Gần đây, chính phủ nước châu Phi Tanzania đã đưa ra cảnh báo rằng các loại thuốc Đông y và thực phẩm chức năng do Triều Tiên sản xuất có hàm lượng kim loại nặng vượt mức tiêu chuẩn nghiêm trọng, có thể gây nguy hại đến sức khỏe con người. Sau khi được cơ quan an toàn thực phẩm và dược phẩm Tanzania kiểm tra, đã phát hiện trong đó có một loại thuốc mà Triều Tiên tuyên bố là “thần dược vạn năng” mang tên “An Cung Ngưu Hoàng Hoàn” (Angung Uhwanghwan), có hàm lượng thủy ngân lên đến 9556 ppm, vượt ngưỡng an toàn gần 40.000 lần.

p3673171a786582985
Chính phủ Tanzania đã cảnh báo rằng nhiều thực phẩm chức năng sản xuất tại Triều Tiên có hàm lượng kim loại nặng quá mức và có thể gây ra tác dụng phụ sau khi tiêu thụ. (Nguồn ảnh: Truyền thông chính thức của Triều Tiên)

Theo báo Daily NK trích dẫn Tanzania Times cho biết, Cục An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Tanzania đã tiến hành kiểm nghiệm 9 loại thực phẩm chức năng do Triều Tiên sản xuất và phát hiện 8 trong số đó có hàm lượng kim loại nặng vượt ngưỡng. Trong đó, Hắc Sâm Lực Khang (Heuk Samryeokgang) được phát hiện có hàm lượng asen là 8,71 ppm, thủy ngân 41,6 ppm và cadimi 0,35 ppm; còn loại Tân Sâm Cường Tinh (Saesam Gangjeong) chứa 7,3 ppm thủy ngân và 0,46 ppm cadimi, thậm chí còn phát hiện có thành phần sildenafil (Viagra) lên đến 233 ppm. Ngoài ra, một số sản phẩm còn bị phát hiện có chì và tadalafil, một hoạt chất dùng trong thuốc điều trị rối loạn cương dương.

Giới chức Tanzania nhấn mạnh rằng, các loại thuốc Đông y và thực phẩm chức năng do Triều Tiên sản xuất này chứa những thành phần nguy hiểm có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng, do đó kêu gọi người dân tránh mua và sử dụng.

Thực tế, từ năm 2016, hoạt động y tế của Triều Tiên tại Tanzania đã từng gây tranh cãi. Khi đó, các bác sĩ y học cổ truyền Triều Tiên hợp tác với các lương y bản địa, sử dụng một thiết bị chẩn đoán gọi là Máy phân tích cộng hưởng từ lượng tử (Quantum Resonance Magnetic Analyzer – QRMA) để khám bệnh, và bán các loại thuốc với giá cao. Sau khi chính quyền vào cuộc điều tra, các phòng khám liên quan đã bị đóng cửa.

Một trường hợp khác cho thấy, một thanh niên 19 tuổi đến khám tại một phòng khám Triều Tiên ở địa phương do bị ho, được điều trị bằng giác hơi, châm cứu và uống thuốc không rõ nguồn gốc của Triều Tiên. Tuy nhiên, bệnh tình không những không cải thiện mà sau đó còn được chẩn đoán là mắc bệnh lao tại một bệnh viện khác.

Triều Tiên là một trong những quốc gia khép kín nhất thế giới, điều này khiến việc giám sát và truy xuất nguồn gốc sản phẩm của họ trở nên vô cùng khó khăn. Do tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm trong nước thấp và việc kiểm soát chất lượng hàng xuất khẩu lỏng lẻo, các loại thực phẩm chức năng do Triều Tiên sản xuất khó được thị trường quốc tế công nhận. Ngoài ra, hầu hết sản phẩm xuất khẩu của Triều Tiên đều được đưa vào các quốc gia khác thông qua các thương nhân trung gian, gây khó khăn cho cơ quan quản lý trong việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Tác hại của ô nhiễm kim loại nặng

Ô nhiễm kim loại nặng là một vấn đề nghiêm trọng trong an toàn thực phẩm. Các kim loại như chì, thủy ngân, asen và cadimi, nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể con người, sẽ gây tổn thương đến hệ thần kinh, gan, thận và xương, đặc biệt ở nồng độ cao sẽ làm tăng nguy cơ ngộ độc. Theo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế, nồng độ của các chất này phải được kiểm soát ở mức cực kỳ thấp, nếu không sẽ gây ra tổn hại không thể phục hồi cho sức khỏe con người.

  • Chì: Ngộ độc chì gây tổn hại lâu dài đến não, gan và thận, đặc biệt nguy hiểm đối với trẻ em, có thể gây chậm phát triển và rối loạn học tập.
  • Thủy ngân: Ngộ độc thủy ngân ảnh hưởng đến hệ thần kinh, có thể gây tổn thương não không thể phục hồi; phơi nhiễm lâu dài làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch.
  • Asen: Là chất gây ung thư; tiêu thụ lâu dài với hàm lượng vượt chuẩn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư da và phổi.
  • Cadimi: Ảnh hưởng chủ yếu đến thận và xương; tiếp xúc lâu dài có thể gây suy giảm chức năng thận và loãng xương.

Do đó, khi các kim loại nặng này xâm nhập vào cơ thể, chúng có thể gây ngộ độc cấp tính trong thời gian ngắn và các bệnh mãn tính nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu tiếp xúc kéo dài.