Vô sinh là một vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến khoảng 7,7% các cặp đôi ở Việt Nam với nhiều nguyên nhân tiềm tàng khác nhau. Vô sinh gây ra nhiều hệ luỵ, từ gánh nặng tâm lý lên người phụ nữ đến đe dọa sự phát triển bền vững của một quốc gia. 

r shutterstock 1858787638
(Ảnh: Shutterstock)

Vô sinh liên quan đến hệ thống sinh sản, làm giảm khả năng thụ thai của cơ thể. Nguyên nhân có thể xuất phát từ hệ sinh sản của nam giới, nữ giới hoặc cả hai. Những phụ nữ có thể thụ thai nhưng không thể duy trì thai kỳ cũng được coi là vô sinh.

Vô sinh gây ra những tác động như thế nào?

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2023, khoảng 17,5% dân số trưởng thành toàn cầu (tương đương 1/6 người) bị vô sinh. 

Vô sinh thường gây ra căng thẳng tinh thần nghiêm trọng, bao gồm lo âu, trầm cảm, cảm giác thất bại và mất mát. Cả nam giới và phụ nữ đều có thể bị ảnh hưởng về mặt tâm lý. Về mặt xã hội, vô sinh có thể dẫn đến sự kỳ thị xã hội, đặc biệt ở các nền văn hóa xem việc có con là chuẩn mực. 

Việc điều trị vô sinh không chỉ là một hành trình y tế đầy thử thách mà còn tạo ra gánh nặng kinh tế đáng kể đối với các cặp vợ chồng, đặc biệt là khi các phương pháp hỗ trợ sinh sản như IVF (thụ tinh trong ống nghiệm) có chi phí cao và ít được bảo hiểm chi trả. Bên cạnh đó, vô sinh là một trong những nguyên nhân trực tiếp góp phần làm giảm tỷ lệ sinh, từ đó đẩy nhanh quá trình già hóa dân số – một vấn đề đang đe dọa sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia. 

Các loại vô sinh

Vô sinh được chia thành hai loại:

  • Vô sinh nguyên phát: Các cặp đôi không thể thụ thai sau ít nhất một năm quan hệ thường xuyên không sử dụng biện pháp tránh thai.
  • Vô sinh thứ phát: Các cặp đôi đã từng thụ thai thành công ít nhất một lần nhưng hiện không thể mang thai lại.

Dấu hiệu của vô sinh

Một cặp đôi được coi là vô sinh nếu không thụ thai sau:

  • Một năm quan hệ không dùng biện pháp bảo vệ.
  • Sau sáu tháng nếu người phụ nữ trên 35 tuổi.

Tuy nhiên, vô sinh không có nghĩa là không thể mang thai. Một số cặp đôi thụ thai tự nhiên khi cố gắng đến năm thứ hai.

Nguyên nhân gây vô sinh

Để mang thai, cần đáp ứng các điều kiện sau:

  • Nam giới sản xuất tinh trùng khỏe mạnh, nữ giới sản xuất trứng khỏe mạnh.
  • Ống dẫn trứng phải thông thoáng để tinh trùng gặp trứng.
  • Tinh trùng phải thụ tinh thành công với trứng để tạo thành phôi.
  • Phôi phải bám vào tử cung.
  • Phôi thai cần phát triển khỏe mạnh.

Vô sinh có nhiều nguyên nhân, đôi khi không xác định được. Khoảng một phần ba trường hợp do vấn đề ở nữ giới, một phần ba do nam giới, và phần còn lại là do kết hợp hoặc nguyên nhân không rõ. Nhiều cặp đôi gặp nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Nguyên nhân chung của vô sinh ở cả nam và nữ bao gồm:

  • Rối loạn nội tiết tố.
  • Vấn đề cấu trúc cơ quan sinh sản hoặc các bộ phận khác.
  • Bệnh lý hoặc tình trạng y khoa.
  • Yếu tố di truyền.
  • Yếu tố môi trường như độc tố, chế độ ăn, thuốc, và virus.
Tiêu chíNữ giớiNam giới
Nguyên nhân chínhKhó rụng trứng, trứng không di chuyển, phôi không bám hoặc không sống sótTinh trùng yếu, ít, bất thường hoặc không xuất tinh được
Yếu tố nội tiếtRối loạn hormone vùng dưới đồi, tuyến yên (ung thư tuyến yên, suy tuyến yên, tiểu đường type 1)Rối loạn hormone điều hòa sản xuất tinh trùng, u tuyến yên, suy sinh dục, hội chứng Klinefelter
Vấn đề cấu trúc và di truyềnTắc ống dẫn trứng, u nang buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, hội chứng Turner, Fragile XXơ nang, tích tụ sắt, mất đoạn nhiễm sắc thể Y, giãn tĩnh mạch thừng tinh, xoắn tinh hoàn, tinh hoàn ẩn
Vấn đề miễn dịchMiễn dịch tấn công phôi thaiMiễn dịch tấn công tinh trùng
Vấn đề cổ tử cung/tinh dịchChất nhày cổ tử cung dày, ngăn cản tinh trùngXuất tinh ngược, thắt ông dẫn tinh, rối loạn cương dương
Di chuyển của giao tửTrứng không di chuyển được đến tử cungTinh trùng bơi kém, không phóng tinh được
Bệnh lý liên quanRối loạn đông máu, u xơ tử cung, polyp tử cung, hội chứng antiphospholipidQuai bị, ung thư, các bệnh lý mãn tính khác
Tác động từ môi trườngKim loại nặng (cadmium, thủy ngân, và chì), hóa chất vĩnh cửu PFAS, thuốc trừ sâu, hóa chất gây rối loạn nội tiết, nhiễm trùng vùng chậu, thuốc hóa trị, sử dụng thuốc giảm đau NSAIDs (ibuprofen, aspirin) liều cao hoặc kéo dàiVi nhựa, thuốc trừ sâu, thuốc diệt côn trùng, thuốc trừ nấm, bức xạ điện từ, nhiễm trùng (quai bị)
Yếu tố lối sốngĂn uống kém, tập luyện quá mức, thiếu cânSử dụng ma túy, thuốc (ví dụ thuốc viêm khớp, trầm cảm, rối loạn tiêu hóa, lo âu, nhiễm trùng, cao huyết áp, và ung thư), căng thẳng, béo phì
Tỷ lệ suy giảm theo thời gianBị ảnh hưởng bởi tuổi và môi trườngNồng độ tinh trùng giảm hơn 50% trong 40 năm qua

Ai có nguy cơ vô sinh cao hơn?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ vô sinh bao gồm:

  • Tuổi tác: Phụ nữ đạt đỉnh sinh sản đầu những năm 20, giảm dần từ 35 tuổi và giảm mạnh sau 40 tuổi. Nam giới trên 45 tuổi cũng ít sinh sản hơn, dù khả năng sinh sản có thể bắt đầu giảm từ những năm 30.
  • Hút thuốc: Hút thuốc làm giảm số lượng và chất lượng trứng, đồng thời làm giảm chất lượng tinh dịch, ảnh hưởng đến số lượng, hình dạng, và khả năng di chuyển của tinh trùng. Tác động tiêu cực thường biến mất trong vòng một năm sau khi bỏ thuốc.
  • Uống rượu quá nhiều: Rượu làm thay đổi nồng độ estrogen và progesterone, gây bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt và rụng trứng. Ở nam giới, rượu liên quan đến teo tinh hoàn, giảm testosterone, và giảm sản xuất tinh trùng.
  • Nhiều bạn tình: Phụ nữ có nhiều bạn tình có nguy cơ vô sinh cao gấp 5,3 lần và nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cao gấp tám lần so với những người chỉ có một bạn tình.
  • Béo phì: Thừa cân có thể dẫn đến các vấn đề chuyển hóa như buồng trứng đa nang, ảnh hưởng đến sinh sản. Ở nam giới, cứ mỗi 9kg thừa cân, nguy cơ vô sinh tăng khoảng 10%.
  • Căng thẳng: Căng thẳng nghiêm trọng về thể chất hoặc tinh thần có thể gây mất kinh ở phụ nữ.
  • Cần sa: Sử dụng cần sa có thể làm hỏng tinh trùng, giảm số lượng tinh trùng và thể tích tinh dịch.
  • Cocaine: Cocaine có thể làm thay đổi khả năng di chuyển của tinh trùng và ảnh hưởng đến sinh sản nữ.
  • Tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao: Nhiệt độ cao có thể làm giảm thể tích tinh dịch, số lượng, nồng độ, khả năng di chuyển, và hình dạng tinh trùng.

