Nghiên cứu: Sống ở thành phố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tâm thần
- Thiện Tâm
- •
Ảnh hưởng xấu của cuộc sống thành thị đối với sức khỏe của người dân thành phố bao gồm tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và hô hấp cao hơn đã được công nhận từ lâu. Nhưng không chỉ vậy, cuộc sống thành phố còn có tác động xấu đến sức khỏe tinh thần của người dân, dễ gây ra các chứng bệnh tâm thần.
Theo thống kê, đến tháng 12/2019, có đến 54% dân số thế giới, tương đương với 4,2 tỷ người đang sinh sống ở các thành phố thay vì ở các vùng nông thôn. Đến năm 2050, dự kiến sẽ có đến 68% dân số toàn cầu sẽ sống ở các khu vực thành thị.
Nguy cơ không thể bỏ qua
Theo một nghiên cứu của Đại học Cambridge, nguy cơ xuất hiện bệnh trầm cảm (chứng rối loạn tâm thần phổ biến nhất trên thế giới, đặc trưng bởi dấu hiện tâm trạng xuống thấp và cảm giác bất lực) ở cư dân đô thị cao hơn 20% so với những người sống bên ngoài thành phố.
Trong khi đó chứng loạn thần (psychosis) – một loại rối loạn tâm thần nghiêm trọng liên quan đến ảo giác, hoang tưởng, rối loạn tư duy có nguy cơ xảy ra đối với cư dân thành thị cao hơn 70% so với những người sống ở vùng nông thôn.
Một nghiên cứu khác cũng cho thấy, người dân đô thị mắc chứng rối loạn lo âu toàn thể (Generalized Anxiety Disorder GAD) – một trạng thái tâm lý đặc trưng bởi cảm giác lo âu, căng thẳng, sợ một điều gì xấu sắp xảy ra cao hơn 21% so với những người sống xa thành phố.
Một báo cáo khác của Trung tâm Thiết kế Đô thị và Sức khỏe Tâm thần – một công ty startup – ước tính rằng cư dân thành phố đối mặt với nguy cơ trầm cảm cao hơn gần 40%, khả năng lo lắng cao hơn 20% và gấp đôi nguy cơ tâm thần phân liệt so với những người sống ở nông thôn.
Điều đáng chú ý là nếu bạn càng sống lâu trong môi trường đô thị thời thơ ấu và thanh thiếu niên, thì nguy cơ mắc bệnh tâm thần ở tuổi trưởng thành càng cao.
Những nguyên nhân
Meyer-Lindenberg, Giám đốc Viện Sức khỏe Tâm thần Trung ương ở Mannheim, Đức và đối tác nghiên cứu của mình, Matilda van den Bosch, một nhà nghiên cứu sức khỏe môi trường tại Đại học British Columbia ở Vancouver, Canada gần đây đã xem xét các bằng chứng khoa học cho một số yếu tố gây căng thẳng thể chất khác nhau, để xem liệu chúng có góp phần gây ra trầm cảm hay không.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện rằng ô nhiễm không khí xảy ra trong thành phố, các kim loại nặng như chì, thuốc trừ sâu, các hóa chất thông thường như bisphenol A (BPA – hóa chất nhân tạo được dùng trong các sản phẩm làm bằng chất dẻo polycarbonate như hộp đựng thức ăn, bình sữa trẻ em, đồ chơi…) và ô nhiễm tiếng ồn có thể góp phần gây ra bệnh trầm cảm.
>> Những loại chai, hộp nhựa nào tuyệt đối không dùng lại nhiều lần?
Meyer-Lindenberg nói, xét theo mặt bằng chung, cư dân thành phố được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục tốt hơn những nơi khác. “Vì vậy, điều kiện ở các thành phố tốt hơn cho hầu hết các khía cạnh của cuộc sống con người… chỉ là sức khỏe tâm thần cho thấy mặt trái của những nơi này.” Ông tin rằng các khu vực đô thị đều có hại sức khỏe tâm thần vì thiếu cây xanh và ô nhiễm không khí.
Những nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng những yếu tố khác liên quan đến môi trường xã hội như sự cô đơn, tỷ lệ tội phạm thực tế, bất bình đẳng xã hội cũng là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cao bị mắc các chứng bệnh tâm thần.
