Nghiên cứu: 2 loại vắc-xin Hồng Kông đang dùng không ngăn được biến thể Omicron
- Lý Gia Hoành
- •
Một nhóm nghiên cứu từ Khoa Vi sinh của Đại học Hồng Kông phát hiện ra rằng 2 loại vắc-xin hiện tại ở Hồng Kông không đủ để chống lại biến thể Omicron. Thậm chí vắc-xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất còn hoàn toàn vô tác dụng.
Khoa Y của Đại học Hồng Kông lần đầu tiên tiết lộ rằng virus Omicron lây nhiễm và nhân lên trong các mô phế quản của con người nhanh hơn gần 70 lần so với virus Delta. Điều này đã giải thích tốc độ lây lan đáng kinh ngạc của biến chủng này.
Theo báo cáo của giới truyền thông Hồng Kông, ngày 14/12, nhóm của Giáo sư Viên Quốc Dũng (Yuen Kwok-yung) thuộc Khoa Vi sinh Đại học Hồng Kông đã công bố nghiên cứu mới nhất.
Nghiên cứu phát hiện đáng kinh ngạc về 2 loại vắc-xin Chính phủ Hồng Kông hiện đang cung cấp là Fubital và Sinovac. Sau khi hoàn thành tiêm 2 mũi Fubital do Trung Quốc và Đức hợp tác nghiên cứu và vắc-xin Sinovac do Trung Quốc phát triển, lượng kháng thể trong huyết thanh tạo ra không đủ để chống lại virus biến thể mới.
Sức đề kháng của kháng thể trong huyết thanh của bệnh nhân trước virus biến chủng Omicron đã giảm đáng kể. Trong số 25 người tiêm vắc-xin Fubital, chỉ có kháng thể trong huyết thanh của 5 người có khả năng vô hiệu hóa Omicron. Tỷ lệ phát huy tác dụng của vắc-xin giảm mạnh, chỉ còn 20% đến 24%. Huyết thanh của 25 người tiêm vắc-xin Sinovac không thể vô hiệu hóa virus Omicron. Nghĩa là vắc-xin này đã thất bại hoàn toàn.
Kết quả nghiên cứu cho thấy Omicron có thể làm giảm hiệu quả của 2 liều vắc-xin, đặc biệt là vắc-xin Sinovac do Trung Quốc phát triển. Người dân phải tiêm mũi tăng cường thứ 3, để tăng cường phản ứng kháng thể chống lại các biến thể của Omicron.
Tuy nhiên, liệu liều vắc-xin Sinovac thứ 3 có hiệu quả với Omicron hay không vẫn đang chờ xác nhận. Nghiên cứu mới nhất này đã được công bố trên tạp chí y tế “Bệnh truyền nhiễm lâm sàng.”
Phó giáo sư lâm sàng Đỗ Khải Hoằng (Kai Wang Kelvin) thuộc Khoa Vi sinh trong nhóm nghiên cứu, thừa nhận rằng ngay cả khi đối mặt với virus viêm phổi Vũ Hán gốc, thì mức độ kháng thể của Sinovac vẫn thấp hơn nhiều so với Fubital.
Trong nghiên cứu này, tất cả những người tiêm vắc-xin Sinovac đều có phản ứng kháng thể âm tính. Giáo sư Viên Quốc Dũng thẳng thừng tuyên bố rằng nếu 3 mũi đầu tiên đều tiêm vắc-xin Sinovac, thì phải “đợi Sinovac phát triển thế hệ vắc-xin mới rồi hãng tiêm mũi thứ 4.”
Omicron sao chép nhanh hơn Delta 70 lần và lan truyền nhanh chóng
Ngoài ra, một nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Y thuộc Đại học Hồng Kông cũng lần đầu tiên tiết lộ cách thức Omicron lây nhiễm qua đường hô hấp của con người. Nhóm nghiên cứu đã phân lập thành công virus biến thể Omicron. Đồng thời so sánh với biến thể Delta và các virus gốc trong mô hô hấp của con người. Họ nhận thấy Omicron nhân lên nhanh hơn trong các mô phế quản. Sau 24 giờ bị lây nhiễm, Omicron có lượng virus nhiều hơn Delta và virus gốc gấp gần 70 lần.
Ngược lại, trong quá trình nhân lên và lây nhiễm của mô phổi, Omicron thấp hơn gần 10 lần so với chủng virus ban đầu. Điều đó có nghĩa là Omicron có thể ít gây bệnh hơn.
Tuy nhiên, người phụ trách nghiên cứu lần này – phó giáo sư Trần Chí Vĩ tại Học viện Y tế Cộng đồng, thuộc Bệnh viện Y Đại học Hồng Kông, chỉ ra rằng mức độ bệnh nghiêm trọng không chỉ phụ thuộc vào khả năng của tái tạo virus, mà được quyết định bởi phản ứng miễn dịch của cơ thể.
Điều này có thể dẫn đến phản ứng viêm không kiểm soát, hay còn được gọi là cơn bão Cytokine (hội chứng viêm toàn thân cấp tính, CRS). Dù bản thân Omicron có thể ít gây bệnh hơn, nhưng khả năng lây truyền cực kỳ cao của nó có thể khiến nhiều người bị bệnh nặng hơn và dẫn đến tử vong.
Omicron có khả năng thoát vắc-xin hoặc kháng thể được tạo ra bởi những người từng nhiễm bệnh. Người ta tin rằng mối đe dọa tổng thể của Omicron có thể rất rõ nét.
Lý Gia Hoành / Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện COVID-19 Vắc-xin Sinovac Biến thể Omicron vắc-xin chống biến thể Omicron Vắc-xin Fubital