Cứ 40 giây lại có 1 người ở Hoa Kỳ lên cơn nhồi máu cơ tim. Nhiều người không nhận ra tầm quan trọng của giấc ngủ trong quá trình phục hồi.

Nhoi mau co tim
Cứ 40 giây lại có 1 người ở Hoa Kỳ lên cơn nhồi máu cơ tim. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, tim ra hiệu cho não ngủ nhiều hơn sau cơn nhồi máu cơ tim.

Phản ứng này rất cần thiết cho quá trình phục hồi, vì giấc ngủ ngon là “yếu tố quan trọng để chữa lành tim”, theo một nghiên cứu mới được công bố trên Nature (Tập san Tự nhiên) vào thứ Tư (30/10/2024).

Giấc ngủ giúp cơ thể chữa lành bằng cách hạn chế tổn thương thêm cho tim, nhà nghiên cứu chính Cameron McAlpine, Phó giáo sư tim mạch tại Trường Y khoa Icahn ở Mount Sinai, nói với The Epoch Times.

Phó giáo sư McAlpine cho biết: “Nhu cầu nghỉ ngơi này đặc biệt quan trọng khi bạn đang ở trong bệnh viện, cho dù ở khoa tim hay khoa chăm sóc đặc biệt. Khi bạn trở về nhà, việc ưu tiên giấc ngủ trong những tuần và tháng sau cơn nhồi máu cơ tim cũng quan trọng không kém. Khi ngủ đủ giấc, tim có thể phục hồi chức năng và ngăn ngừa các vấn đề lâu dài”.

Tín hiệu ẩn của tim

Tại nghiên cứu liên quan đến chuột và người, nhóm nghiên cứu Mount Sinai đã quan sát thấy vai trò quan trọng của giấc ngủ trong quá trình phục hồi sau cơn nhồi máu cơ tim.

Trong nghiên cứu, những con chuột được ngủ có thời gian ngủ tăng gấp 3 lần, dẫn đến chức năng tim tốt hơn với đặc trưng bởi nhịp tim đều đặn hơn và mức protein có hại thấp hơn.

Ngược lại, những con chuột bị gián đoạn giấc ngủ sẽ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng hơn về tim, bao gồm nhịp tim nguy hiểm và tỷ lệ tử vong cao hơn.

Các nghiên cứu trên người cũng phản ánh những phát hiện này. Trong số 78 bệnh nhân – những người báo cáo có chất lượng giấc ngủ tốt trong 4 tuần sau cơn nhồi máu cơ tim đã có những cải thiện đáng kể về chức năng tim trong vòng 2 năm; Kết quả siêu âm tim trong vòng 6 tháng sau khi họ rời bệnh viện cho thấy tim của họ có thể bơm máu tốt hơn.

Họ cũng ít gặp các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tim hơn, chẳng hạn như các cơn nhồi máu cơ tim hoặc nhập viện thêm.

Ngược lại, những người ngủ kém có nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch khác cao hơn và không có những cải thiện tương tự, theo nghiên cứu.

Một yếu tố chính của khám phá này là cách tim giao tiếp với não thông qua các tế bào miễn dịch gọi là tế bào đơn nhân. Sau cơn nhồi máu cơ tim, các tế bào này di chuyển đến não và sản xuất ra một phân tử gọi là yếu tố hoại tử khối u (TNF). Protein này kích hoạt các tế bào thần kinh ở đồi thị, một vùng não quan trọng để điều chỉnh giấc ngủ, ý thức và trí nhớ.

Theo các nhà nghiên cứu, quá trình này thúc đẩy “giấc ngủ phục hồi để trợ giúp cho quá trình chữa lành tim sau chấn thương” bằng cách giảm căng thẳng cho tim và hạn chế tình trạng viêm, điều này rất quan trọng đối với quá trình phục hồi.

Phó Giáo sư McAlpine cho biết “Kết quả mà chúng tôi xác định được là: việc tăng thời gian ngủ thực sự đã giúp làm giảm lượng căng thẳng giao cảm xảy ra ở tim. Điều này giúp quá trình chữa lành giảm viêm và cuối cùng giúp tim phục hồi chức năng” như trước khi bị nhồi máu cơ tim.

Căng thẳng giao cảm làm tăng nhịp tim và huyết áp, gây thêm áp lực cho tim và làm tăng tình trạng viêm.

Viêm tim đặc biệt liên quan đến quá trình chữa lành sau cơn nhồi máu cơ tim vì nó có thể gây hại cho niêm mạc, van tim, cơ và mô xung quanh. Viêm quá mức có thể dẫn đến nhịp tim không đều, suy tim và bệnh tim mạch vành. Bằng cách kiểm soát tình trạng viêm thông qua giấc ngủ, tim có thể tự chữa lành tốt hơn, cải thiện chức năng tổng thể và giảm nguy cơ mắc các vấn đề lâu dài.

