Trong cuộc sống hiện đại nhiều người nối tiếp nhau qua đời vì mắc bệnh ung thư. Sau khi phát hiện mình bị mắc ung thư họ thường tiếp nhận điều trị y tế. Thi thoảng mới người may mắn chống chọi được gần chục năm, còn đa phần chưa đầy 3 năm là họ đều về cõi vĩnh hằng.

Stamatis Moraitis bị ung thư tự khỏi
(Ảnh: Chụp màn hình BBC)

Ung thư cho tới nay vẫn là câu đố khó giải của giới y học. Dẫu là chuyên gia y học đỉnh cao thế giới, nắm trong tay những thiết bị trị liệu tiên tiến nhất, cũng không thể đảm bảo chắc chắn rằng bệnh ung thư có thể chữa khỏi.

Nhưng tình cờ chúng ta lại gặp những kỳ tích, những người bị ung thư giai đoạn cuối không còn chút hy vọng, nhưng vô tình không chữa mà khỏi.

The New York Times và BBC đã đăng tải câu chuyện có thật về một người lính già 65 tuổi, bị ung thư giai đoạn cuối. Ông từ bỏ việc trị liệu về quê chờ chết, kết quả ngược lại, bệnh của ông không chữa mà khỏi và sống đến 102 tuổi.

Câu chuyện về người lính già ung thư phổi không chữa mà khỏi

Stamatis Moraitis, một người lính già Hy Lạp trong thế chiến thứ 2, định cư ở Mỹ, đã kết hôn và sinh con. Vào năm 1976 vì thở dốc ông đi khám và phát hiện ra bệnh ung thư phổi. Sau khi 10 bác sỹ hội chẩn, đã dự tính ông chỉ có thể sống được khoảng 6-9 tháng nữa. Lúc đó 65 tuổi, ông quyết định từ bỏ trị liệu, trở về quê hương ở hòn đảo Ikaria, Hy Lạp, chờ đợi cái chết trong yên bình, cùng tổ tiên ngủ giấc mộng dài, đồng thời ông tiết kiệm một món tiền an táng lớn.

Vậy nên ông Moraitis cùng vợ con chuyển về sống chung với cha mẹ đã cao tuổi trên hòn đảo Ikaria. Ban đầu ông nằm cả ngày trên giường, vợ và mẹ chăm sóc. Ông vừa chuẩn bị tâm lý đón nhận cái chết, vừa tìm lại tín ngưỡng xưa kia. Chủ nhật hàng tuần ông leo lên ngọn đồi sau nhà, tới hành lễ tại một nhà thờ nhỏ. Trước kia ông nội của ông từng làm mục sư tại đó. Buổi chiều mỗi ngày, những người bạn thuở ấu thơ lại tới tìm ông, vừa uống rượu nho vừa trò chuyện. Ông cảm thấy như vậy chí ít bản thân cũng chết trong hạnh phúc.

Làm thế nào chữa khỏi ung thư?
(Ảnh: Haydan As-soendawy từ Pexels)

Nhưng điều kỳ lạ là, vài tháng qua đi, ông Moraitis vẫn bình an vô sự, ngược lại ông còn cảm thấy sức khỏe tốt hơn. Ban đầu ông trồng rau trong vườn nhà, cũng không nghĩ rằng mình sẽ sống tới ngày thu hoạch, chỉ là ông thích tắm nắng, thích hít thở bầu không khí có mùi biển cả. Nửa năm qua đi, ông Moraitis vẫn khỏe mạnh như thường. Ông không chỉ thu hoạch những khóm rau mình trồng, mà còn dọn dẹp lại vườn nho của dòng họ.

Dần dần ông hòa nhập vào cuộc sống yên tĩnh, tự tại trên đảo. Hàng ngày ông ngủ đến lúc tự tỉnh thì dậy, sau đó ông đến vườn nho làm việc tới tận chiều. Ông dùng một chút đậu ván, đậu gà, khoai tây, hồi hương, bồ công anh và rau mình tự trồng, thêm chút dầu ô liu nấu bữa trưa, ăn no rồi lại ngủ một giấc thật dài. Tối đến ông tới quán rượu nhỏ tại địa phương chơi domino cho tới nửa đêm.

Cứ như vậy “9 tháng qua đi, tôi cảm thấy rất tốt; 11 tháng qua đi, tôi lại cảm thấy khỏe hơn.” Vào năm 2013 khi BBC phỏng vấn, ông Moraitis nói: “Hiện giờ (36 năm sau) tôi vẫn ở đây!”. Tháng 2 năm đó, ông Moraitis qua đời trong yên bình, hưởng thọ 102 tuổi.

25 năm sau khi chuyển về sống tại đảo Ikaria, ông Moraitis từng quay về Mỹ tìm bác sỹ của mình, muốn hỏi xem làm thế nào mà ông ấy lại có thể khỏe mạnh trở lại. Nhưng điều đáng tiếc là, lúc đó toàn bộ các bác sỹ chẩn đoán cho ông đều đã qua đời.

Thái Tùng Ngạn, đồng viện trưởng Bệnh viện Kitô giáo tại Nam Đầu, Đài Loan từng bị ung thư phổi dạng biểu mô tuyến kèm theo ung thư biểu mô tế bào vảy. Sau khi chẩn đoán ông lập tức làm phẫu thuật và xạ trị, phối hợp hoàn toàn với đề xuất của bác sỹ, và hoàn thành toàn bộ liệu trình. Nhưng 5 tháng sau, bệnh ung thư của ông lại bị nghi là tiếp tục tái phát.

