‘Blind Spots’ (Điểm Mù) là một cuốn sách mới cho rằng việc đặt nghi vấn về hiện trạng của y học có thể là chìa khóa để tiến xa hơn khỏi những phương pháp đã lỗi thời.

Bac si Johns Hopkins
Tiến sĩ Marty Makary, bác sĩ phẫu thuật và giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, tác giả cuốn sách ‘Blind Spots’. Ảnh: Shutterstock)

Hầu hết bệnh nhân đều lo lắng về lỗi phẫu thuật hoặc chẩn đoán sai, nhưng Tiến sĩ Marty Makary, bác sĩ phẫu thuật và giáo sư tại Đại học Johns Hopkins cho rằng có một rủi ro tiềm ẩn lớn hơn, đó chính là cách suy nghĩ của bác sĩ.

Trong cuốn sách mới của mình, ‘Blind Spots’, Tiến sĩ Makary cho rằng, việc không đồng nhất về nhận thức khiến các bác sĩ bám vào các phương pháp lỗi thời và ngăn cản lĩnh vực y tế thích nghi với bằng chứng mới, dẫn đến các phương pháp điều trị có thể không hiệu quả hoặc thậm chí có hại.

Cốt lõi của vấn đề là hệ thống chăm sóc sức khỏe cố thủ vào các thông lệ, nơi niềm tin lâu đời vẫn tồn tại bất chấp những tiến bộ khoa học. Tiến sĩ Makary nói với The Epoch Times rằng “Một số phương pháp y khoa bắt nguồn từ dữ liệu tốt, trong khi số khác đi theo truyền thống”.

Cuốn sách của ông khám phá cách mà sự phản kháng lại thay đổi này không chỉ ảnh hưởng đến việc chăm sóc bệnh nhân mà còn làm chậm sự phát triển y khoa vốn rất cần thiết.

Nguy cơ của sự bất hòa nhận thức

Bất hòa nhận thức là cảm giác khó chịu mà mọi người cảm thấy khi đối mặt với bằng chứng mâu thuẫn với niềm tin đã có của họ. Thay vì thích nghi với thông tin mới, họ thường bám víu vào quan điểm cũ để khỏi phải cố gắng thay đổi về mặt tinh thần – điều này có thể gây ra hậu quả nguy hiểm trong y học.

Tiến sĩ Makary viết: “Bộ não con người có thể làm được những điều tuyệt vời. Nhưng khi tiếp nhận thông tin mới mâu thuẫn với thông tin cũ, thì có thể đoán trước được là sẽ khó tiếp nhận”.

Những rào cản tinh thần này khiến các phương pháp lỗi thời có thể tồn tại trong nhiều năm. Những niềm tin lâu đời về cholesterol, thuốc kháng sinh hoặc lời khuyên về phương thức ăn uống vẫn tồn tại mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chúng không còn là phương án hành động tốt nhất nữa.

Tiến sĩ Makary cho biết, ngay cả những bác sĩ giàu kinh nghiệm cũng phải gắng hết sức để từ bỏ các phương pháp mà họ đã dựa vào trong nhiều thập niên. Ông nói với The Epoch Times: “Việc thừa nhận những gì chúng ta từng tin tưởng giờ đây không còn đúng nữa đòi hỏi cần phải có sự khiêm nhường”.

Một vấn đề khác nữa là “tư duy nhóm”, khi mà những ý tưởng được chấp nhận một cách rộng rãi hiếm khi bị đặt câu hỏi chỉ vì chúng đã trở thành chuẩn mực. Tiến sĩ Makary lập luận rằng, tư duy tập thể này đã tạo ra sự giáo điều y khoa, tức là các hoạt động được thực hiện theo thói quen nhiều hơn là theo bằng chứng. Chúng tồn tại mà không bị thách thức trong thời gian quá dài.

Sự kết hợp giữa bất hòa nhận thức và tư duy nhóm khiến các thay đổi trong y khoa diễn ra chậm chạp, ngay cả khi bệnh nhân có thể được hưởng lợi từ các phương pháp điều trị mới hơn, hiệu quả hơn.

Thông lệ hơn bằng chứng

Tiến sĩ Makary cho hay nhiều phương pháp điều trị được sử dụng trong y học hiện đại bắt nguồn từ thông lệ hơn là bằng chứng khoa học. Ông định nghĩa giáo điều y khoa là “Ý tưởng hoặc hành động được trao cho thẩm quyền không thể chối cãi vì ai đó đã tuyên bố nó là đúng dựa trên trực giác” – tức là không dựa trên nghiên cứu vững chắc. Theo thời gian, những giả định này được coi là sự thật, ngay cả khi có bằng chứng xuất hiện để thách thức tính hợp lệ của chúng.

Tiến sĩ Makary cho rằng, sự gia tăng của quyền lực y tế tập trung và ngày càng không chấp nhận các quan điểm trái chiều đã khiến các bác sĩ khó đặt câu hỏi về những niềm tin lâu đời này.

Ông viết, “Ngày nay, sự giáo điều phổ biến hơn so với trước đây”, vì nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe ngần ngại không muốn đi chệch khỏi các chuẩn mực được chấp nhận, ngay cả khi dữ liệu không còn ủng hộ chúng nữa.

Tiến sĩ Makary minh họa quan điểm của mình bằng một ví dụ về một cựu biên tập viên của JAMA (Tập san Y khoa có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới), người đã nói rằng, “60% những gì chúng tôi – với tư cách là bác sĩ – đã làm trong y khoa là tùy ý.” Điều đó có nghĩa là 60% hoạt động y tế dựa trên phán đoán chủ quan hơn là bằng chứng khoa học cụ thể. Do đó, Tiến sĩ Makary cho rằng những phương pháp điều trị lỗi thời thường vẫn tồn tại rất lâu sau khi đã bị vạch trần.

Tiến sĩ Makary nhấn mạnh điều này có hậu quả sâu rộng. Ông viết: “Sau nhiều giờ làm việc với các bác sĩ hàng đầu để phân loại bằng chứng khoa học khỏi quan điểm. Tôi nhận ra rằng, phần lớn phần nhiều những gì công chúng được nghe về sức khỏe đều là giáo điều y khoa”.

4 Huyền thoại y khoa vẫn tồn tại bất chấp bằng chứng

Tiến sĩ Makary nói rằng, một số khuyến nghị y khoa lâu đời đã được chứng minh là sai bởi nghiên cứu mới, nhưng vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến việc chăm sóc bệnh nhân. Dưới đây là những khuyến nghị như vậy

1. Dị ứng đậu phộng

Vào đầu những năm 2000, Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị các bác sĩ nhi khoa trên khắp Hoa Kỳ trì hoãn việc cho trẻ em ăn đậu phộng cho đến khi trẻ được 3 tuổi để phòng dị ứng.

Nhưng như Tiến sĩ Makary nói, hướng dẫn có thiện chí này đã không ngăn ngừa được dị ứng đậu phộng mà lại gây ra một đại dịch. Dị ứng đậu phộng, vốn hiếm gặp, đã tăng vọt sau khi khuyến cáo của AAP trở thành tiêu chuẩn, với các trường hợp nghiêm trọng trở nên phổ biến. Dị ứng đậu phộng đã tăng gấp 3 lần trong 2 thập niên qua, ảnh hưởng đến 1 – 2% trẻ em, dẫn đến lệnh cấm đậu phộng trên diện rộng ở trường học và sự gia tăng sử dụng EpiPen.

Mặc dù ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc sớm với đậu phộng giúp làm giảm nguy cơ phát triển dị ứng nhưng nhiều chuyên gia vẫn kiên trì với phương pháp kiêng khem. Khuyến nghị này tiếp tục được áp dụng cho đến khi Tiến sĩ Gideon Lack, bác sĩ chuyên khoa dị ứng nhi khoa, tiến hành một nghiên cứu quan trọng cho thấy trẻ em Israel – thường xuyên tiếp xúc với đồ ăn nhẹ làm từ đậu phộng khi còn nhỏ – có tỷ lệ dị ứng đậu phộng thấp hơn nhiều so với trẻ em Anh. Nghiên cứu của ông chứng minh rằng, việc tiếp xúc sớm với đậu phộng có thể làm giảm đáng kể nguy cơ dị ứng.

Phải mất hơn 1 thập niên thì các cơ quan y tế Hoa Kỳ mới đảo ngược được lời khuyên sai lầm của Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ. Hàng triệu trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi việc tuân thủ mù quáng khuyến cáo sai lầm.