Khi ngủ, nhịp tim và huyết áp của cơ thể giảm xuống, hơi thở trở nên ổn định và đều đặn.

“Điều cần thiết là phải nhận ra rằng, ngủ nhiều hơn là một phản ứng lành mạnh trong quá trình phục hồi”, Phó Giáo sư McAlpine cho biết. “Các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe nên trợ giúp bệnh nhân nghỉ ngơi đầy đủ sau cơn nhồi máu cơ tim”.

Vào năm 2022, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đã thêm thời gian ngủ vào danh sách “8 điều thiết yếu của cuộc sống” cùng với phương thức ăn uống, tập thể dục và cai thuốc lá – các biện pháp lối sống chính để duy trì một trái tim khỏe mạnh. Ngủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm giúp mọi người kiểm soát cân nặng, huyết áp và cholesterol hiệu quả hơn, tất cả đều giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, theo AHA.

Kê đơn thuốc ngủ trong các chương trình phục hồi

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hàng năm, có khoảng 805.000 người Mỹ bị nhồi máu cơ tim, trong đó có 605.000 người bị nhồi máu cơ tim lần đầu. Điều này nhấn mạnh nhu cầu thực hành phục hồi hiệu quả.

Phó Giáo sư cho biết “Nhiều chương trình quản lý tim mạch không ưu tiên giấc ngủ như họ nên làm”.

“Chúng tôi hy vọng nghiên cứu của mình sẽ nâng cao nhận thức của các bác sĩ lâm sàng, học viên và bệnh nhân về tầm quan trọng của giấc ngủ trong quá trình phục hồi. Bên cạnh phương thức ăn uống, tập thể dục và các thay đổi lối sống lành mạnh khác thì việc đảm bảo ngủ đủ giấc nên là trọng tâm chính trong kế hoạch phục hồi của bạn”.

Mẹo để ngủ ngon hơn

Theo tờ thông tin về giấc ngủ của AHA, có một số lời khuyên giúp cải thiện giấc ngủ bao gồm:

  • Di chuyển thiết bị: Nên sạc thiết bị ở nơi xa giường ngủ để giảm sự mất tập trung và cảm giác choáng ngợp.
  • Làm mờ thiết bị: Sử dụng bộ lọc màu đỏ hoặc làm mờ màn hình vào ban đêm để giảm thiểu tiếp xúc với ánh sáng xanh, có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
  • Cài đặt: Sử dụng báo thức trước khi đi ngủ để báo hiệu đến giờ nghỉ ngơi vào ban đêm.
  • Khóa chương trình: Cài đặt trình chặn ứng dụng để tránh bị phân tâm bởi email, mạng xã hội hoặc trò chơi vào đêm khuya.
  • Tắt chương trình: Kích hoạt chế độ “không làm phiền” để tắt tiếng thông báo có thể làm gián đoạn giấc ngủ. Tốt nhất là nên đặt điện thoại ở chế độ máy bay qua đêm.

Mối đe dọa sức khỏe số 1 đối với người Mỹ

Dau tim
Nhồi máu cơ tim là căn bệnh số 1 đe dọa sức khỏe đối với người Mỹ. (Ảnh minh họa: PanuShot/ Shutterstock)

Theo CDC, bệnh tim vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho cả nam và nữ tại Hoa Kỳ, lấy đi sinh mạng của hơn 700.000 người mỗi năm. Con số này chiếm 1 trong 5 ca tử vong.

Độ tuổi trung bình mà mọi người bị cơn nhồi máu cơ tim đầu tiên là 65,5 tuổi đối với nam giới và 72 tuổi đối với nữ giới, với nguy cơ tăng theo tuổi tác. Mặc dù cơn nhồi máu cơ tim ít phổ biến hơn ở những người trẻ tuổi, nhưng vào năm 2019, Học viện Tim mạch Hoa Kỳ đã báo cáo rằng, số cơn nhồi máu cơ tim tăng 2%/năm ở những người dưới 40 tuổi trong thập niên qua.

Bệnh động mạch vành, loại bệnh tim phổ biến nhất ở Hoa Kỳ, có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Tình trạng này xảy ra khi mảng bám tích tụ trong các động mạch cung cấp máu cho tim và cơ thể, làm hẹp các động mạch và có khả năng chặn lưu lượng máu. Cơn nhồi máu cơ tim xảy ra khi cơ tim không nhận đủ máu, dẫn đến tổn thương và suy giảm chức năng.

Tác giả Cara Michelle Miller, Theo The Epoch Times

Khánh Ngọc biên dịch.

Xem thêm: