khớp dạng thấp hoặc tiểu đường, gây sưng và đau, có thể góp phần gây viêm gân.
  • Sự khác biệt về giải phẫu ở cổ tay: Các đặc điểm như có thêm khoang trong bao gân hoặc nhiều nhánh gân ở cơ ngón cái có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng.

Triệu chứng của hội chứng De Quervain

  • Đau: Triệu chứng chính là đau ở phía ngón cái của cổ tay, có thể xuất hiện dần dần hoặc đột ngột. Cơn đau thường bắt đầu ở cổ tay và có thể lan lên cẳng tay, trở nên tồi tệ hơn khi thực hiện các hoạt động như nắm, nâng, dùng kéo, xoay tay nắm cửa, chơi game hoặc vặn cổ tay. Cơn đau có thể dữ dội hoặc âm ỉ.
  • Sưng: Phía ngón cái của cổ tay có thể sưng hoặc viêm, và đôi khi sẽ xuất hiện nang chứa dịch
  • Cảm giác vướng víu: Có thể xuất hiện cảm giác vướng víu hoặc bật khi di chuyển ngón cái. Một số người nghe thấy âm thanh lạ, chẳng hạn như tiếng kêu, tiếng lạo xạo, tiếng bật hoặc tiếng rít khi di chuyển cổ tay hoặc ngón cái.
  • Cứng: Đau và sưng có thể khiến việc di chuyển ngón cái và cổ tay trở nên khó khăn.
  • Tăng nhạy cảm đau: Vùng ngay phía trên cục xương nhô lên ở cổ tay có thể đau khi chạm vào do gân bị kích ứng.
  • Tê: Phần lưng của ngón cái và ngón trỏ có thể cảm thấy tê.
  • Cục nhỏ: Một cục nhỏ có thể xuất hiện ở phía ngón cái của cổ tay.

Chẩn đoán hội chứng De Quervain 

Việc chẩn đoán hội chứng De Quervain bao gồm sự kết hợp giữa việc thăm khám cẩn thận và thực hiện các biện pháp cận lâm sàng để xác định chính xác hội chứng và phân biệt với hội chứng lý khác

1. Tiền sử

Quá trình chẩn đoán bắt đầu bằng việc thu thập tiền sử y khoa và khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ xem xét các triệu chứng trước đây, các vi chấn thương do vận động quá nhiều, các chuyển động tay lặp đi lặp lại, tay thuận, cũng như tình trạng mang thai hoặc sau sinh.

2. Khám lâm sàng

Bác sĩ kiểm tra tay để tìm dấu hiệu sưng, nhạy cảm đau hoặc tê quanh gốc ngón cái, đồng thời lắng nghe xem có âm thanh lạo xạo hoặc bật khi ngón cái di chuyển hay không. Có thể ấn lên vùng cổ tay gần gốc ngón cái để đánh giá mức độ đau và sưng.

Nghiệm pháp Finkelstein: Bác sĩ có thể thực hiện nghiệm pháp Finkelstein bằng cách gập hoàn toàn ngón cái vào lòng bàn tay, sau đó bẻ cổ tay về phía ngón út. Động tác này làm căng các gân bị viêm và là một nghiệm pháp đặc hiệu cho tình trạng này. Khả năng bị hội chứng là cao nếu xuất hiện cơn đau dữ dội dọc theo phía ngón cái của cổ tay

3. Chẩn đoán hình ảnh

Để hỗ trợ chẩn đoán hội chứng De Quervain, các bác sĩ có thể sử dụng các công cụ hình ảnh như siêu âm và X-quang. Siêu âm có thể quan sát các gân bị viêm và giúp xác nhận tình trạng, trong khi X-quang hữu ích để loại trừ các nguyên nhân khác gây đau cổ tay phía quay, chẳng hạn như thoái hóa khớp của khớp cổ tay-ngón cái.

Phương pháp điều trị hội chứng De Quervain?

Hội chứng De Quervain có thể tự cải thiện mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với các triệu chứng kéo dài, mục tiêu điều trị là giảm đau và sưng, duy trì chức năng cổ tay, đồng thời ngăn ngừa tái phát. Thời gian hồi phục khác nhau tùy theo từng người.

Điều trị hội chứng De Quervain thường được chia thành ba cấp độ, trong đó hai cấp độ đầu là không phẫu thuật và thường phối hợp với nhau.

Cấp độ I: Điều trị bảo tồn

  • Giáo dục: Tránh các chuyển động lặp đi lặp lại hoặc gây căng thẳng cho ngón cái.
  • Nghỉ ngơi: Hạn chế cử động cổ tay và ngón cái, tránh các hoạt động làm triệu chứng nặng hơn.
  • Liệu pháp lạnh/nóng: Chườm lạnh trong 20 phút mỗi 4 giờ hoặc chườm nóng trong 15 phút mỗi 4-6 giờ.
  • Băng dán kinesio: Giúp giảm đau và sưng, hỗ trợ chuyển động và tăng độ ổn định.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Giảm sưng và làm dịu cơn đau.
  • Nẹp ngón cái: Có thể giảm đau tạm thời, nhưng tỷ lệ tái phát cao và bệnh nhân thường ít tuân thủ.
  • Cố định: Đeo nẹp cứng để giữ cổ tay bất động, giúp giảm đau cho người có triệu chứng nhẹ.
  • Vật lý trị liệu hoặc bài tập: Kéo giãn, tăng cường sức mạnh và cải thiện phạm vi chuyển động của cổ tay và ngón cái. Sau thời gian đeo nẹp, nếu triệu chứng cải thiện đáng kể, chuyên gia trị liệu tay có thể đề xuất chương trình tập luyện, bao gồm duỗi ngón cái có hỗ trợ, dạng ngón cái, nghiêng cổ tay; duỗi và dạng ngón cái chủ động; giữ cổ tay đẳng trường, tăng cường sức mạnh ngón cái và nghiêng cổ tay có kháng lực.
  • Liệu pháp nghề nghiệp: Học cách thực hiện công việc khi đeo nẹp.
  • Siêu âm trị liệu: Dùng để điều trị gân bị viêm.
  • Liệu pháp sóng xung kích ngoài cơ thể: Quy trình không xâm lấn sử dụng sóng âm để thúc đẩy lành vết thương.
  • Kích thích thần kinh điện qua da (TENS): Sử dụng dòng điện nhẹ để giảm đau.

Cấp độ II: Tiêm Corticosteroid

Một lần tiêm hiệu quả cho khoảng nửa số bệnh nhân, lần thứ hai có hiệu quả cho thêm 40-45% người khác. Tiêm dưới hướng dẫn siêu âm có thể tăng hiệu quả. Tuy nhiên có thể gặp biến chứng bao gồm mỏng da, đổi màu da và hiếm gặp là yếu gân, đứt gân.

Cấp độ III: Phẫu thuật

Hầu hết bệnh nhân điều trị thành công với hai cấp độ trên. Phẫu thuật được xem là giải pháp cuối cùng nếu triệu chứng dai dẳng. Trong những trường hợp này có thể cân nhắc phẫu thuật giải phóng gân.

Các biến chứng của hội chứng De Quervain 

Nếu không được chăm sóc hoặc điều trị đúng cách, quá trình phục hồi có thể kéo dài hơn bình thường. Một số biến chứng có thể xảy ra bao gồm:

  • Triệu chứng nặng hơn: Nếu không điều trị, đau và các triệu chứng khác có thể kéo dài hoặc trầm trọng hơn. Theo thời gian, hội chứng có thể trở thành mãn tính, gây khó khăn trong việc sử dụng cổ tay và ngón cái cho các hoạt động hàng ngày.
  • Hạn chế chuyển động vĩnh viễn: Bản chất tiến triển và mãn tính của viêm có thể dẫn đến hạn chế khả năng di chuyển của cổ tay và ngón cái kéo dài.
  • Rách bao gân: Nếu không điều trị bao gân sẽ càng síết chặt, làm tăng ma sát giữa gân và bao trong lúc chuyển động. Ma sát liên tục này có thể khiến gân thoái hóa và yếu đi, dẫn đến rách các sợi gân.