2. Liệu pháp thay thế hormone

Trong phần lớn thế kỷ 20, liệu pháp thay thế hormone (HRT) được ca ngợi là phương pháp điều trị mang tính cách mạng cho phụ nữ mãn kinh, giúp làm giảm các triệu chứng như bốc hỏa, rối loạn não và rối loạn giấc ngủ đồng thời cũng cho thấy triển vọng trong việc giảm nguy cơ mắc bệnh tim, loãng xương và bệnh Alzheimer.

Tuy nhiên, vào năm 2002, Viện Y tế Quốc gia đã công bố một nghiên cứu dường như liên kết liệu pháp này với nguy cơ ung thư vú tăng cao, gây ra sự hoảng loạn rộng rãi trong các bác sĩ và bệnh nhân. Đơn thuốc dùng liệu pháp đã giảm mạnh đến 80% vì công chúng tin rằng phương pháp điều trị này nguy hiểm.

Tiến sĩ Makary cho biết, kết quả của nghiên cứu đã bị hiểu sai. Ông viết: “Nghiên cứu cho thấy liệu pháp HRT gây ra ung thư vú không chỉ ra được HRT gây ra ung thư vú”, lưu ý rằng những phát hiện này không có ý nghĩa về mặt thống kê.

Trong khi giới truyền thông nắm bắt được ý tưởng rằng liệu pháp HRT có nguy cơ, thì các nghiên cứu tiếp theo sau đó cho thấy rằng, trong một số trường hợp, liệu pháp HRT thực sự làm giảm nguy cơ ung thư vú và mang lại những lợi ích quan trọng cho sức khỏe. Mặc dù vậy, nhiều bác sĩ vẫn ngần ngại kê đơn HRT, tuân thủ theo kết luận của nghiên cứu lỗi thời của năm 2002.

Tiến sĩ Makary nhấn mạnh rằng, không phải tất cả các nghiên cứu đều được thiết kế như nhau. Các bác sĩ và công chúng đều cần được biết khi nào thì các dữ liệu sẽ không trợ giúp cho các chủ đề chính, đặc biệt là khi nó có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, như chúng ta đã thấy với liệu pháp HRT.

Tiến sĩ Makary viết: “Tuy nhiên, cho đến ngày nay, sự giáo điều này vẫn tồn tại. Dữ liệu rất rõ ràng. Liệu pháp HRT cứu sống con người”.

Ông cho rằng, vẫn chưa quá muộn để những người truyền bá chủ nghĩa tuyệt đối về việc liệu pháp HRT gây ra ung thư vú thể hiện sự khiêm nhường.

3. Lạm dụng thuốc kháng sinh

Thuốc kháng sinh đã cứu sống vô số người do tác dụng điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn, nhưng việc lạm dụng kháng sinh đã dẫn đến những hậu quả không mong muốn. Tiến sĩ Makary cho biết thuốc kháng sinh giống như thuốc nổ TNT đối với hệ vi sinh vật của cơ thể, hệ sinh thái mỏng manh của vi khuẩn trong ruột – vốn rất quan trọng đối với hệ tiêu hóa, chức năng miễn dịch và thậm chí là sức khỏe tâm thần.

Đặc biệt, việc kê đơn quá mức ở trẻ em có liên quan đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng lâu dài.

Tiến sĩ Makery dẫn chứng nghiên cứu được công bố trên Mayo Clinic Proceedings (Biên bản của Bệnh viện Mayo) cho thấy, trẻ em dùng kháng sinh trước 2 tuổi có nhiều khả năng mắc các bệnh hen suyễn, béo phì, viêm da dị ứng hoặc rối loạn tăng động giảm chú ý. Dựa trên các nghiên cứu trên chuột, trong các giai đoạn phát triển quan trọng, kháng sinh có thể ảnh hưởng đến sự kết hợp vi khuẩn đường ruột hoặc hệ vi sinh vật, do đó gây ra hậu quả sức khỏe lâu dài.

Tiến sĩ Makary được chuyên gia chỉ ra khi ông đang viết cuốn sách của mình: “Bạn không chỉ được thừa hưởng gen, mà bạn còn được thừa hưởng cả hệ vi sinh vật nữa”.

Việc lạm dụng kháng sinh, thường là đối với các tình trạng không cần dùng thuốc, có thể góp phần làm gia tăng các bệnh mạn tính.

4. Huyền thoại về cholesterol

Trong nhiều thập kỷ, người Mỹ được khuyên nên tránh các thực phẩm giàu cholesterol như trứng và bơ, vì các bác sĩ cho rằng cholesterol trong khẩu phần ăn uống là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tim. Nỗi sợ hãi bắt nguồn từ công trình của Tiến sĩ Ancel Keys, người có “Nghiên cứu tại 7 quốc gia” vào những năm 1950 cho thấy mối liên quan giữa việc tiêu thụ chất béo bão hòa với bệnh tim.

Nhưng, như Tiến sĩ Makary giải thích, nghiên cứu của Tiến sĩ Keys về cơ bản là có thiếu sót – ông đã chọn lọc các quốc gia ủng hộ giả thuyết của mình và bỏ qua những quốc gia khác, chẳng hạn như Pháp và Thụy Sĩ, nơi khẩu phần ăn nhiều chất béo trùng hợp với tỷ lệ mắc bệnh tim thấp. Mặc dù có nhiều nghiên cứu tiếp theo, bao gồm Thí nghiệm động mạch vành Minnesota và Nghiên cứu tim Framingham, không ủng hộ tuyên bố của Tiến sĩ Keys nhưng thông điệp về cholesterol thấp vẫn được giữ nguyên.

Năm 2015, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã sửa đổi các hướng dẫn của mình, thừa nhận rằng cholesterol trong khẩu phần ăn uống không phải là thủ phạm như người ta từng tin. Mặc dù vậy, nhiều người vẫn tránh các loại thực phẩm như trứng và sữa nguyên kem, trong khi các vấn đề thực sự – đường và carbohydrate đã qua chế biến – lại thường bị bỏ qua.

Cholesterol 768x461 1
Các bác sĩ cho rằng cholesterol trong khẩu phần ăn uống là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh tim. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Những điều bác sĩ có thể học được

“Những người tích cực thúc đẩy sự cởi mở và khách quan là những người rất ấn tượng”, Tiến sĩ Makary viết. “Họ không chạy theo trào lưu nếu không có bằng chứng thuyết phục. Và họ có đủ can đảm để thách thức các giả định và bơi ngược dòng”.

Nói cách khác, những bác sĩ giỏi nhất không ngại đặt câu hỏi về tình trạng hiện tại, ngay cả khi điều đó có nghĩa là đi ngược lại với các thông lệ được chấp nhận rộng rãi. Tuy nhiên, Tiến sĩ Makary cho biết rằng, việc duy trì sự cởi mở với thông tin mới đòi hỏi sự nỗ lực có ý thức.

Ông viết, “Việc chống lại xu hướng tự nhiên của chúng ta là từ chối hoặc định hình lại thông tin để phù hợp với các ý tưởng đã có từ trước là rất quan trọng. Điều đó cũng tạo nên tính cách tốt.” Ông cho biết, tư duy này đặc biệt quan trọng trong lĩnh vực y tế, nơi tính mạng con người bị đe dọa và các quyết định lâm sàng phải dựa trên bằng chứng mới nhất, đáng tin cậy nhất.

Điều này không có nghĩa là các bác sĩ nên từ bỏ trí tuệ hoặc kinh nghiệm lâm sàng. Tiến sĩ Makary khuyên nên cân bằng giữa trực giác lâm sàng và y học dựa trên bằng chứng.

Ông lưu ý rằng, “Sử dụng trí tuệ lâm sàng để lấp đầy những khoảng trống khi nghiên cứu vẫn chưa được thực hiện là điều bình thường”. Nhưng điều cần thiết là phải biết phân biệt giữa ý kiến ​​và khuyến nghị dựa trên bằng chứng.

“Những khuyến nghị thiếu sự trợ giúp khoa học thích hợp nên được coi là ý kiến, không phải bằng chứng khoa học” ,ông nói.

Đối với các bác sĩ và nhà nghiên cứu, sự thách thức rất rõ ràng: Hãy luôn tò mò, luôn phản biện và đừng ngại đặt câu hỏi về những niềm tin lâu đời của tổ chức y tế. Làm như vậy sẽ cải thiện được việc chăm sóc bệnh nhân và thúc đẩy lĩnh vực y học nói chung.

Hy vọng thay đổi

Tiến sĩ Makary nhìn thấy một tương lai tươi sáng hơn cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe, được thúc đẩy bởi một thế hệ bác sĩ và sinh viên y khoa mới từ chối “bánh xe chuột lang” của y học. Thay vì chấp nhận hệ thống thông thường, thường cứng nhắc mà họ thừa hưởng, các bác sĩ trẻ đang tập trung vào việc chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm, dựa trên bằng chứng.

Tiến sĩ Makary lưu ý, “Cuối cùng thì tôi cũng lạc quan về tương lai của dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Những nhà đổi mới trẻ ngày nay – sinh viên và bác sĩ nội trú – đang từ chối hệ thống đã hỏng mà họ đang thừa hưởng.”

Tư duy mới này rất quan trọng để cải thiện hệ thống.

Tiến sĩ Makary nói rằng, “Họ không nản lòng khi chúng ta đặt câu hỏi về tư duy thông thường. Điều đó tiếp thêm năng lượng cho họ.”

Bằng cách chấp nhận sự cởi mở này với những ý tưởng mới, các bác sĩ trẻ đang tạo ra một bối cảnh chăm sóc sức khỏe coi trọng khả năng thích ứng và tư duy phản biện hơn là những niềm tin lâu đời, không bị thách thức. Sự cởi mở này thoát khỏi sự giáo điều và đảm bảo rằng kết quả của bệnh nhân được ưu tiên hơn là thông lệ.

Tiến sĩ Makary coi phong trào này là nền móng cho một hệ thống chăm sóc sức khỏe tiến bộ và hiệu quả hơn, một hệ thống vượt ra ngoài các giáo điều y khoa có hại và hướng tới các thực hành bắt nguồn từ bằng chứng đáng tin cậy và mới nhất.

Ông viết: “Việc điều chỉnh lộ trình của chúng ta bắt đầu bằng câu chuyện thực về sức khỏe, tách biệt giáo điều khỏi bằng chứng. Điều đó có nghĩa là đặt ra những câu hỏi hay. Việc đặt câu hỏi về các giả định không nên được coi là mối đe dọa. Đó chính là cách giúp chúng ta tìm ra sự thật.”

Hãy chịu trách nhiệm về việc chăm sóc sức khỏe của bản thân

Tương lai của dịch vụ chăm sóc sức khỏe phụ thuộc vào các bác sĩ có tư duy cởi mở cũng như bệnh nhân được trao quyền. Tiến sĩ Makary cho biết, những bệnh nhân đặt ra nhữcácng câu hỏi khó và tìm kiếm các phương pháp điều trị dựa trên bằng chứng sẽ thúc đẩy sự thay đổi rất cần thiết trong hệ thống. “Một bệnh nhân được thông tin là một bệnh nhân được trao quyền,” ông nói với The Epoch Times.

Tuy nhiên, các trường hợp khẩn cấp đòi hỏi cần phải có hành động nhanh chóng.

“Trong trường hợp cấp cứu, hãy làm bất cứ điều gì bác sĩ bảo bạn,” Tiến sĩ khuyên. Việc kiểm soát các tình trạng bệnh mạn tính cần có một cách tiếp cận khác và ông khuyên bệnh nhân nên chủ động.

“Có thể có những lựa chọn về lối sống và phòng ngừa chưa được khám phá đầy đủ,” Tiến sĩ Makary cho biết.

Tiến sĩ cho biết rằng, nhiều phương pháp điều trị, chẳng hạn như điều trị chứng ợ nóng, có thể được giải quyết bằng cách thay đổi phương thức ăn uống thay vì dùng thuốc.

Ông cho rằng, “Chúng ta nói không đủ về ‘Thực phẩm làm thuốc’ trong văn hóa của mình, và khi chúng ta làm vậy thì chúng thường dựa trên thông tin lỗi thời hoặc sai sót. Đừng ngần ngại đặt những câu hỏi khó về các lựa chọn điều trị của bạn. Hãy tìm kiếm quan điểm ​​thứ 2 nếu có điều gì đó không ổn”.

“Thời đại chăm sóc thụ động đã kết thúc,” Tiến sĩ Makary cho biết

Bệnh nhân và bác sĩ có thể cùng nhau xây dựng một hệ thống chăm sóc sức khỏe coi trọng sự đổi mới, dựa trên bằng chứng và trên hết là sức khoẻ của người bệnh.

Tác giả Sheramy Tsai, The Epoch Times 

Khánh Ngọc biên dịch.

Xem thêm: