Nghiên cứu phát hiện nguyên nhân di chứng kéo dài của người bị COVID-19
- Phi Phi
- •
Nhiều bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) dù đã bình phục nhưng vẫn sẽ bị di chứng kéo dài, nghiên cứu của Đức phát hiện có thể liên quan đến những thay đổi của tế bào máu trong giai đoạn bệnh khởi phát.
Tại sao bệnh nhân COVID có di chứng nghiêm trọng
Theo Deutsche Welle (Đức), nhiều bệnh nhân COVID-19 bị di chứng nặng nề sau khi hồi phục, các triệu chứng bao gồm cơ thể mệt mỏi yếu ớt, đau đầu, và khó thở. Các di chứng này có thể kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Ngay cả những người dường như đã hồi phục cũng không thực sự khỏe mạnh.
COVID-19 thường ảnh hưởng đến lưu thông máu, tiềm ẩn khả năng dẫn đến huyết khối làm mạch máu tắc nghẽn, ngoài ra còn có vấn đề trở ngại trong vận chuyển oxy trong máu. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng dường như các tế bào máu có tác động lớn đến các di chứng kéo dài.
Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Biophysical, Viện Max Planck ở thành phố Erlangen nước Đức đã đề xuất một giả thuyết mới: sự biến đổi đặc điểm vật lý của các tế bào máu bệnh nhân COVID-19 như biến đổi độ đàn hồi và kích thước của bạch cầu và hồng cầu là yếu tố chính gây ra các di chứng sau khi khỏi bệnh.
Thay đổi tế bào máu ở bệnh nhân COVID-19
Nghiên cứu đã đối chiếu kiểm tra tổng cộng 400 triệu tế bào máu của bệnh nhân COVID-19 đang bị bệnh, bệnh nhân đã hồi phục, và người khỏe mạnh (17 người bị COVID-19 nặng, 14 người đã khỏi, và đối chiếu với 24 người khỏe mạnh).
Nhà nghiên cứu Jochen Guck của Viện Max Planck cho biết, “[So với những người khỏe mạnh bình thường] chúng tôi đã nhận thấy thay đổi rõ ràng được duy trì đối với tế bào ở cả những người bị nhiễm COVID-19 và những người đã phục hồi”.
Phương pháp nghiên cứu này được gọi là “Công nghệ thời gian thực về tế bào biến dạng” (RT-DC), theo đó đưa các tế bào bạch cầu và hồng cầu vào một ống hẹp để “kéo căng” chúng. Nghiên cứu dùng một máy ảnh tốc độ cao chụp ảnh từng tế bào máu thông qua một kính hiển vi đặc biệt, sau đó dùng phần mềm tương ứng để phân tích kích thước và độ biến dạng của tế bào, mỗi giây có thể nhận diện lên đến 1000 tế bào.
Hệ thống cảnh báo sớm dịch bệnh?
Nghiên cứu đã phát hiện COVID-19 sẽ gây ra những thay đổi đối với các tế bào hồng cầu và bạch cầu.
Tế bào hồng cầu của người bình thường có dạng đĩa lõm, vì chúng không có nhân nên có thể biến dạng và đi qua các mao quản có kích thước chỉ bằng một nửa đường kính của chúng, qua đó chúng có thể đến những góc xa nhất của cơ thể để cung cấp chất dinh dưỡng và oxy. Còn đối với bạch cầu đóng vai trò trung tâm trong hệ thống miễn dịch thì chúng có kích cỡ rất nhỏ và bề mặt tế bào có nhiều chỗ lồi lõm giúp chúng có thể di chuyển linh hoạt.
Nhưng tế bào máu của bệnh nhân bị COVID-19 thời gian dài thì có dạng hình cầu, có thể gây tắc tĩnh mạch và gây huyết khối làm tắc mạch máu. So với người khỏe mạnh, tế bào máu ở bệnh nhân COVID-19 bị biến dạng khá nhiều, cho thấy chúng đã bị hư hại trong quá trình lây nhiễm COVID-19. Chúng khác với tế bào máu của người khỏe mạnh có tính đàn hồi và có thể đi qua các tĩnh mạch nhỏ nhất.
Các nhà nghiên cứu hy vọng tương lai sẽ có cách phân tích mới để đưa ra các chẩn đoán nhanh chóng và đáng tin cậy hơn. Trong trường hợp tốt nhất, thậm chí tương lai có thể sử dụng như một cách để đoán trước một đại dịch nào đó gây ra bởi loại virus chưa được biết đến.
Phi Phi, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện virus corona COVID-19 Di chứng COVID-19 Tế bào máu