Biến chứng của vô sinh

Các biến chứng của vô sinh và điều trị bao gồm:

  • Không có con.
  • Căng thẳng cảm xúc: Thất vọng, buồn bã, và lo lắng có thể dẫn đến trầm cảm và cảm giác thiếu thốn.
  • Căng thẳng trong mối quan hệ: Các cặp đôi vô sinh có thể gặp căng thẳng, giao tiếp kém, hoặc xung đột.
  • Vấn đề tài chính: Điều trị vô sinh có thể tốn kém và không được bảo hiểm chi trả 
  • Rủi ro sức khỏe: Một số phương pháp điều trị có rủi ro, như hội chứng quá kích buồng trứng, đa thai, thai ngoài tử cung ở phụ nữ, hoặc biến chứng phẫu thuật và tác dụng phụ của thuốc ở nam giới.

Điều trị vô sinh

Vô sinh có thể tự khỏi hoặc được điều trị. Khoảng 20% cặp đôi được chẩn đoán vô sinh có thể thụ thai tự nhiên mà không cần điều trị, trong khi phần lớn mang thai sau khi điều trị.

Học cách chọn thời điểm quan hệ đúng có thể cải thiện cơ hội mang thai. Quan hệ ít nhất hai ngày trước và trong thời kỳ rụng trứng là lý tưởng. Rụng trứng thường xảy ra khoảng hai tuần trước kỳ kinh tiếp theo. Với chu kỳ 28 ngày, quan hệ từ ngày 10 đến 18 sau khi bắt đầu kinh nguyệt là tốt nhất. Nên quan hệ trước rụng trứng sẽ tối ưu hóa khả năng thụ tinh, vì tinh trùng có thể sống ít nhất hai ngày trong cơ thể nữ, còn trứng chỉ có thể thụ tinh trong 12-24 giờ sau khi rụng.

Có nhiều lựa chọn khác nếu việc chọn thời điểm và kiên trì không hiệu quả.

Thuốc

Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để phụ nữ điều chỉnh rụng trứng, nhưng các thuốc này cũng có thể kích thích phóng nhiều trứng, làm tăng khả năng sinh đôi hoặc đa thai. Một số thuốc bao gồm:

  • Clomiphene citrate: Thường dùng cho phụ nữ mắc bị buồng trứng đa nang.
  • Human menopausal gonadotropin (hMG): Thuốc tiêm kích thích trực tiếp buồng trứng để thúc đẩy rụng trứng.
  • Follicle-stimulating hormone (FSH): Tương tự hMG.
  • Gonadotropin-releasing hormone (GnRH) analog: Dùng cho phụ nữ rụng trứng không đều hoặc rụng trứng quá sớm.
  • Metformin: Dùng cho phụ nữ kháng insulin hoặc buồng trứng đa nang để giảm nồng độ hormone nam cao, hỗ trợ rụng trứng.
  • Bromocriptine: Điều trị vấn đề rụng trứng ở phụ nữ có nồng độ prolactin cao.
  • Liệu pháp hormone: Ở nam giới, thiếu hụt gonadotropin có thể được điều trị bằng thuốc hormone để tăng sản xuất tinh trùng.

Phương pháp điều trị

  • Bơm tinh trùng vào tử cung (IUI): Tinh trùng được chuẩn bị đặc biệt và tiêm vào tử cung nữ giới, thường kết hợp với thuốc kích thích rụng trứng, dùng để điều trị vô sinh nam nhẹ, vấn đề chất nhầy cổ tử cung, hoặc vô sinh không rõ nguyên nhân.
  • Điện xuất tinh qua trực tràng: Thực hiện dưới gây mê cho nam giới không thể xuất tinh tự nhiên, trừ những người bị tổn thương tủy sống.
  • Công nghệ hỗ trợ sinh sản (ART): Bao gồm lấy trứng từ buồng trứng và xử lý trứng và tinh trùng trong phòng thí nghiệm, bao gồm:
    • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Hiệu quả nhất, kích thích buồng trứng sản xuất nhiều trứng trưởng thành, thụ tinh trong phòng thí nghiệm, và chuyển phôi vào tử cung sau 3-5 ngày phát triển.
    • Chuyển phôi vào ống dẫn trứng (ZIFT): Tương tự IVF, nhưng phôi được chuyển vào ống dẫn trứng thay vì tử cung.
    • Tiêm tinh trùng vào bào tương (ICSI): Tiêm một tinh trùng trực tiếp vào trứng trưởng thành, sau đó chuyển phôi vào tử cung hoặc ống dẫn trứng.
    • Chuyển giao tử vào ống dẫn trứng (GIFT): Chuyển cả trứng và tinh trùng vào ống dẫn trứng để thụ tinh trong cơ thể nữ giới.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể loại bỏ mô sẹo hoặc điều trị các tình trạng như u xơ gây vô sinh. Ở nam giới, phẫu thuật có thể bao gồm đảo ngược thắt ống dẫn tinh hoặc chọc hút tinh trùng qua da từ mào tinh (PESA), sử dụng kim lấy tinh trùng từ tinh hoàn để dùng ngay cho công nghệ hỗ trợ sinh sản hoặc đông lạnh.

Tâm lý ảnh hưởng đến vô sinh như thế nào?

Mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, tâm lý đóng vai trò quan trọng trong sức khỏe cảm xúc và thể chất. Tâm trạng tích cực có thể giảm căng thẳng, cải thiện khả năng đối phó, và thúc đẩy lựa chọn lối sống lành mạnh, từ đó có thể tăng khả năng sinh sản. Sức khỏe tinh thần cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ và khả năng quản lý các phương pháp điều trị sinh sản. Niềm hy vọng có thể đem lại kết quả tốt hơn.

Các liệu pháp tự nhiên cho vô sinh

Nhiều phương pháp tự nhiên có thể hỗ trợ điều trị vô sinh, nhưng cần thêm nghiên cứu để xác nhận hiệu quả và độ an toàn. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử.

1. Dược liệu

Theo đánh giá năm 2021, một số thảo dược chứa hợp chất polyphenolic như isoflavone và flavonoid hỗ trợ sức khỏe sinh sản nữ, điều chỉnh đường dẫn nội tiết và điều trị các rối loạn như PCOS, suy buồng trứng sớm, lạc nội mạc tử cung, và tăng prolactin máu. Một số thảo dược bao gồm:

  • Viên Ngũ Tử Diễn Tông Hoàn: Phân tích tổng hợp năm 2020 cho thấy viên Ngũ tử diễn tông hoàn, với thành phần chính là thỏ ty tử và bốn thành phần y học cổ truyền Trung Quốc khác, có thể cải thiện đáng kể các thông số tinh dịch nam và hỗ trợ điều trị vô sinh nam.
  • Kỷ tử (Fructus lycii): Nghiên cứu năm 2024 cho thấy chiết xuất kỷ tử tăng cường khả năng sinh sản nữ bằng cách giảm stress oxy hóa liên quan đến tuổi ở buồng trứng, tăng đáng kể tỷ lệ mang thai và sinh con sống ở chuột già tự nhiên. Kỷ tử cũng là thành phần chính của viên Ngũ tử diễn tông hoàn, thường kết hợp với thỏ ty tử trong điều trị vô sinh nam theo y học cổ truyền Trung Quốc.
  • Thảo dược Trung Đông: Theo nghiên cứu năm 2019, ở khu vực Bờ Tây, phấn hoa Ceratonia siliqua, quả Anastatica hierochuntica, và lá Parietaria judaica là các thảo dược phổ biến cho vô sinh nữ. Rễ Ferula hermonis, lá Phlomis brachyodon, và phấn hoa Phoenix dactylifera thường được dùng cho vô sinh nam. Tuy nhiên, cần thêm nghiên cứu về hiệu quả và an toàn.

2. Thực phẩm chức năng

Các chất bổ sung có thể cải thiện chất lượng trứng và tinh trùng bao gồm:

  • Coenzyme Q10 (CoQ10)
  • Axit folic
  • L-carnitine
  • Lycopene
  • N-acetyl cysteine (NAC)
  • Selenium
  • Vitamin C
  • Vitamin D
  • Omega-3
  • Folate
  • Melatonin

3. Châm cứu

Phân tích tổng hợp năm 2020 của 24 nghiên cứu cho thấy ôn châm cứu có khả năng cao nhất trong việc tăng tỷ lệ mang thai, trong khi châm cứu đơn thuần ảnh hưởng tích cực nhất đến tỷ lệ rụng trứng. Kết hợp châm cứu và cứu ngải cải thiện đáng kể tỷ lệ sảy thai ở phụ nữ Trung Quốc.

4. Liệu pháp ong

Liệu pháp ong sử dụng các sản phẩm từ ong như phấn hoa, sữa ong chúa, nọc ong, và keo ong. Nghiên cứu năm 2023 cho thấy sản phẩm từ ong có thể hỗ trợ vô sinh liên quan đến buồng trứng đa nang. Nghiên cứu năm 2021 gợi ý liệu pháp có lợi cho nam giới vô sinh. Thử nghiệm ngẫu nhiên nhỏ năm 2003 cho thấy keo ong có thể là lựa chọn hiệu quả cho vô sinh liên quan đến lạc nội mạc tử cung mức độ nhẹ.

5. Massage

Nghiên cứu năm 2015 cho thấy massage cải thiện kết quả IVF ở bệnh nhân chuyển phôi đông lạnh, có thể do giảm căng thẳng, giảm co bóp tử cung, và cải thiện lưu lượng máu vùng bụng. Nghiên cứu năm 2008 cho thấy 28 phụ nữ vô sinh với tắc hoàn toàn ống dẫn trứng được massage vật lý vùng bụng 20 giờ. Một tháng sau, 61% bệnh nhân có ống dẫn trứng thông thoáng, và 9 trên 17 người mang thai.

Cách phòng ngừa vô sinh?

Vô sinh không thể phòng ngừa hoàn toàn, đặc biệt khi liên quan đến yếu tố di truyền hoặc cấu trúc. Tuy nhiên, các chiến lược sau có thể hữu ích:

  • Quan hệ một vợ một chồng với người bạn đời lành mạnh để giảm nguy cơ bệnh lây truyền qua đường tình dục, vì các bệnh này nếu không điều trị có thể gây vô sinh.
  • Duy trì cách ăn uống, cân nặng, và lối sống lành mạnh.
  • Tránh dùng chất bôi trơn khi quan hệ để cải thiện chức năng tinh trùng.
  • Tránh hút thuốc hoặc cần sa.
  • Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại và độc tố môi trường.
  • Hạn chế uống rượu.

Vô sinh là một vấn đề phức tạp, nhưng với sự hiểu biết và các lựa chọn điều trị hiện đại cùng các phương pháp tự nhiên, nhiều cặp đôi có thể cùng nhau vượt qua khó khăn để đạt được ước mơ làm cha mẹ.

Ths.BS Đỗ Trường Giang