Meyer-Lindenberg cho biết, đối với những người ở các cộng đồng nghèo, tác động có thể đặc biệt mạnh mẽ; Không chỉ căng thẳng về tài chính góp phần gây ra trầm cảm, mà các khu dân cư có thu nhập thấp phải đối mặt với mức độ ô nhiễm không khí, tiếng ồn và phơi nhiễm chì cao một cách tương tự.
Cơ chế gây bệnh tâm thần
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng với những người đang bị trầm cảm, ô nhiễm tiếng ồn khiến chứng rối loạn tâm thần này trầm trọng thêm.
Meyer-Lindenberg nói rằng môi trường xung quanh có thể làm hỏng các tế bào thần kinh của chúng ta, hoặc làm giảm serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh. Người ta phát hiện rằng serotonin bị suy giảm dẫn đến cảm giác buồn chán, giảm sự ham muốn, giảm quan tâm hoặc dễ dàng cáu giận, gặp khó khăn trong việc hoàn thành công việc.
Ô nhiễm không khí và các chất khác còn có thể gây ra phản ứng viêm nhiễm gây ảnh hưởng đến não theo thời gian. Ở trẻ em, việc tiếp xúc với những mối nguy hiểm này cũng có thể ngăn cản não bộ phát triển bình thường, Meyer-Lindenberg cho biết.
Làm gì để giảm nguy cơ mắc bệnh tâm thần khi sống trong thành phố?
Có nhiều nghiên cứu cho thấy nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và các rối loạn tâm thần khác của chúng ta được giảm xuống khi tiếp xúc với thiên nhiên. Con người hoạt động thể chất nhiều hơn khi ở trong thiên nhiên. Cảnh quan, âm thanh và mùi của cây xanh và đại dương có thể xoa dịu tinh thần và giúp tâm trạng của chúng ta phấn chấn hơn.
Trong một thí nghiệm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng sau khi đi dạo trong thiên nhiên, con người ít bị suy nghĩ, giúp giảm đi ám ảnh về những sai lầm và rắc rối của bản thân vốn là đặc điểm chung của các chứng trầm cảm và lo âu.
Đi bộ trong thiên nhiên cũng làm dịu hoạt động ở một số vùng não liên quan đến việc suy ngẫm và phản ứng lại các mối đe dọa, các cảm xúc xấu mà chúng ta đã gặp phải trong xã hội.
Gần 1/5 người lớn ở Hoa Kỳ sống chung với bệnh tâm thần, trong khi trầm cảm được Tổ chức Y tế Thế giới coi là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến mất khả năng lao động trên toàn thế giới. Điều này làm cho việc tìm hiểu thêm về cách thế giới xung quanh đang tác động đến sức khỏe tâm thần của chúng ta như thế nào là vô cùng quan trọng, van den Bosch nói. Bà hy vọng thông tin này sẽ tạo động lực cho các nhà hoạch định chính sách thắt chặt hơn nữa các hạn chế về ô nhiễm không khí và các sản phẩm độc hại khác của các ngành công nghiệp.
Marianthi-Anna Kioumourtzoglou, phó Giáo sư về khoa học sức khỏe môi trường tại Trường Y tế Công cộng Mailman thuộc Đại học Columbia tin rằng tập thể dục, đắm mình trong thiên nhiên hoặc các hoạt động khác có thể bù đắp tác hại của ô nhiễm không khí và các mối nguy hiểm khác lên sức khỏe tâm thần của chúng ta. Vì vậy, việc trồng cây xanh vào các thành phố, nơi tập trung nhiều mối nguy hiểm nhất là rất quan trọng. Các công viên và cây xanh đường phố không chỉ mang lại cho cư dân thành phố sự hồi sinh của tự nhiên, chúng còn giúp giảm bớt tiếng ồn và hấp thụ các chất ô nhiễm.
Kioumourtzoglou thừa nhận rằng chúng ta không thể san phẳng các thành phố và xây lại chúng thành những khu rừng. Nhưng chúng ta có thể lưu ý đến sức khỏe môi trường khi lập kế hoạch xây dựng các khu dân cư mới và sửa sang các khu đô thị hiện có. “Đôi khi phải mất một thời gian để các quy định bảo vệ vệ môi trường mới và các quy định khác có hiệu lực — và chúng ta cần biết mình có thể làm gì trong thời gian này để bảo vệ chính mình,” bà nói.
Thiện Tâm tổng hợp
Từ khóa trầm cảm bệnh tâm thần tâm thần phân liệt cuộc sống thành thị