Mặc dù hầu hết người bệnh hồi phục tốt, phẫu thuật hội chứng De Quervain vẫn tiềm ẩn một số rủi ro, bao gồm:

  • Tổn thương hoặc chấn thương thần kinh, gây tê và đau.
  • Gân bị kẹt hoặc trật.
  • Biến chứng vết mổ như sưng, bầm tím, chảy máu hoặc nhiễm trùng.
  • Sẹo.
  • Cứng khớp.
  • hội chứng đau vùng phức hợp.
  • Chuyển động gân bất thường.

Ảnh hưởng của tâm lý đến hội chứng De Quervain

Tâm lý đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát hội chứng De Quervain, ảnh hưởng đến cả nhận thức về cơn đau và quá trình hồi phục. Một tư duy tích cực, lạc quan có thể giúp giảm cảm giác đau, khiến người hội chứng dễ dàng đối phó với sự khó chịu và tập trung vào việc phục hồi. Tâm lý tích cực còn thúc đẩy việc tuân thủ các bài tập phục hồi chức năng và liệu pháp, dẫn đến kết quả tốt hơn.

Ngược lại, suy nghĩ tiêu cực hoặc lo âu có thể làm tăng căng thẳng, từ đó làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và làm chậm quá trình lành hội chứng.

Nhìn chung, việc nuôi dưỡng một tâm thái tích cực có thể hỗ trợ đáng kể cho quá trình lành hội chứng và kiểm soát hội chứng trong dài hạn.

Các liệu pháp tự nhiên điều trị hội chứng De Quervain 

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ phương pháp tự nhiên nào dưới đây.

  • Quản lý theo Ayurveda – y học Ấn độ

Ayurveda, một trong những hệ thống y học lâu đời nhất thế giới, kết hợp các sản phẩm từ thực vật (cùng với một số nguồn động vật, kim loại và khoáng chất), thực đơn ăn uống, tập thể dục và thực hành lối sống để điều trị.

  • Liệu pháp massage

Massage, đặc biệt là kỹ thuật ma sát ngang sâu áp dụng lên hai gân bị tổn thương, có thể làm giảm triệu chứng. 

  • Châm cứu

Một nghiên cứu năm 2014 với 30 bệnh nhân hội chứng De Quervain đã so sánh châm cứu với tiêm corticosteroid. Cả hai nhóm đều cho thấy cải thiện ngắn hạn về đau và chức năng, dù tiêm corticosteroid có tỷ lệ thành công cao hơn một chút.
Một tổng quan năm 2017 từ 31 nghiên cứu cho thấy châm cứu là phương pháp hiệu quả để điều trị hội chứng De Quervain.

  • Cứu ngải

Phương pháp này sử dụng việc đốt ngải cứu để kích thích hệ miễn dịch của bệnh nhân. Ngải cứu được đặt trên da tại các huyệt đạo hoặc ở đầu kim châm cứu. Nhiệt sinh ra thâm nhập sâu vào cơ thể và kích hoạt hệ miễn dịch.

Cách phòng ngừa hội chứng De Quervain

Mặc dù không thể phòng ngừa hoàn toàn hội chứng De Quervain, một số biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ:

  • Tránh chuyển động lặp lại: Hạn chế các cử động cổ tay lặp đi lặp lại và điều chỉnh để giảm áp lực. Đảm bảo kỹ thuật đúng khi thực hiện các chuyển động tay và cổ tay lặp lại.
  • Nghỉ ngơi thường xuyên: Tránh vận động quá nhiều bằng cách nghỉ ngơi giữa các lần hoạt động ngón cái
  • Tăng sức mạnh cơ cẳng tay: Cải thiện sức mạnh cơ cẳng tay giúp tăng độ ổn định cho cổ tay và giảm áp lực lên gân.
  • Đeo nẹp hoặc thanh đỡ: Nếu cần, sử dụng nẹp hoặc thanh đỡ để hỗ trợ ngón cái và cổ tay.
  • Thực hiện bài tập được khuyến nghị: Làm theo các bài tập do chuyên gia vật lý trị liệu gợi ý để kéo giãn ngón cái và cổ tay, giảm áp lực.

Đại Hải (t/h)