Trắc trở này đã kích thích bản năng bác sỹ của Thái Tùng Ngạn, ông bắt đầu suy ngẫm, tìm kiếm thông tin và tiếp xúc với giới y học không chính thống, nhằm tìm ra căn nguyên của bệnh ung thư và nguyên nhân tái phát. Thái Tùng Ngạn coi mình như chuột bạch, tự mình kiểm nghiệm các phương pháp trị liệu hỗ trợ lẫn nhau. Sau một thời gian dài tự mình điều chỉnh, khối u bị nghi là do ung thư phổi tái phát đã biến mất.

Sau đó Thái Tùng Ngạn đã viết một cuốn sách có tên “Tâm chuyển, bệnh tự tiêu”, chia sẻ những tâm đắc của ông về việc điều trị ung thư. Ông chỉ ra rằng, con người bị ung thư chắc chắn là có liên quan mật thiết tới tâm thái và lối sống. Nếu sau khi sinh bệnh vẫn không thay đổi lối sống cũ khiến họ mắc bệnh, thì mọi phương pháp trị liệu y tế tiên tiến nhất cũng chỉ tạm thời đẩy lui căn bệnh mà thôi, nguyên nhân tái phát và di căn vẫn còn, và có thể bùng phát bất cứ lúc nào.

Thái Tùng Ngạn còn đúc kết lại 9 nhân tố thành công từ kinh nghiệm của rất nhiều bệnh nhân ung thư nhưng đã khỏi bệnh một cách thần kỳ như sau:

1. Thái độ tích cực, lạc quan
2. Cảm ơn và sám hối
3. Tâm thái thanh tĩnh, bình hòa
4. Tín ngưỡng vào tôn giáo
5. Vận động thân thể theo quy luật
6. Hít thở không khí trong lành
7. Dinh dưỡng hợp ý trong ăn uống
8. Ngủ đủ giấc
9. Áp dụng đồng thời y học chính thống và không chính thống.

Nếu nhìn lại cách sống của ông Moraitis, chúng ta sẽ phát hiện ra rằng ông đều phù hợp với 8 nhân tố trên. Sở dĩ người lính già này không chữa mà khỏi, rất có thể là vì sau khi chuyển về sống tại đảo Ikaria, ông đã thay đổi triệt để lối sống của mình.

Trên thực tế, đảo Ikaria là làng trường thọ đệ nhất trên thế giới, với 1/3 dân số thọ trên 90 tuổi, những người thọ 100 tuổi cũng không hiếm gặp. Lịch trình ăn uống, nghỉ ngơi của ông Moraitis trên đảo hầu như cũng bao hàm những nhân tố quan trọng giúp điều chỉnh lại cả thân lẫn tâm, ví như:

Ẩm thực Địa Trung Hải: Đây là lối ăn uống lành mạnh được các nhà dinh dưỡng tôn sùng, chủ yếu là ngũ cốc, rau củ, hoa quả, các loại đậu, thịt cá tự nhiên, dầu ôliu , rượu vang; các loại thịt và thức ăn chế biến sẵn rất ít. Rất nhiều món ăn đều giàu chất béo không bão hòa đơn và đa, vitamin và hóa chất thực vật. Rượu nho cũng chứa nhiều hàm lượng resveratrol, một dưỡng chất chống ung thư công hiệu mạnh, tuy vậy liều lượng sử dụng là nên có giới hạn thấp.

Trà thảo mộc: Các loại trà bình dân thường ngày trên đảo Ikaria đều có công hiệu trị bệnh rất cao, ví như bạc hà, hương thảo, cây xô thơm, bồ công anh. Trong các loại thảo dược này đều chứa nhiều hợp chất phenolic, có đặc tính chống ôxy hóa mạnh.

Hàng ngày vận động dưới ánh nắng mặt trời: Ông Moraitis hàng ngày đều làm việc tại vườn rau và vườn nho.

Ngủ đúng giờ và đủ giấc: Người dân trên đảo đảo Ikaria thường ngủ muộn, dậy muộn và còn có thói quen ngủ trưa, ông Moraitis cũng không ngoại lệ.

Sống tại nơi có bầu không khí trong lành, không bị ô nhiễm.

Nhịp sống chậm rãi, tùy hứng, không có áp lực.

Tín ngưỡng vào tôn giáo: Chủ nhật hàng tuần ông Moraitis cũng đều tới nhà thờ hành lễ.

Sau khi mắc bệnh ung thư, ông Moraitis đã vô tình bước vào một hệ sinh thái khỏe mạnh, trường thọ. Môi trường, văn hóa và phong tục tập quán tại địa phương đã khiến ông từ bỏ lối sống không lành mạnh tại Mỹ, hòa nhập vào lối ẩm thực, nghỉ ngơi và tín ngưỡng lành mạnh trên đảo Ikaria. Đây có lẽ là điều then chốt giúp bệnh của ông không trị mà khỏi.

Lời kết trong cuốn sách của Thái Tùng Ngạn nói rằng cách chữa trị ung thư quan trọng nhất là “thay đổi”, biết cách thay đổi như thế nào, nguyện ý thay đổi sau đó thực hành trong thực tiễn.

Lê Minh