Thực phẩm siêu chế biến đã trở thành một phần quan trọng trong khẩu phần ăn của nhiều trẻ em và không có gì ngạc nhiên khi những thực phẩm như vậy đi kèm với một cái giá phải trả về sức khỏe.

Một nghiên cứu cắt ngang được công bố trên JAMA (Tập san của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ) vào tháng 5 đã tiết lộ rằng trẻ em tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến có chỉ số khối cơ thể (BMI – Body Mass Index), vòng eo, chỉ số khối mỡ và đường huyết lúc đói cao hơn và có mức cholesterol HDL (loại “tốt”) thấp hơn.

Do đó, hiểu được ý nghĩa của việc lựa chọn khẩu phần ăn uống là điều cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho các thế hệ tương lai. Nghiên cứu nhấn mạnh đến “nhu cầu có các sáng kiến ​​y tế công cộng nhằm thúc đẩy việc thay thế UPF [thực phẩm siêu chế biến] bằng thực phẩm chưa qua chế biến hoặc được chế biến ở mức tối thiểu.

Thực phẩm siêu chế biến gây hại cho trẻ em như thế nào?

thuc pham che bien x image
Những thức ăn nhanh mà giới trẻ ưa thích có thuộc loại thực phẩm chế biến? (Ảnh: Shutterstock)

Theo các tác giả thì tác động tiêu cực của thực phẩm siêu chế biến đối với sức khỏe người lớn đã được nghiên cứu rất kỹ, nhưng “bằng chứng về dịch tễ học ở trẻ em vẫn còn hạn chế và gây tranh cãi.

Nghiên cứu cắt ngang này đã xem xét 1.426 trẻ em từ 3 đến 6 tuổi, với độ tuổi trung bình là 5,8 tuổi. Các nhà nghiên cứu đã phân loại trẻ em thành 3 nhóm theo mức độ tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến.

Các phát hiện cho thấy rằng những trẻ em tiêu thụ lượng thực phẩm siêu chế biến nhiều nhất đã có nhiều các biểu hiện yếu tố nguy cơ như chỉ số khối cơ thể cao, tỷ lệ eo/chiều cao và huyết áp tâm thu.

Nghiên cứu này nhấn mạnh đến mối quan hệ giữa việc trẻ em tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến và sức khỏe tim mạch chuyển hóa trong tương lai.

Theo nghiên cứu, việc tiêu thụ quá nhiều đồ uống có đường có thể làm chậm cảm giác no, dẫn đến việc tiêu thụ nhiều calo hơn và nhiều loại thực phẩm siêu chế biến được thiết kế để gây ra sự gia tăng nhanh chóng lượng đường trong máu.

Lượng calo dư thừa, chất béo bão hòa và đường thường dẫn đến tăng cân và nguy cơ béo phì cao hơn – một yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh tim mạch.

Nghiên cứu cũng cho thấy rằng trẻ em ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến có xu hướng ăn ít trái cây và rau quả hơn – vốn được biết đến như loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe tim mạch chuyển hóa.

Cuối cùng, nghiên cứu kết luận rằng cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu nữa, “Những phát hiện này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy tiêu thụ thực phẩm chưa qua chế biến hoặc chế biến ở mức tối thiểu và giảm tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến (UPF), đặc biệt là từ khi còn nhỏ.

Vấn đề nổi cộm

Thực phẩm siêu chế biến
Các loại thực phẩm siêu chế biến như bánh mì đóng gói, xúc xích, nước tăng lực không chỉ gây ra các căn bệnh về thể chất mà còn khiến sức khỏe tinh thần của bạn bị bào mòn nghiêm trọng.(Ảnh: Ground Picture/ Shutterstock)

Thực phẩm siêu chế biến có sẵn ở khắp mọi nơi, giá rẻ và thường được tiếp thị trực tiếp cho trẻ em. Nghiên cứu lưu ý rằng các nghiên cứu trước đây cho thấy, các loại thực phẩm siêu chế biến chính được tiêu thụ bao gồm bánh ngọt, đồ uống có đường, bánh quy và kẹo.

Trẻ em cũng tiêu thụ một lượng lớn đồ uống có đường và thực phẩm siêu chế biến nhiều hơn người lớn. Một nghiên cứu được công bố trên Diabetes Care (Tập san Chăm sóc bệnh tiểu đường) năm 2023 dự đoán tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 ở những người dưới 20 tuổi sẽ tăng gần 700% vào năm 2060 tại Hoa Kỳ.

20% trẻ em và thanh thiếu niên ở Hoa Kỳ bị béo phì và 16% được coi là thừa cân. Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp được công bố trên JAMA Pediatrics (Tập san Nhi khoa JAMA) vào tháng 6 cho thấy, cứ 5 trẻ em hoặc thanh thiếu niên trên toàn thế giới thì có 1 trẻ đang thừa cân, trong đó thực phẩm chế biến được liệt kê là nguyên nhân gây ra tình trạng này, đặc biệt là ở Hoa Kỳ và Châu Âu.

Tin tốt là các yếu tố nguy cơ như khẩu phần ăn uống và hoạt động thể chất là những yếu tố có thể thay đổi được. Một nghiên cứu được công bố trên Pediatric Obesity (Tập san Béo phì ở Trẻ em) năm 2019 cho thấy, những trẻ em tuân thủ lối sống lành mạnh khi được 4 tuổi, bao gồm giảm lượng thực phẩm siêu chế biến và tăng cường tập thể dục, sẽ giảm được nguy cơ béo phì khi được 7 tuổi.

Trong khi việc giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, thực hiện các thay đổi về khẩu phần ăn uống và lối sống cho trẻ em được cho là lý tưởng thì những hướng thay đổi khác cũng đang được khám phá.

Thuốc giảm cân và điều trị bệnh tiểu đường GLP-1 cho trẻ em

Một giải pháp mới đang được áp dụng để chống lại tác động của khẩu phần ăn uống kém ở trẻ em là sử dụng các loại thuốc giảm cân phổ biến. Eli Lily & Company – công ty sản xuất Ozempic và Novo Nordisk, công ty sản xuất Wegovy, đã bắt đầu thử nghiệm thuốc GLP-1 trên trẻ từ 6 tuổi trở lên. Wegovy hiện đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận dùng cho trẻ em trên 12 tuổi bị béo phì.

GLP-1, hay peptide-1 giống glucagon, là một loại hormone tự nhiên được sản xuất trong ruột. GLP-1 đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh lượng đường trong máu bằng cách kích thích tiết insulin và ức chế giải phóng glucagon. GLP-1 cũng giúp làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày, có thể giúp kiểm soát cảm giác thèm ăn và giảm lượng thức ăn nạp vào.

Thuốc GLP-1, còn được gọi là thuốc chủ vận thụ thể GLP-1, là thuốc tiêm được dùng để điều trị bệnh tiểu đường loại 2. Thuốc GLP-1 là phiên bản tổng hợp của hormone tự nhiên và hoạt động bằng cách bắt chước tác dụng của GLP-1, giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Những loại thuốc này có thể kích thích sản xuất insulin, giảm sản xuất glucose ở gan và làm chậm tốc độ làm rỗng dạ dày. Thuốc GLP-1 có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, giảm cân và giảm nguy cơ mắc các biến cố tim mạch.

Tuy nhiên, có một số tác dụng phụ khi dùng  thuốc GLP-1 cho trẻ em. Một quan điểm được công bố trên The Journal of Clinical and Translational Science (Tập san Khoa học Lâm sàng và Chuyển dịch) năm 2023 đã nêu ra những lo ngại này. Các tác giả cảnh báo, “Người ta ít chú ý đến những hậu quả không mong muốn hoặc tác động bất lợi có thể xảy ra của những loại thuốc này đối với trẻ em và thanh thiếu niên trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển quan trọng của trẻ.

Không giống như người lớn – những người sử dụng calo làm nguồn năng lượng cho hoạt động thể chất – trẻ em và thanh thiếu niên vẫn đang trong quá trình phát triển và cần năng lượng từ thực phẩm bổ dưỡng cho cơ thể và các cơ quan đang phát triển của mình. Do đó, việc dùng thuốc GLP-1 ở trẻ em cần được cân nhắc cẩn thận giữa lợi ích tiềm năng và rủi ro tiềm ẩn đối với sự tăng trưởng và phát triển của trẻ.

Các tác giả của quan điểm này thừa nhận lợi ích của thuốc GLP-1 đối với trẻ em mắc bệnh béo phì bệnh lý và tiểu đường loại 2 nhưng cũng tin rằng thuốc có khả năng bị sử dụng quá mức và có thể bị lạm dụng ở nhóm tuổi này.

Kêu gọi ban hành luật ghi nhãn cho thực phẩm siêu chế biến

Một giải pháp được đề xuất khác là bắt buộc phải dán nhãn dinh dưỡng ở mặt trước bao bì đối với thực phẩm siêu chế biến. Các quốc gia khác đã có hành động trong lĩnh vực này và Hoa Kỳ có thể cũng sẽ thực hiện trong một ngày gần nhất.

Vào tháng 6, Thượng viện đã đưa ra Đạo luật Giảm thiểu bệnh tiểu đường ở trẻ em. Đạo luật mang tính bước ngoặt này là luật liên bang đầu tiên tại Hoa Kỳ cấm quảng cáo “thức ăn vặt” cho trẻ em và yêu cầu FDA thực thi dán nhãn cảnh báo về sức khỏe và dinh dưỡng.

Đạo luật này cũng kêu gọi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ nghiên cứu các nguy cơ liên quan đến thực phẩm siêu chế biến và tạo ra một sáng kiến ​​giáo dục toàn quốc cho trẻ em thông qua Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh. Đạo luật này nhằm mục đích giảm lượng tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến ở trẻ em, từ đó làm giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường loại 2 và các tình trạng sức khỏe liên quan khác.

Việc dán nhãn dinh dưỡng ở mặt trước bao bì đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giúp người tiêu dùng lựa chọn được thực phẩm lành mạnh hơn. Nghiên cứu cho thấy, nhãn rõ ràng và dễ hiểu có thể ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng cũng như dẫn đến những thay đổi trong công thức sản phẩm.

Một nghiên cứu được công bố trên Frontiers in Nutrition (Tập san Tiên phòng trong Dinh dưỡng) năm 2021 cho thấy, sau khi thực hiện luật ghi nhãn ở Chile, lượng đường sử dụng đã giảm và lượng chất tạo ngọt không dinh dưỡng (như stevia và sucralose) trong thực phẩm đóng gói đã tăng lên.

Các sản phẩm cũng được điều chỉnh công thức để tuân thủ theo quy định của luật về hàm lượng đường. Dữ liệu từ luật ghi nhãn cho thấy, các gia đình ở Chile đã mua ít hơn 27% lượng đường từ các loại thực phẩm có nhãn cảnh báo.

Tuy nhiên, hiệu quả của việc ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước bao bì có thể phụ thuộc vào thiết kế và định dạng cụ thể được sử dụng cũng như bối cảnh thực hiện nói chung.

7 nguy cơ sức khỏe của thực phẩm siêu chế biến

  • Tử vong: Tử vong do mọi nguyên nhân, tử vong liên quan đến ung thư và bệnh tim mạch
  • Ung thư: Ung thư tổng thể, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, khối u hệ thần kinh trung ương, bệnh bạch cầu lympho mạn tính, ung thư tuyến tụy và ung thư tuyến tiền liệt
  • Sức khỏe tâm thần: Ngủ kém, lo lắng, rối loạn tâm thần thông thường và trầm cảm (đặc biệt là khi tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo)
  • Sức khỏe tim mạch: Bệnh tim mạch, cao huyết áp, tăng triglycerid máu và nồng độ cholesterol HDL thấp
  • Sức khỏe hô hấp: Hen suyễn và thở khò khè
  • Sức khỏe đường tiêu hóa: Bệnh Crohn và viêm loét đại tràng
  • Sức khỏe trao đổi chất: Béo bụng, đường huyết cao, hội chứng chuyển hóa, bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, béo phì và tiểu đường loại 2.

Bản chất gây nghiện của thực phẩm siêu chế biến

Ước tính rằng khoảng 14% người lớn và 12% trẻ em có thể gặp các vấn đề liên quan đến chứng nghiện thực phẩm siêu chế biến.

Chứng nghiện thực phẩm siêu chế biến, giống như chứng nghiện điện thoại thông minh và rượu, có thể ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe tâm thần. Các thành phần phức tạp trong thực phẩm siêu chế biến, chẳng hạn như carbohydrate tinh chế và chất béo, có thể kích thích não tiết ra một lượng lớn dopamine, đạt đến mức tương tự như các chất nicotin và rượu, từ đó góp phần gây nghiện.

Lời khuyên để kiểm soát lượng thực phẩm siêu chế biến

Trong môi trường thời nay, sự cám dỗ của thực phẩm siêu chế biến là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, cần phải nhận biết tính chất gây nghiện và mối nguy hiểm cho sức khỏe của những thực phẩm này. Chúng nên được thưởng thức ở mức độ vừa phải. Nếu dấu hiệu nghiện xuất hiện, việc can thiệp sớm là rất quan trọng.

Trong số các thực phẩm siêu chế biến, nên chọn những thực phẩm tương đối lành mạnh hơn. Ví dụ, đối với bữa sáng, nên chọn loại ngũ cốc ít đường, natri, muối, carbohydrate tinh chế và nhiều chất xơ hơn. Ngoài ra, trộn ngũ cốc có đường với ngũ cốc không đường có thể giúp giảm hàm lượng đường tổng thể.

Ví dụ như bánh socola phổ biến có chứa một lượng đáng kể các chất phụ gia hóa học, chẳng hạn như chất làm đặc phức tạp, chất nhũ hóa và chất cải thiện chất lượng mỡ nướng. Mỗi 100g bánh socola chứa 26,3g đường, chiếm hơn 1/4 thành phần, cùng với 17,7g chất béo. Do đó, không nên dùng loại bánh như vậy như một món ăn nhẹ hàng ngày và nên tránh tiêu thụ trừ khi có dịp đặc biệt.

Nguyên Khang biên dịch và t/h
Theo
The Epoch Times

Xem thêm: