Ngày nay, người “bụng bia” càng lúc càng nhiều, bụng bia cũng không còn là một biểu tượng của “đại gia”, mà là sát thủ của sức khỏe. “Bụng bia” về mặt y học được biết đến như là “bệnh béo phì vùng bụng”, vậy thì bụng lớn như thế nào thì được gọi là “bụng bia”? Theo quan điểm thông thường, đối với nam giới bị vòng bụng hơn 90 cm, nữ giới bị vòng bụng hơn 85 cm, có thể xem là “bụng bia”.

beer800
Không kiểm soát việc ăn những thức ăn giàu chất béo, nhiệt lượng cao, và thiếu vận động là nguyên nhân gây ra “bụng bia” (Ảnh: muscleandstrength)

Nguy hại của “bụng bia” đối với cơ thể

Trong số những người đàn ông có “bụng bia”, 90% số người có vấn đề về gan dưới các dạng khác nhau, trên 1/3 số người bị lipid máu cao, hơn 1/2 số người bị bệnh về tim hoặc tiểu đường, và trên 60% số người bị huyết áp cao. Trong “bụng bia” có gì mà nguy hại lớn như thế? Ngoài dịch mô, máu và các cơ quan nội tạng, cơ bản nhất vẫn là mỡ. Nhưng toàn là mỡ mà tại sao lại cứng như vậy? Không phải mỡ rất mềm sao? Trong thực tế, bụng càng cứng thì nguy cơ về sức khỏe càng lớn, khi nhiệt lượng dư thừa nghiêm trọng thì mỡ cơ thể tích tụ quanh vùng bụng, do mỡ dưới da quá dày, theo thời gian sẽ hình thành hiện tượng “bụng bia”, bụng cứng hơn những người khác.

Nếu “bụng bia” càng cứng thì nguy hại cho cơ thể càng lớn. Như vậy, bụng bia cuối cùng hình thành như thế nào? Có phải chủ yếu là do uống bia? Dĩ nhiên là không phải thế.

Lý do hình thành “bụng bia”

1. Uống bia không phải lý do trực tiếp

Các chuyên gia cho biết, “bụng bia” không liên quan trực tiếp đến việc uống bia, bởi vì các chất chuyển hóa của bia không thành năng lượng lưu giữ trong cơ thể, và lượng calo của bia cũng tương tự như các loại đồ uống thường thấy.

Bản thân bia tuy nhiệt lượng không cao, nhưng bia làm tăng cảm giác thèm ăn, khi uống sẽ vô tình ăn nhiều hơn, đặc biệt là khi uống bia với đồ ăn có lượng chất béo cao, như thịt xiên que, thực phẩm nướng, làm tăng lượng calorie hấp thu, thúc đẩy mỡ sản sinh.

2. Ăn uống quá độ, thiếu vận động

Không kiểm soát ăn thức ăn giàu chất béo, cao calo, thiếu tập thể dục mới là nguyên nhân chính gây “bụng bia”. Con người thời hiện đại ngày nay thường ngồi lâu trong văn phòng, thời gian dài không vận động, trong khi không kiểm soát chuyện ăn uống, đặc biệt là có rất nhiều người có thói quen ăn đêm, dẫn đến lượng calo hấp thu vào cơ thể không thể tiêu thụ hết, tích tụ trong cơ thể hình thành mỡ.

3. Áp lực quá lớn

Khi cuộc sống chịu quá nhiều áp lực cũng dễ khiến bạn ăn uống quá độ, chất lượng giấc ngủ kém, thêm vào thời gian làm việc và nghỉ ngơi bất thường làm hệ thần kinh tự chủ mất cân bằng, việc đốt mỡ càng khó khăn, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu xung quanh thắt lưng.

4. Thói quen xấu

Nếu tư thế ngồi, đứng, đi không chuẩn cũng dễ dàng bị cong lưng, khi lưng cong thì bụng dưới sẽ lỏng ra và mông xệ xuống, trung tâm trọng lượng của cơ thể thay đổi, xương chậu sẽ có thể bị sai lệch làm mất cân bằng cơ bắp, bụng nổi lên.

5. Bài tiết khó khăn

Do thiếu vận động, thiếu chất xơ, dẫn đến các độc tố và chất thải trong đường ruột tích tụ, tắc nghẽn, không được thải ra ngoài, gây táo bón, bụng dễ dàng trương lên.

Khi chúng ta đã biết nguyên nhân hình thành “bụng bia” thì trong cuộc sống hàng ngày nên cố gắng làm sao tránh các nguyên nhân này, mấu chốt là làm ba điều sau đây.

Tránh “bụng bia”: kiểm soát chế độ ăn uống, vận động nhiều, ngủ đủ giấc

1. Chế độ ăn uống giảm “bụng bia”

Hạn chế ăn thực phẩm có hàm lượng calo cao, chẳng hạn như: sô-cô-la, bánh ngọt, bơ, thực phẩm đóng hộp; hạn chế ăn thức ăn nhiều chất béo như các loại gà rán, xiên thịt; không nên ăn quá mặn, thức ăn hương vị quá nặng cũng không tốt cho tim mạch, gây ra chứng béo phì; uống ít đồ uống có ga, bia; đối với một số người rất khó khăn để có thể vẫn uống bia, nhưng cố gắng uống ít hơn, không uống say.

Nên ăn nhiều 4 loại thực phẩm: cá (cá nằm trong nhóm protein tốt nhất, dễ dàng hấp thu, giá trị dinh dưỡng cao, cholesterol thấp), nước trắng đun sôi (là thức uống tốt nhất), trái cây, rau xanh.

2. Tập thể dục

Người hay có tư thế ngồi hoặc đứng không chuẩn, về cơ bản thường do thừa cân, người “bụng bia” to tròn, đặc biệt là giới lái xe, do ngồi lái nhiều, các cơ bắp vùng bụng ở trạng thái hoàn toàn thoải mái, khiến mỡ bụng phát triển.

Những khi chờ xe, xếp hàng… rảnh rỗi hãy nhón chân, hai bàn chân khép lại và dùng lực nâng gót chân lên, sau đó lại buông xuống, làm lặp lại vài chục lần. Vì khi nhón chân thì cơ bắp vùng bụng cũng chuyển động theo, tập như vậy thành thói quen thời gian dài có thể cải thiện đáng kể “bụng bia”.

3. Ngủ đủ giấc và đúng giờ

Khi thiếu ngủ, hormone mà cơ thể tiết ra để thúc đẩy cơ thể tăng trưởng bị rối loạn, ảnh hưởng đến chức năng trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, việc kiểm soát “bụng bia” nên bắt đầu với giấc ngủ đầy đủ để đảm bảo mỗi ngày ngủ ít nhất 8 giờ, giúp bài tiết hormone được đầy đủ hơn.  

Bữa ăn sáng, ăn trưa nên ăn một số lượng hợp lý các chất dinh dưỡng, bữa ăn tối nên đơn giản, còn thời gian ăn tối tốt nhất là không sau 8:00 để dành thời gian 2 giờ cho dạ dày tiêu hóa thức ăn, đến khoảng 10:00 đi ngủ là vừa hợp lý.

Thanh Xuân

Xem thêm: