Thêm nhiều ca ngộ độc sau khi ăn cá ủ chua tại Quảng Nam
- Sơn Nguyên
- •
Tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam vừa liên tiếp xảy ra 2 vụ ngộ độc sau khi ăn cá ủ chua – món ăn truyền thống của người địa phương. Sự việc xảy ra chỉ khoảng 4 tháng sau chùm 3 ca ngộ độc cá chép ủ chua khiến 10 người ngộ độc.
- 10 người ngộ độc do ăn cá chép ủ chua, BV Chợ Rẫy đem thuốc hiếm đi cứu
- TP.HCM: Người đàn ông ngộ độc botulinum tử vong trước khi kịp truyền thuốc giải
Sáng 26/7, theo thông tin từ Sở Y tế Quảng Nam, một số người dân xã Phước Chánh (huyện Phước Sơn) vừa bị ngộ độc sau khi ăn món cá ủ chua tự làm.
Trường hợp ngộ độc thứ nhất xảy ra với nhóm người có hộ khẩu thường trú tại thôn 2, xã Phước Chánh, đang đi làm công nhân tại TP. Đà Nẵng.
Khoảng 11h ngày 21/7, tại phòng trọ ở quận Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), anh Hồ Văn N. (SN 1990) ăn cơm trưa cùng vợ là chị Hồ Thị H. (SN 1999), và 2 anh em công nhân là Hồ Văn Đèo (SN 2001), Hồ Văn Quốc (SN 1998).
Bữa ăn gồm món cá niên do anh N. đánh bắt ở suối Nước Mỹ (xã Phước Chánh) mang về tự ủ chua, cùng cơm, cá nục tươi chiên, canh rau nấu với cá nục.
Sau khi ăn cơm, mọi người vẫn làm việc bình thường. Đến 18h cùng ngày, tất cả tập trung tại phòng trọ, ăn tối với thức ăn như lúc trưa. Đến 19h, chị H. buồn nôn, nôn 5 lần kèm nước và thức ăn, khó thở, đại, tiểu tiện khó, được đưa đến Trung tâm y tế quận Sơn Trà để theo dõi và điều trị. Đến sáng 24/7, chị H. tiến triển nặng hơn, khó thở, mắt nhìn mờ, bụng chướng, được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng.
Trong khi chị H. đang ở Trung tâm y tế quận Sơn Trà, vào khoảng 5h ngày 22/7, anh Đ. – người cùng ăn cơm với vợ chồng chị H. – buồn nôn, nôn trên 10 lần, người mệt, đau đầu, đau họng, choáng, không ăn uống được. Tới 10h cùng ngày, anh Đ. được bạn cùng phòng chở từ Đà Nẵng về huyện Phước Sơn để nhập viện. Đến ngày 24/7, bệnh nhân vẫn mệt, ăn uống kém, mắt nhìn mờ, bụng chướng nên được chuyển lên Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam (huyện Đại Lộc) để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Hai người còn lại cùng ăn cơm là anh N. và anh Q. không có triệu chứng gì bất thường.
Trường hợp ngộ độc thứ 2 là thiếu niên 14 tuổi trong một gia đình gồm 7 người tại thôn 4, xã Phước Chánh.
Trong bữa trưa của gia đình ngày 23/7 có món cá thập cẩm (cá niên, cá rô, cá trắng) tự đánh bắt tại suối Nước Mỹ về ủ chua.
Khoảng 11h ngày 23/7, gia đình ăn cơm trưa với cá ủ chua (gồm cá niên, cá rô, cá trắng) do anh Hồ Văn T. đánh bắt ở suối Nước Mỹ (xã Phước Chánh) về tự làm. Sau khi ăn, cháu Hồ Văn Q. cùng mẹ về nhà. Đến 18h, Q. và mẹ ăn cơm tối với cá kho. Đến 20h, Q. đau đầu, nôn 5 lần, choáng, người mệt mỏi.
Trong ngày 24/7, Q. không ăn uống được, nôn 2 lần, tới khoảng 20h được anh trai đưa vào khoa Cấp cứu Trung tâm y tế huyện Phước Sơn. Sau khi được truyền dịch, Q. được chuyển lên Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía bắc Quảng Nam trong tối cùng ngày.
Các thành viên còn lại trong gia đình không có triệu chứng bất thường.
Khoảng 4 tháng trước, ngày 5/3, 14/3 và 16/3, tại huyện Phước Sơn liên tiếp xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm khiến tổng cộng 10 người nhập viện.
Tới ngày 18/3, khi Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn, một phụ nữ 40 tuổi đã tử vong. Các bác sĩ chẩn đoán cả 3 chùm ca bệnh ngộ độc Botulinum do ăn cá chép muối ủ chua. Do trong quá trình chế biến, cá được bỏ vào hộp thủy tinh đóng kín để ủ, sau 2-3 tuần mới lấy ra ăn, đã tạo điều kiện yếm khí cho vi khuẩn Clostridium Botulinum phát triển.
Năm lọ thuốc giải độc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra Quảng Nam để điều trị cho các ca bệnh. Đây là loại thuốc hiếm, có giá thành hơn 8.000 USD/lọ, còn sót lại sau đợt Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) viện trợ cho Việt Nam trong vụ ngộ độc Botulinum do pate Minh chay.
Từ khóa ngộ độc botulinum cá ủ chua